(Người Chăn Nuôi) – Trong chăn nuôi, kháng sinh được sử dụng với mục đích phòng, trị bệnh và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, sự lạm dụng kháng sinh gây ra các hệ lụy như tồn dư trong sản phẩm và hiện tượng kháng kháng sinh. Do đó, những năm gần đây, thảo dược được sử dụng để bổ sung vào thức ăn chăn nuôi (TĂCN) trở nên phổ biến hơn, được xem là hướng đi quan trọng của chăn nuôi sạch và thân thiện với môi trường.
Tác hại của sử dụng kháng sinh
Sử dụng các kháng sinh trong TĂCN đã có từ những năm 1960 với tác dụng cải thiện tăng trọng, phòng, trị bệnh vật nuôi, từ đó mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc trộn kháng sinh thường xuyên vào TĂCN đã dẫn tới hiện tượng nhờn thuốc – kháng thuốc khá phổ biến và tạo ra dòng vi sinh vật độc có nguy cơ gây bệnh cho gia súc và lây lan sang người. Theo kết quả các khảo sát (năm 2000 – 2002), nhiều loại vi sinh vật nhờn thuốc, nguy hiểm nhất gồm 5 loại: Staphylococcus aureus (tụ cầu khuẩn), Streptococcus pneumoniae, Neiseria gonorrhoeae (vi khuẩn lậu), Mycobacterium tuberculosis (vi khuẩn lao) và Campylobacter jejuni (virus cúm gà). Các vi sinh vật dễ lây từ gia súc sang người qua thực phẩm. Năm 2003, Bộ Y tế cho biết, 97,9% số ca điều trị nhờn thuốc với Penicillin G, 71% với Tetracyclin, 61,6% với Erythromycin và 100% với Ampicillin. Trong lĩnh vực chăn nuôi, theo số liệu công bố năm 2001 – 2003 của Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh, có 65% chủng vi khuẩn E. coli gây bệnh tiêu chảy ở heo con đề kháng đa kháng sinh; Số chủng E. coli gây tiêu chảy, làm độc thần kinh gây phù đầu ở heo sau cai sữa là 100% đề kháng Bactrim, Cephalexin và 71,4% đề kháng Colistine, Cefriaxone…
Ngoài kháng kháng sinh, sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi không đúng cách, khiến tồn dư trong thịt và nhiều thực phẩm gây mất an toàn cho người sử dụng cũng được cảnh báo. Theo kết quả điều tra, tồn dư kháng sinh trong thịt 75% và gan heo 66,7% số mẫu nghiên cứu và lượng tồn dư từ 3,67 – 122 ppm, cao gấp hàng chục đến hàng chục nghìn lần tiêu chuẩn quốc tế, trong khi đó 53,8% mẫu thịt gà có tồn dư kháng sinh.
Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn tại Quốc Oai, Hà Nội. Ảnh: ST
Vai trò của thảo dược
Tác dụng của thảo dược do hoạt tính của các hoạt chất sinh học. Hoạt chất sinh học là các hợp chất hóa học có mặt trong tất cả bộ phận hay được tìm thấy tại các vị trí cụ thể của dược thảo. Các hoạt chất sinh học có hoạt tính sinh học rất khác nhau, phụ thuộc vào loài và thời gian sinh trưởng của thực vật, cách chế biến (chiết xuất) hay sự phối hợp giữa chúng…
Kháng khuẩn: Nhiều nghiên cứu chỉ ra hoạt tính kháng khuẩn mạnh trong một số thảo dược kháng lại vi khuẩn gram âm và dương. Một số thảo dược chứa Flavoid như baicalin, baicalein, limonene, cinnamaldehyde, carvacrol hoặc eugenol… có tính kháng khuẩn cao. Những loại thảo dược này có hiệu quả chống lại vi khuẩn gram âm (Salmonella spp hoặc E. coli), gram dương (Staphylococcus spp. và Streptococcus spp). Cơ chế kháng khuẩn của phần lớn thảo dược là làm biến tính và đông vón protein ở trong vách tế bào vi khuẩn. Ngoài ra, thảo dược có thể liên quan đến ức chế sự hấp thụ chất dinh dưỡng, ức chế enzyme, tổng hợp DNA, RNA và tổng hợp các protein của tế bào vi khuẩn.
Kháng viêm: Các phân tử hoạt tính kháng viêm chính là phenol, terpenoid và flavonoid. Các phân tử này kìm hãm sự trao đổi của prostaglandin. Hai nhóm hoạt chất phenol và flavonoid có hoạt tính kháng viêm, chống dị ứng, kháng virus và chống tăng sinh. Các cây thảo dược có tiềm năng chứa chất kháng viêm là hoa cúc, cúc vạn thọ, cam thảo… Gần đây, cây nha đam (Aloe vera) được nghiên cứu sử dụng trong chăn nuôi gia cầm vì nó mang rất nhiều đặc tính có lợi như kháng khuẩn, kháng virus, kháng nấm…
Chống ôxy hóa: Hợp chất chống ôxy hóa làm chậm hoặc cản trở quá trình ôxy hóa chất béo và khi bổ sung vào thức ăn sẽ giảm tối đa quá trình ôxy hóa chất béo nên giảm sự hình thành các sản phẩm độc hại và giúp duy trì chất lượng dinh dưỡng. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, thực vật giàu chất chống ôxy hóa có thể liên quan đến hàm lượng các hợp chất phenol (flavonoid, tannin thủy phân, proanthocianidins, phenolic acids, phenolic terpene) và một số Vitamin (E, C, A). Tỏi và hành là những loại thực vật chứa nhiều hợp chất chống ôxy hóa chất béo và ức chế quá trình ôxy hóa lipoprotein; Ngoài ra, tiêu đen, tiêu đỏ, ớt đỏ… cũng chứa nhiều chất chống ôxy hóa.
Kích thích hệ miễn dịch: Hệ thống miễn dịch có thể có lợi từ thảo dược giàu chất flavonoids, Vitamin C và carotenoid. Thực vật chứa các phân tử có hoạt tính kích thích miễn dịch phổ biến là Echinacea (họ cúc), cam thảo, tỏi… Các thảo dược này cải thiện hoạt tính tế bào bạch huyết, đại thực bào, tế bào bạch huyết NK và chúng tăng thực bào hoặc kích thích tổng hợp interpheron.
Tăng tính ngon miệng và cải thiện tiêu hóa: Cơ chế tác động lên tính ngon miệng, tiêu hóa thức ăn và tăng năng suất của các thảo dược khác nhau. Đa số nghiên cứu cho rằng, thảo dược kích thích tăng tiết nước bọt. Một số thảo dược kích thích chức năng của enzyme tiết ra từ tuyến tụy (lipase, amylase và protease); Tăng hoạt tính của enzyme tiêu hóa trong chất nhầy dạ dày; Tăng khả năng tiêu hóa và rút ngắn thời gian vận chuyển thức ăn trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, thảo dược có thể thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột theo chiều hướng có lợi cho con vật và duy trì ổn định biểu mô ruột cũng như các kích thích tăng trưởng khác, đặc biệt ở heo.
Vai trò khác: Các công bố cho thấy, sử dụng hỗn hợp thảo dược thay thế kháng sinh trong khẩu phần làm tăng tăng trọng của heo. Vì vậy, một số nghiên cứu sử dụng chất chiết xuất thảo dược như chất kích thích tăng trưởng cho heo đã được tiến hành. Tuy nhiên, kết quả chưa rõ ràng và chưa đưa đủ minh chứng về hiệu quả tác động của thảo dược.
Thảo dược là một trong những giải pháp tối ưu đang được quan tâm để thay thế kháng sinh. Ảnh: iStock
Thảo dược lên ngôi
Với nhiều đặc tính có lợi, thảo dược là một trong các giải pháp tối ưu đã và đang được nhiều nước áp dụng để thay thế kháng sinh bổ sung vào TĂCN. Trong những năm gần đây, các công ty đa quốc gia như Alltech, Biomin đã sản xuất và thương mại hóa một số sản phẩm thảo dược (Biomin® P.E.P, Biomin® C-EX).
Ở nước ta, việc sử dụng cây thuốc nam để bào chế thuốc điều trị bệnh tiêu chảy của heo đã được đề cập từ nhiều thập kỷ trước. Gần đây, thảo dược bào chế từ cao vàng đắng, cỏ sữa lá lớn, tô mộc, xuyên tâm liên, hoàng liên ô rô, bọ mắm, dây cóc, gừng, sài đất, nghệ, cam thảo, vỏ măng cụt… được dùng để phòng, trị hội chứng tiêu chảy ở heo và gia cầm. Các chế phẩm này thay thế kháng sinh colistine, chlotetracycline trong thức ăn không những ngừa tiêu chảy mà còn cải thiện tăng trọng của heo và gà. Một số sản phẩm thảo dược bào chế tinh dầu tràm, cao xuyên tâm liên, cao xạ can, bọ mắm, quế, dâu tằm, viễn chí và cao gừng phòng trị hội chứng hô hấp ở heo và gà. Các chế phẩm này thay thế kháng sinh tiamulin, tylosine trong thức ăn không chỉ ngừa hội chứng hô hấp mà còn cải thiện tăng trọng của heo, gà và cải thiện tỷ lệ đẻ của gà.
>> Chiết xuất thảo dược (hay còn được gọi là thảo dược) là các hợp chất hữu cơ được chiết ra từ thực vật tự nhiên và được biết với các tên gọi: Thảo dược, gia vị, tinh dầu (chiết xuất bằng chưng cất) và nhựa dầu (chiết xuất bằng dung môi không chứa nước).
GS.TS Lê Đức Ngoan
Trường Đại học Nông Lâm, Đại học Huế