Thanh Hóa: Phát triển chăn nuôi tại huyện miền núi Lang Chánh

Huyện miền núi Lang Chánh có quỹ đất tự nhiên hơn 58.560 ha, trong đó đất rừng chiếm hơn 50.600 ha, đất sản xuất nông nghiệp gần 4.000 ha. Đó chính là điều kiện thuận lợi để huyện phát triển chăn nuôi, nhất là gia súc. Tuy nhiên, nhiều đời nay, chăn nuôi của huyện vẫn nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn nuôi nông hộ. Tập quán bán thả rông, chăn nuôi trâu, bò trên rừng vẫn còn phổ biến nên những năm trước, Lang Chánh là một trong những địa phương chịu nhiều tác động tiêu cực của các đợt dịch bệnh trên đàn trâu, bò và lợn.

Thời gian gần đây, tình hình chăn nuôi trên địa bàn huyện đã ổn định và có bước phát triển. Thống kê mới nhất từ UBND huyện Lang Chánh vào thời điểm đầu tháng 4 vừa qua, toàn huyện đang có gần 6.000 con trâu, gần 4.000 con bò, hơn 3.600 con dê và đàn lợn hơn 20.500 con. Hệ thống sông suối cùng đất đai rộng lớn cũng giúp Nhân dân trong huyện duy trì được đàn gia cầm hơn 234.000 con, giúp phát triển kinh tế hộ khá hiệu quả. Trong quá trình phát triển các mô hình sản xuất những năm gần đây, Lang Chánh cũng xác định và khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển đàn vật nuôi đặc trưng như lợn cỏ, vịt bầu bản địa, gà ri thả vườn…

chăn nuôi lang chánh

Khu trang trại chăn nuôi lợn theo hướng công nghệ cao tại xã Giao An vừa đi vào hoạt động.

Khảng 1 năm trở lại đây, huyện Lang Chánh đã tạo được bước ngoặt trong chăn nuôi với việc kêu gọi được các doanh nghiệp lớn đầu tư các trang trại tập trung để nuôi lợn theo hướng công nghệ cao. Đến tháng 5–2022 này, đã có 6 dự án chăn nuôi lợn theo hướng hiện đại, quy mô lớn đang hoàn thiện hoặc đã đi vào hoạt động. Đầu tiên là dự án trang trại chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao TIGER ở xã Trí Nang đã đi vào hoạt động từ những tháng đầu năm, hiện đang nuôi 1.100 lợn bố mẹ và trung bình 2.000 lợn con/tháng. Đây là dự án do Công ty TNHH MTV Chăn nuôi TIGER triển khai theo Quyết định 2787/QĐ-UBND cho thuê đất của UBND tỉnh, với diện tích hơn 6.000 m2. Tại khu vực vùng núi của xã Giao An, khu chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao RTD của Công ty TNHH MTV RTD cũng đã đi vào hoạt động từ nhiều tháng qua với quy mô 1.050 lợn bố mẹ, trung bình 1.800 lợn con và 4.000 lợn thịt/tháng.

Cũng tại xã Giao An, 3 trang trại công nghệ cao khác là quần thể các khu chăn nuôi lợn hàng hóa chất lượng cao tập trung APPE AC của Công ty TNHH MTV Đầu tư APPE AC đã được hoàn thiện và đi vào hoạt động trên diện tích hơn 6.100 m2. Cách đó không xa, dự án chăn nuôi APPE nuôi lợn hậu bị mới đi vào hoạt động thử nghiệm, hiện đã nuôi 800 con. Đây đều là những trang trại lớn, được xây dựng biệt lập ở những thung lũng với các dãy núi bao bọc, đều xa các khu dân cư để hạn chế vấn đề ảnh hưởng môi trường.

Hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao kết hợp trồng rừng sản xuất cho Công ty CP Đầu tư nông nghiệp Agri – Vina tại xã Tân Phúc. Theo đó, dự án dự kiến sẽ được triển khai trên diện tích khoảng 40 ha, các bên liên quan đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục.

Để đồng hành cùng các chủ đầu tư, huyện Lang Chánh đã và đang tích cực trong khâu giải phóng mặt bằng, hỗ trợ mở đường giao thông và các điều kiện liên quan cho các dự án hoạt động.

Bài và ảnh: Linh Trường

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *