Trong bối cảnh thị trường đầu ra không ổn định và khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, dịch bệnh diễn biến phức tạp, đặt ngành chăn nuôi trước nhiều thách thức.
Trước và sau tết Nguyên đán, gia đình bà Trần Thị Liên, xã Điện Quan, huyện Bảo Yên (Lào Cai) xuất bán gần 5.000 con gà. Ngay sau khi xuất bán, bà vệ sinh chuồng trại, tiêu độc, khử trùng và xử lý chất thải theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Bà Liên cho biết: Tôi chọn mua con giống tại cơ sở ấp nở có uy tín, gà khỏe mạnh, được nhỏ vắc-xin phòng bệnh đầy đủ. Dịp này, thời tiết giao mùa, nắng nóng nên phải thay đệm lót chuồng mới, sử dụng chế phẩm sinh học trong chăm sóc gà để hạn chế tối đa dịch bệnh. Với tình hình giá thức ăn chăn nuôi cao như hiện nay, lứa này gia đình chỉ vào đàn khoảng 3.000 con gà giống (giảm 30% so với quy mô chuồng nuôi). Vừa nuôi vừa nghe ngóng thị trường rồi tính tiếp.
Cần tìm hiểu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường, tính toán các chi phí phát sinh trong chăn nuôi để chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp.
Còn bà Đỗ Thị Duyên, xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng), người có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi cho biết: Năm 2021, do ảnh hưởng của giá thức ăn chăn nuôi, thị trường tiêu thụ chậm, giá bán nhiều thời điểm thấp hơn giá thành sản xuất khiến việc duy trì chăn nuôi của gia đình gặp nhiều khó khăn. Nhưng xác định chăn nuôi lợn là nghề chính, gia đình đã chủ động trong sản xuất con giống và duy trì việc tái đàn. Tuy vậy, đợt tái đàn vừa qua chỉ duy trì đàn với quy mô 100 con lợn thịt (giảm 50 con lợn thịt so với lứa trước), 11 con lợn nái.
Việc nhập đàn, tái đàn với người chăn nuôi rất quan trọng, cần thiết để duy trì sản xuất. Nhưng trong thời gian qua, có không ít trường hợp người chăn nuôi phải gánh chịu những rủi ro, thiệt hại kinh tế khi tái đàn không đúng thời điểm. Bên cạnh đó, do giá thức ăn chăn nuôi tăng liên tục đã ảnh hưởng trực tiếp đến chăn nuôi, trong khi nhu cầu thị trường tiêu thụ giảm, có những lúc sản phẩm đến kỳ xuất chuồng nhưng giá bán hạ, thậm chí không bán được.
Chủ động chăm sóc gia cầm.
Mặt khác, dịch bệnh xảy ra đối với gia súc, gia cầm ngay sau khi nhập đàn, nhất là đối với quy mô chăn nuôi vừa và nhỏ. Nguyên nhân do người chăn nuôi nóng vội, chưa tìm hiểu kỹ thời điểm cần tái đàn, cộng với việc nhập con giống ở vùng đang có dịch hoặc tiềm ẩn có dịch, gia súc, gia cầm lại không rõ nguồn gốc, việc vận chuyển không bảo đảm…
Ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh cho biết: Ngay từ đầu năm, chi cục đã đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động tái đàn, tránh tình trạng bỏ trống chuồng nuôi. Cơ quan chuyên môn các huyện, thành phố hướng dẫn các trang trại, hộ chăn nuôi những biện pháp tái đàn, tăng đàn; định kỳ tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc các khu chăn nuôi và tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin theo quy định. Hiện nay, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa, nguy cơ cao gây bùng phát dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Vì vậy, các trang trại, hộ chăn nuôi cần thận trọng, tuân thủ các điều kiện đảm bảo chăn nuôi an toàn sinh học nhằm hạn chế thấp nhất rủi ro khi tái đàn.
Đến nay, các địa phương đã từng bước tái đàn gia súc, gia cầm an toàn, đảm bảo nguồn cung các loại thịt cho thị trường. Tổng đàn gia súc chính (trâu, bò, lợn) toàn tỉnh đến hết tháng 3 ước đạt hơn 570.000 con, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng đàn gia cầm chủ yếu (gà, vịt, ngan) hơn 5 triệu con, tăng 0,7% so với cùng kỳ. Sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 65.795 tấn, tăng 4,28% so với cùng kỳ.
“Người chăn nuôi cần bình tĩnh, thận trọng trong tái đàn. Cần tìm hiểu kỹ thông tin, theo dõi tín hiệu thị trường, tính toán các chi phí phát sinh trong chăn nuôi để chủ động kế hoạch sản xuất phù hợp” – ông Phạm Bá Uyên, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y tỉnh khuyến cáo.
Kim Thoa
Nguồn: Báo Lào Cai