Trước tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp, các địa phương trong tỉnh đều chú trọng phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, xây dựng các vùng chăn nuôi an toàn, đảm bảo chất lượng con giống…
Các địa phương tuyên tuyền, vận động các hộ chăn nuôi tích cực phục hồi đàn lợn sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi; giữ gìn vệ sinh chuồng trại, phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến vào làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh. Các địa phương vận động các doanh nghiệp đầu tư mạnh cho lĩnh vực chăn nuôi; chăn nuôi công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi theo chuỗi khép kín từ con giống, vật tư đầu vào, đến sản xuất và chế biến, tiêu thụ.
Người dân xã Quảng An (huyện Đầm Hà) đầu tư nuôi gà thả vườn.
Toàn tỉnh hiện có 7 doanh nghiệp chăn nuôi lớn: Công ty TNHH Phú Lâm, quy mô từ 10.000 – 12.000 con bò; Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường, quy mô 38.000 – 45.000 con lợn, sản lượng 700 tấn/tháng; Công ty CP Nông nghiệp Tuấn Long, Công ty TNHH MTV Phát triển Nông lâm ngư Quảng Ninh, quy mô 1.050 con lợn nái Móng Cái cụ kỵ, ông bà; Công ty CP Phát triển chăn nuôi và Nông lâm ngư nghiệp Phúc Long, quy mô 5.000 con gà Tiên Yên bố mẹ; Công ty Minh Châu, quy mô 949 con lợn nái ngoại; Trại gà Tân An, quy mô 10.000 con gà đẻ trứng. Trong năm 2021 có 3 dự án đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi được phê duyệt chủ trương đầu tư, đang triển khai; 11 dự án chăn nuôi đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục đầu tư.
Qua vận động doanh nghiệp đầu tư vào chăn nuôi, chất lượng con giống vật nuôi cung cấp cho hộ được cải thiện. Cụ thể, Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường mỗi tháng cung ứng khoảng 11.000 con lợn giống các loại; Công ty CP Phát triển chăn nuôi và Nông lâm ngư nghiệp Phúc Long hằng năm cung ứng 60 vạn con gà giống…
Để đảm bảo chăn nuôi an toàn, đảm bảo chất lượng con giống và thành phẩm trong chăn nuôi, các ngành chức năng tăng cường phòng, chống buôn lậu con giống gia súc, gia cầm. Trong năm 2021, Trạm Kiểm dịch động vật cửa khẩu Quảng Ninh phối hợp với các ban, ngành tại Cửa khẩu Hoành Mô (huyện Bình Liêu) bắt giữ 5 vụ vận chuyển nhập lậu con vịt giống qua biên giới vào nội địa; tại Cẩm Phả, Tiên Yên, Vân Đồn, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp đã phối hợp cùng các phòng, ban, ngành chức năng bắt giữ 12 vụ vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, không rõ nguồn gốc, tiến hành tiêu hủy 260.210 con giống từ 1 – 3 ngày tuổi…
Việc đảm bảo chất lượng con giống, đẩy mạnh vận động, tuyên truyền người dân, doanh nghiệp trong chăn nuôi đã tác động tích cực đến các hộ nuôi trên địa bàn. Thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, người dân đầu tư các trang trại chăn nuôi, thành lập các hợp tác xã… Trên địa bàn tỉnh hiện có 240 trang trại chăn nuôi; đã có 24 hợp tác xã và 240 trang trại chăn nuôi được cấp chứng nhận kinh tế trang trại, 28 cơ sở được cấp chứng nhận VietGAP, 15 cơ sở được cấp chứng nhận an toàn dịch bệnh. Tỉnh đang phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, như vùng chăn nuôi lợn tại TP Móng Cái với 32ha; vùng chăn nuôi gà Tiên Yên với 850.000 con; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với 1.341 ha.
Nhờ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, năm 2021 giá trị sản xuất chăn nuôi của tỉnh tăng 7,6%, chiếm 56,44% giá trị sản xuất ngành Nông nghiệp. Đến nay, toàn tỉnh có đàn trâu hơn 27.600 con, đàn bò trên 34.000 con, đàn lợn gần 263.000 con, đàn gia cầm hơn 4.000.000 con. Tổng sản lượng thịt các loại xuất chuồng năm 2021 được 97.344 tấn, 3 tháng đầu năm 2022 đạt 27.451 tấn. Sản lượng thịt gia súc, gia cầm chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hiện đáp ứng 70% nhu cầu tiêu dùng nội tỉnh.
Các địa phương trong tỉnh đang tích cực rà soát, bố trí quỹ đất phục vụ việc di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi; tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp đầu tư, phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích các cơ sở sản xuất giống gia súc, gia cầm nhằm đảm bảo cung ứng 80% nhu cầu giống trong chăn nuôi của tỉnh thời gian tới.
Thu Nguyệt