Ngày 23/2, UBND tỉnh Nghệ An ban hành Công điện khẩn số 06/CĐ-UBND về việc tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp cấp bách phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Trong những ngày vừa qua, thời tiết diễn biến phức tạp, nhiệt độ nhiều nơi xuống thấp gây nên hiện tượng rét đậm, rét hại, đặc biệt vùng núi cao đã làm nhiều gia súc bị chết. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết vẫn đang diễn biến phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi.
Để kịp thời đối phó với hiện tượng thời tiết cực đoan, hạn chế thấp nhất những thiệt hại do đói, rét và dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi, UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các sở, thủ trưởng các ngành cấp tỉnh có liên quan thực hiện nghiêm túc Công văn số 7055/BNN-CN ngày 27/10/2021 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động phòng chống đói, rét cho đàn vật nuôi.
Cụ thể, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn; các phòng, đơn vị liên quan triển khai, thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn; ký cam kết các hộ chăn nuôi tuyệt đối không thả rông gia súc trong mùa Đông; những hộ chăn nuôi nào cố tình thả rông gia súc, không thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét nếu bị thiệt hại thì không hỗ trợ thiệt hại theo quy định của Nhà nước.
Theo khuyến cáo, đối với gia cầm, cần đảm bảo thức ăn có đầy đủ chất dinh dưỡng, phù hợp với từng lứa tuổi; cho uống đủ nước sạch, ấm và bổ sung thêm đường Gluco, các loại Vitamin tổng hợp, men tiêu hóa để nâng cao khả năng chống bệnh cho vật nuôi. Trong ảnh: Trang trại gà của hộ chăn nuôi ở Thanh Thủy, Thanh Chương. Ảnh: Việt Phương
Đồng thời, thành lập các Đoàn kiểm tra cấp huyện, cấp xã xuống tận thôn bản, hộ dân để kiểm tra, chỉ đạo, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, biện pháp phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, đặc biệt chú trọng các khu vực vùng núi, núi cao.
Các địa phương, đơn vị liên quan hướng dẫn người chăn nuôi chủ động nguồn thức ăn, ngoài thức ăn xanh cần bổ sung thức ăn tinh bột (ngô, cám…) cho trâu, bò đảm bảo cung cấp tại chuồng không để gia súc bị đói, khát; nhốt gia súc tại chuồng, không thả trâu, bò khi nhiệt độ xuống thấp dưới 120C và cho gia súc nghỉ làm việc; giữ khô nền chuồng, che chắn chuồng trại tránh gió lùa, làm áo khoác giữ kín, giữ ấm, tạo nguồn nhiệt sưởi ấm cho gia súc; vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại, xử lý tốt gia súc chết và chất thải vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát chặt chẽ đàn vật nuôi đề phòng dịch bệnh xảy ra.
Chỉ đạo hệ thống truyền thanh, truyền hình cấp huyện, hệ thống truyền thanh cấp xã thông tin kịp thời diễn biến thời tiết để người chăn nuôi biết, chủ động trong phòng, chống đói, rét; đồng thời tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các biện pháp phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi. Xây dựng kế hoạch tiêm phòng, giao chỉ tiêu tiêm phòng cụ thể cho từng địa phương theo tổng đàn thực tế; yêu cầu chỉ tiêu tiêm phòng đạt 100% gia súc, gia cầm trong diện tiêm…
UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND các huyện, thành, thị tăng cường kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh. Chỉ đạo các Đoàn công tác tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương, cơ sở để tổ chức, triển khai thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng chống đói rét, dịch bệnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chuẩn bị đầy đủ vật tư, vắc xin cho đợt tiêm phòng gia súc, gia cầm trong vụ xuân; thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật…
Việt Phương
Nguồn: Báo Nghệ An