(Người Chăn Nuôi) – Được đánh giá là ngành hàng có lợi thế nhưng đến nay, ngành chăn nuôi đại gia súc ăn cỏ ở Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng.
Cần ưu tiên phát triển
Việt Nam hiện có 97 triệu dân (năm 2020), dự báo lên 100 triệu dân (năm 2025). Bên cạnh đó, kinh tế càng phát triển thì nhu cầu tiêu thụ thịt, cá, trứng, sữa, nhất là thịt gia súc ăn cỏ ngày càng tăng cao. Là đất nước nông nghiệp song chăn nuôi gia súc ăn cỏ của Việt Nam mới chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thịt và 60% nhu cầu sữa. Sản xuất trong nước quá thiếu so với nhu cầu, dẫn đến việc phải nhập khẩu một lượng lớn sữa, thịt trâu, bò, dê, cừu từ nước ngoài về cung cấp cho thị trường trong nước.
Sản lượng thịt gia súc ăn cỏ sản xuất trong nước chỉ chiếm 8,6% tổng sản lượng thịt các loại. Mức tiêu thụ thịt bò trung bình của người Việt Nam là 3,15 kg thịt xẻ/người/năm, thấp hơn so mức 5,21 kg/người/năm của châu Á và 9,46 kg/người/năm của thế giới. Tiêu thụ sữa trung bình hiện khoảng 27 kg/người/năm, thấp hơn so mức 81,23 kg/người/năm của châu Á và 108,97 kg/người/năm của thế giới.
Hiện, với chăn nuôi heo, Dịch tả heo châu Phi đã và đang diễn ra trên diện rộng, là tai họa không lường. Chăn nuôi gia cầm cung – cầu gần như đang bão hòa. Do đó, cần ưu tiên phát triển gia súc ăn cỏ.
Cơ hội lớn
Chăn nuôi gia súc ăn cỏ của Việt Nam trong những năm tiếp theo có nhiều cơ hội phát triển như: Nhu cầu tiêu dùng trong nước về sản phẩm của gia súc ăn cỏ ngày càng tăng cao do bùng nổ dân số, từ 97 triệu dân năm 2020 lên khoảng 100 triệu dân năm 2025. Do đô thị hóa, công nghiệp hóa cùng với tăng trưởng cao về khách du lịch ở nước ta.
Chăn nuôi bò sữa đang có nhiều bước phát triển tại nước ta – Ảnh: Vinamilk
Hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng cũng tạo ra những cơ hội cho ngành chăn nuôi khi được tiếp cận với công nghệ mới, giống mới, sản phẩm mới, phương thức tổ chức sản xuất và quản lý tiên tiến. Đầu vào của ngành chăn nuôi như: Con giống, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, trang thiết bị, thuốc thú y… sẽ giảm do bỏ hàng rào thuế quan.
Việc tiếp cận và tham gia các tổ chức quốc tế, các hiệp định song phương, đa phương, hiệp định thương mại tự do đã và đang được đẩy mạnh sẽ có tác động đến khả năng sản xuất, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ. Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật có hiệu lực từ năm 2020 tạo ra hành lang pháp lý thông thoáng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, người dân sản xuất, kinh doanh hiệu quả hơn.
Thách thức không ít
Dù có nhiều lợi thế, song ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, vẫn phải đối mặt với một số thách thức như: Chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ lệ cao, dẫn đến chưa kiểm soát hiệu quả vấn đề dịch bệnh, an toàn thực phẩm, năng suất, giá thành, tính cạnh tranh của sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ của Việt Nam còn thấp so các nước phát triển. Các Hiệp định tự do thương mại của Việt Nam với các nước là cơ hội để các sản phẩm gia súc ăn cỏ của khu vực có lợi thế chăn nuôi này, sẽ thâm nhập ngày càng nhiều hơn vào thị trường Việt Nam. Chăn nuôi gia súc ăn cỏ phụ thuộc nhiều vào nguồn thức ăn thô xanh, nhưng nước ta không có đồng cỏ, bãi chăn thả tự nhiên như các nước có nền chăn nuôi phát triển như: Mỹ, Australia, New Zealand… Nguy cơ khủng hoảng kinh tế, xung đột thương mại có thể tác động đến kinh tế khu vực hoặc toàn cầu, trong đó có ngành chăn nuôi nước ta. Chính sách bảo hộ yêu cầu khắt khe về chất lượng liên quan đến các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, nhất là các mặt hàng liên quan đến ngành chăn nuôi. Việc xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi còn gặp nhiều trở ngại do sản phẩm chăn nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về công tác thú y.
Có thể thấy, những năm qua, ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ nước ta có nhiều bước tiến đáng ghi nhận, từ nguồn giống đến quy trình chăn nuôi, thức ăn; Phần lớn số lượng đầu con và sản lượng sản phẩm của đàn gia súc ăn cỏ có xu hướng tăng. Thời gian tới, để phát triển gia súc ăn cỏ theo hướng bền vững, cần thực hiện các giải pháp đồng bộ, hiệu quả hơn.
>> Không có con vật nào lợi thế như gia súc ăn cỏ, chỉ cần nhiệt độ, nước, ánh sáng, đất… ra được thức ăn xanh – ra được thịt, sữa – ra được tiền. Vì vậy, cần phát triển mạnh gia súc ăn cỏ để cạnh tranh trên lợi thế của mình và mới thắng lợi được.
TS. Lê Văn Thông
Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Chăn nuôi Gia súc lớn Việt Nam