Là địa phương có đàn vật nuôi quy mô lớn của tỉnh và từng xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm gây thiệt hại lớn, để chủ động phòng chống rét và dịch bệnh cho đàn vật nuôi vụ Đông Xuân 2021 – 2022, huyện Tam Đảo đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ tích cực thực hiện tốt bảo vệ an toàn đàn vật nuôi.
Huyện Tam Đảo hiện có tổng đàn gia súc hơn 8.000 con, trong đó có 237 bò sữa; hơn 1,5 triệu con gia cầm các loại. Có một số trang trại chăn nuôi lợn, bò sinh sản ngoại và hợp tác xã chăn nuôi bò sữa, nhưng chủ yếu vẫn là chăn nuôi nông hộ và gia trại.
Ngay đầu tháng 12/2021, UBND huyện Tam Đảo đã chủ động ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương tập trung phòng chống đói rét và dịch bệnh gia súc, gia cầm trong vụ đông xuân 2021 – 2022.
Ông Đào Văn Hưng, thị trấn Hợp Châu cung cấp cỏ xanh và đầy đủ thức ăn cho đàn trâu trong những ngày giá rét
Khi có ổ dịch nhỏ phát sinh, thực hiện các biện pháp khoanh vùng, bao vây ổ dịch, ngăn chặn không để dịch bệnh lây lan rộng. Phấn đấu tiêm phòng đạt 80% tổng đàn trở lên các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như bệnh Tụ huyết trùng trên trâu bò, LMLM; VDNC; dịch tả lợn, bệnh tai xanh; cúm gia cầm; tiêm vắc xin phòng dại đàn chó, mèo…
UBND huyện chỉ đạo Phòng NN&PTNT đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra việc phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tại các xã, thị trấn rà soát, đánh giá diễn biến thực tế dịch bệnh, tham mưu UBND huyện chỉ đạo phòng, chống bệnh kịp thời.
Các thành viên tổ công tác phòng chống đói rét dịch bệnh gia súc, gia cầm của huyện căn cứ chức năng, nhiệm vụ và địa bàn được phân công bám sát cơ sở đôn đốc, hướng dẫn phòng chống dịch bệnh.
Trạm Chăn nuôi – Thú y huyện tập trung chỉ đạo, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh DTLCP đảm bảo phát hiện sớm, giám sát chủ động, lấy mẫu xét nghiệm dịch bệnh, đặc biệt là các địa phương có ổ dịch cũ, khu vực có nguy cơ cao để kịp thời cảnh báo, không để dịch bệnh lây lan ra diện rộng.
Tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y; thực hiện nghiêm việc kiểm dịch tại gốc, xử lý nghiêm việc vận chuyển lợn bệnh và sản phẩm từ lợn bệnh để kinh doanh, chế biến thực phẩm.
Tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin theo quy trình. Các ngành Công an, Quản lý thị trường, Chăn nuôi – Thú y phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động buôn bán, vận chuyển lợn và các sản phẩm từ lợn trên địa bàn; xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ lợn bệnh, không đảm bảo vệ sinh thú y.
Trung tâm VHTT&TT huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền cụ thể; phối hợp với ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để người dân tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP trên địa bàn.
Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tập trung các nguồn lực triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP, không để phát sinh thêm ổ dịch mới; xử lý xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, chết; thực hiện vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại, môi trường chăn nuôi.
Tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, vứt xác động vật ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh.
Chỉ đạo các ngành, đoàn thể địa phương bám sát địa bàn được phân công tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, giám sát thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh DTLCP.
Địa phương nào để xảy ra dịch bệnh người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải chịu trách nhiệm trước UBND huyên.
Ông Chu Văn Sáu, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tam Đảo cho biết: Phòng đã phối hợp với Trạm Thú y và Chăn nuôi huyện tổ chức rà soát đàn vật nuôi, phân loại, dự báo nguy cơ phát sinh dịch bệnh.
Đối với các địa phương có ổ dịch cũ, chủ động nắm bắt tình hình khuyến cáo người dân các biện pháp phòng dịch; tiêm phòng đối với các bệnh LMLMGS, tụ huyết trùng trâu bò, lợn, dịch tả lợn, Lepto lợn…theo đúng thời gian, kế hoach của tỉnh và huyện. Tiêm phòng bổ sung cho số gia súc, gia cầm khi đến tuổi.
Khuyến cáo các trang trại cần chủ động mua sắm phương tiện sưởi ấm cho đàn vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm non. Đảm bảo an toàn trong chuồng nuôi, tránh cho vật nuôi bị bỏng, ngạt khói hoặc gây choáng.
Mỗi gia đình chăn nuôi trâu, bò, nhất là đối với các xã vùng cao có tập quán thả rông trong rừng, núi phải chủ động đưa về chỗ nuôi nhốt, có che chắn để đảm bảo đủ ấm; những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 120C thì không nên chăn thả và chuẩn bị thêm thức ăn tinh, khoáng, vitamin để tăng cường sức khỏe cho trâu, bò…
Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm quy trình kiểm dịch, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ngoại tỉnh, tăng cường công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y tại các lò mổ, chợ, điểm buôn bán động vật và sản phẩm động vật.
Bài ảnh: Xuân Nguyễn
Nguồn: Báo Vĩnh Phúc