Tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương, với niềm đam mê sản xuất nông nghiệp, anh Đỗ Quốc Hoài (sinh năm 1990), ở thôn Long Quy, xã Tân Long, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã đầu tư xây dựng và bước đầu thành công với mô hình chăn nuôi bò vỗ béo theo hướng hữu cơ. Đó chính là động lực để anh tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Học xong trung học phổ thông, Hoài nghỉ học ở nhà đi làm thuê và buôn bán tại địa phương. Tuy nhiên, từ khi COVID-19 xảy ra, việc làm ăn của anh gặp nhiều khó khăn. Nhận thấy tiềm năng, lợi thế về đất đai và khí hậu tại địa phương, anh tìm cách chuyển hướng sang làm nông nghiệp với ý định xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò vỗ béo.
Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo của anh Đỗ Quốc Hoài – Ảnh: M.L
Để thực hiện kế hoạch này, anh dành nhiều thời gian lên mạng internet tìm hiểu thông tin, kiến thức về các mô hình nông nghiệp sạch và tham quan, học hỏi các mô hình chăn nuôi hiệu quả ở địa phương. Khi đã chuẩn bị đầy đủ điều kiện xây dựng mô hình mới, với 2 sào đất sẵn có của gia đình cùng với số vốn tích góp được và vay thêm vốn ngân hàng được 2 tỉ đồng, anh xây dựng chuồng trại quy mô để nuôi bò vỗ béo, lựa chọn những con giống chất lượng cao mua về nuôi.
Ban đầu, anh thí điểm nuôi gần 10 con bò. Sau một thời gian ngắn, thấy bò thích nghi với điều kiện khí hậu, môi trường ở Tân Long và phát triển tốt, anh tiếp tục mua thêm đất đai, mở rộng chuồng trại, đồng thời đầu tư trồng thêm chuối, cỏ voi làm thức ăn cho đàn bò. Với mô hình chăn nuôi khép kín theo hướng hữu cơ nên gia trại anh Hoài vừa có chuối trái để bán vừa tận dụng thân cây chuối làm thức ăn cho bò. Nhờ nguồn thức ăn sạch cùng với nắm vững kỹ thuật chăn nuôi nên đàn bò của anh ít dịch bệnh, phát triển nhanh, mang lại nguồn thu nhập ổn định.
Từ gần 10 con bò ban đầu, đến nay, mô hình của anh Hoài đã phát triển lên gần 40 con, năm 2021 anh thu lãi khoảng 300 triệu đồng. Sẵn sàng chấp nhận thử thách và tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế của quê hương, vừa qua anh tiếp tục đầu tư mở rộng thêm chuồng trại để chăn nuôi lợn với quy mô 22 lợn nái, 100 con lợn thịt. Đàn lợn của anh hiện đang phát triển tốt và sẽ xuất bán lứa đầu tiên trong dịp tết Nguyên đán sắp đến.
Anh Hoài chia sẻ: “Khi mới bắt tay vào xây dựng mô hình này, tôi thực sự rất lo lắng bởi đầu tư đến 2 tỉ đồng để làm một mô hình hoàn toàn mới trong khi kinh nghiệm chăn nuôi chưa có. Tuy nhiên, được sự động viên, ủng hộ tích cực của gia đình, tôi quyết tâm phải làm bằng được. Sau một thời gian nỗ lực, hiện tại mô hình chăn nuôi hữu cơ của tôi đã có bước phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định. Đây sẽ là động lực để tôi tiếp tục đầu tư mở rộng mô hình, tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương và giải quyết việc làm cho nhiều lao động”.
Trước đây, nỗi lo lớn nhất của người nuôi bò như anh Hoài là vấn đề ô nhiễm môi trường do lượng phân nhiều và mùi hôi khó chịu. Với quy trình nuôi bò theo hướng hữu cơ, anh Hoài không chỉ thu được lợi nhuận từ việc bán bò thịt, bò giống mà còn biết xử lý phân bò để bán cho các nhà vườn, vừa giải quyết được vấn đề môi trường vừa có thêm một nguồn thu đáng kể, có lúc cung không đủ cầu.
Có thể thấy, mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ, khép kín của anh Hoài đã góp phần đa dạng hóa mô hình chăn nuôi hiệu quả ở huyện miền núi. Là một thanh niên dám mạnh dạn chuyển đổi phương thức làm ăn, tìm tòi thử nghiệm những mô hình mới, cách làm hay, anh Hoài đã xây dựng thành công mô hình kinh tế hiệu quả vừa mang lại nguồn thu nhập khá, vừa không ảnh hưởng đến môi trường.
Bí thư Đoàn Thanh niên xã Tân Long Lê Văn Vũ cho biết: “Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Hoài luôn nhiệt tình, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm làm nông nghiệp hữu cơ với đoàn viên, thanh niên và người dân địa phương. Đặc biệt, mô hình của anh là mô hình rất mới, thể hiện sự sáng tạo và cách làm hay của tuổi trẻ trong phát triển kinh tế. Đây là nơi truyền cảm hứng, cũng là “lớp học” cho những ai muốn khởi nghiệp”.
Minh Long
Nguồn: Báo Quảng Trị