Việt Nam đã chi một lượng ngoại tệ lớn để nhập khẩu thịt. Giá thịt nhập khẩu được rao bán tại một số trang mạng rẻ hơn so với giá thịt trong nước.
Việt Nam chi một lượng ngoại tệ rất lớn để nhập khẩu thịt và các sản phẩm từ thịt trong năm 2021.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), dù lượng thịt nhập khẩu những tháng cuối năm 2021 giảm đáng kể so với cùng kỳ, nhưng tính đến hết tháng 11/2021, Việt Nam đã nhập khẩu 672,63 nghìn tấn thịt và các sản phẩm từ thịt, trị giá 1,29 tỷ USD, tăng 0,9% về lượng và tăng 14,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thịt nhập khẩu về nhiều, được rao bán với giá rẻ trên nhiều chợ mạng.
Thịt nhập khẩu về Việt Nam tháng 11/2021 có giá trung bình 2.298 USD/tấn (khoảng 53.000 đồng/kg), giảm 3,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Riêng mặt hàng thịt lợn tươi ướp lạnh và đông lạnh, 11 tháng năm 2021, nước ta nhập khẩu khoảng 148,66 nghìn tấn, trị giá 343,2 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 17,4% về trị giá so với cùng kỳ.
Năm qua, Ấn Độ nổi lên là thị trường cung cấp thịt lớn cho Việt Nam, bên cạnh các quốc gia như Nga, Brazil…
Tính riêng trong tháng 11/2021, Ấn Độ là thị trường lớn nhất cung cấp thịt và các sản phẩm từ thịt cho Việt Nam, với 9,46 nghìn tấn, trị giá 29,26 triệu USD, tăng 71,6% về lượng và tăng 58,1% về trị giá so với tháng 11/2020. Giá nhập khẩu bình quân thịt và các sản phẩm thịt từ thị trường Ấn Độ ở mức 3.094 USD/tấn, giảm 7,9% so với tháng 11/2020.
Việt Nam đã chi gần 1,3 tỷ USD nhập khẩu thịt, trong đó nhập nhiều nhất từ Nga, Đức…
Lũy kế 11 tháng năm 2021, nhập khẩu thịt và các sản phẩm thịt từ thị trường Ấn Độ đạt 95,58 nghìn tấn, trị giá 306,09 triệu USD, tăng 17,9% về lượng và tăng 18,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thịt nhập khẩu từ Mỹ, Nga, Canada, Ba Lan, Ấn Độ..đổ bộ chủ yếu được rao bán tràn lan trên chợ mạng, các nền tảng thương mại điện tử như Zalo, Face Book và được bán trong một số hệ thống bán lẻ hiện đại.
Giá thịt nhập khẩu được rao bán tại một số trang mạng rẻ hơn so với giá thịt trong nước. Chẳng hạn, 1 kg sườn thăn Canada 85.000 – 100.000 đồng, thịt ba chỉ Nga 60.000 – 70.000 đồng, ba chỉ bò Mỹ đông lạnh 170.000 đồng…
Năm 2021, ngành chăn nuôi liên tục gặp khó khăn như giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, tắc khâu vận chuyển lưu thông, nhu cầu tiêu thụ giảm vì dịch Covid-19. Chăn nuôi lợn tiếp tục gặp khó khăn khi giá thịt lợn hơi vẫn ở mức thấp và các chi phí đầu vào, đặc biệt là thức ăn chăn nuôi liên tục tăng, khiến phần lớn các cơ sở chăn nuôi đều đang chịu thua lỗ.
Tổng đàn lợn cả nước hiện có khoảng 28,1 triệu con; tổng sản lượng thịt các loại năm 2021 đạt khoảng 6,2 triệu tấn, trong đó thịt lợn đạt khoảng 3,82 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm trước.
Tại thời điểm này, giá lợn hơi trong nước hiện vẫn duy trì ở mức thấp ở mức 45.000 – 50.000 đồng/kg và dự kiến khó bật tăng mạnh trong dịp cận Tết Nguyên đán 2022 do sức cầu thấp, nguồn cung thịt trong nước gia tăng. Hiện giá thịt tại chợ dân sinh ở mức 90.000 – 135.000 đồng/kg tùy loại, tuy nhiên, theo các tiểu thương, sức mua của người tiêu dùng vẫn rất chậm.