Năm 2021, Bắc Giang thực hiện Đề án “Xây dựng vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) cúm gia cầm và niu-cát-xơn đối với gà trên địa bàn huyện Yên Thế, giai đoạn 2021-2025” (gọi tắt là Đề án vùng ATDB). Sau một năm thực hiện, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gà đã thu được kết quả tích cực, mở hướng chăn nuôi bền vững.
Triển khai đồng bộ, hiệu quả rõ nét
Hộ bà Lư Thị Bích Nga, tổ dân phố Đồng Nhân, thị trấn Phồn Xương (Yên Thế) chăn nuôi gà hơn 10 năm qua. Mỗi năm, gia đình bán khoảng 5 nghìn gà thịt. Chăn nuôi gà mang lại thu nhập chính của gia đình nên việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi luôn được đặt lên hàng đầu. Năm 2021, khi được chọn tham gia Đề án vùng ATDB bà Nga đã hưởng ứng ngay.
Tham gia Đề án, bà được trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, quy trình phòng, chống dịch cúm gia cầm và niu-cát-xơn một cách nghiêm ngặt. Ngoài ra, bà được tỉnh hỗ trợ 70% giá vắc-xin cúm gia cầm (2 nghìn liều/lứa); 70% chi phí xét nghiệm định lượng kháng thể cúm gia cầm sau tiêm vắc-xin và toàn bộ chi phí thẩm định cơ sở ATDB, công lấy mẫu xét nghiệm. Hiệu quả cho thấy đàn gà khỏe mạnh, tỷ lệ sống cao.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Thế, năm 2021, huyện chọn 30 hộ (mỗi hộ có tổng đàn từ 3 nghìn con gà/lứa trở lên) tham gia xây dựng cơ sở ATDB và 9/19 xã, thị trấn trọng điểm chăn nuôi xây dựng cơ sở ATDB cấp xã (gồm: Canh Nậu, Đồng Tâm, Đồng Kỳ, Hồng Kỳ, Tam Hiệp, Tam Tiến, Tiến Thắng, thị trấn Bố Hạ và thị trấn Phồn Xương).
UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo (BCĐ) thực hiện Đề án do đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện phụ trách lĩnh vực làm Trưởng Ban, giao nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên để thực hiện đầy đủ, kịp thời và có hiệu quả những nội dung của Đề án. Đồng thời phân công đại diện BCĐ, tổ giúp việc làm đầu mối, trao đổi nhiệm vụ với các bên liên quan; phối hợp thực hiện những quy định, hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để xây dựng thành công các cơ sở ATDB; đề ra lộ trình áp dụng quy định của Tổ chức Thú y thế giới và của các nước, bảo đảm đáp ứng điều kiện hướng đến xuất khẩu gia cầm, sản phẩm gia cầm.
Gia đình anh Hoàng Văn Chiến, tổ dân phố Đồng Nhân, thị trấn Phồn Xương phun thuốc và rắc vôi bột khử trùng chuồng trại chăn nuôi phòng, chống dịch bệnh cho đàn gà theo hướng dẫn.
BCĐ huyện chỉ đạo chính quyền cấp xã, ban quản lý các thôn, cơ quan chuyên môn và chủ cơ sở chăn nuôi, ấp nở, thu gom, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ gia cầm, sản phẩm gia cầm thực hiện đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm và niu-cát-xơn. Trong năm 2021, ngoài 1,5 triệu liều vắc-xin cúm gia cầm và 2 nghìn lít hoá chất của tỉnh hỗ trợ, huyện Yên Thế cấp thêm cho các hộ và các xã tham gia Đề án vùng ATDB 1,8 nghìn lít hoá chất để tiêu độc, khử trùng; tổ chức 6 lớp tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng, chống dịch cho hàng trăm hộ chăn nuôi khác; in ấn, cấp sổ sách, hướng dẫn ghi chép, bố trí các điểm gắn biển tuyên truyền về xây dựng vùng, cơ sở ATDB.
Ông Lương Văn Hiến, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện cho biết: “Nhờ phối hợp triển khai quyết liệt, đồng bộ và giám sát thực hiện chặt chẽ, từ đầu năm đến nay, tại các hộ, xã tham gia Đề án vùng ATDB không xảy ra dịch cúm gia cầm và niu – cát – xơn, chăn nuôi phát huy hiệu quả. Hiện 30 hộ xây dựng cơ sở ATDB và 9 xã, thị trấn xây dựng cơ sở ATDB cấp xã của Yên Thế đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn ATDB”.
Phấn đấu hoàn thành đề án trong năm 2022
Theo kế hoạch, Đề án vùng ATDB trên địa bàn huyện Yên Thế thực hiện trong 5 năm (2021 – 2025), tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 7,5 tỷ đồng còn lại là đầu tư của người chăn nuôi (bao gồm cả chi phí giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, công chăm sóc…). Mục tiêu nhằm xây dựng vùng chăn nuôi an toàn đối với bệnh cúm gia cầm và niucát-xơn trên gà (đây là 2 loại bệnh phổ biến trong chăn nuôi gia cầm, gây thiệt hại lớn), bảo đảm phát triển chăn nuôi gà bền vững, nâng cao giá trị sản phẩm, cung cấp sản phẩm an toàn phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu.
Cán bộ Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bắc Giang, phối hợp với thú y cơ sở lấy mẫu xét nghiệm bệnh cúm gia cầm tại hộ bà Lư Thị Bích Nga (ngoài cùng bên phải).
Đề án xây dựng vùng ATDB trên địa bàn huyện Yên Thế thực hiện trong 5 năm (2021 – 2025), tổng mức đầu tư hơn 1,3 nghìn tỷ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 7,5 tỷ đồng còn lại là đầu tư của người chăn nuôi (bao gồm cả chi phí giống, thức ăn chăn nuôi, chuồng trại, công chăm sóc…) |
Tổng đàn gà toàn tỉnh đạt hơn 17 triệu con, riêng huyện Yên Thế duy trì quy mô từ 3,8 – 4 triệu con, mỗi năm huyện xuất từ 12 – 14 triệu gà thương phẩm. Việc tìm đầu ra ổn định để phát triển chăn nuôi gà bền vững đang là bài toán không dễ đối với chính quyền địa phương và người chăn nuôi. Do đó, huyện Yên Thế, Sở Nông nghiệp và PTNT (đơn vị được giao chủ trì thực hiện Đề án) đang phấn đấu cuối năm 2022 sẽ hoàn thành Đề án và đề nghị Cục Thú y công nhận huyện Yên Thế là vùng ATDB. Trên cơ sở thành công của huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang sẽ tiếp tục nhân rộng ra các huyện: Lạng Giang, Tân Yên.
Chính quyền địa phương và ngành chức năng đang tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp để bảo đảm lộ trình đề ra. Ông Hoàng Văn Dư, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: “Năm 2022, chúng tôi sẽ phối hợp cùng huyện Yên Thế hoàn thiện xây dựng vùng ATDB tại 10 xã còn lại và thực hiện lấy mẫu theo dõi dịch bệnh, bảo đảm tiêu chí đối với 9 xã, thị trấn đã được công nhận. Đồng thời, đề nghị Cục Thú y kiểm tra, đánh giá và công nhận vùng ATDB cho toàn huyện Yên Thế vào cuối năm 2022”.
Việc thực hiện Đề án vùng ATDB là cơ hội để tỉnh Bắc Giang nói chung, huyện Yên Thế nói riêng đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng mở rộng quy mô, chuyển từ chăn nuôi nông hộ sang hình thức trang trại gắn với kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ môi trường. Xây dựng huyện Yên Thế thành vùng ATDB sẽ tạo hiệu ứng mở rộng ra toàn tỉnh Bắc Giang. Từ đó tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, chất lượng cao, đa dạng, nâng sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và xuất khẩu.
Bài, ảnh: Thế Đại
Nguồn: Báo Bắc Giang