Bình Thuận: Cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt cao sản

Hiện toàn tỉnh có trên 170.000 con bò, chủ yếu là bò lai Zebu và bò lai Brahman. Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, những năm qua việc cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo (TTNT) đạt kết quả nhất định.

Nâng chất lượng đàn bò

Từ năm 2016 – 2021, Trung tâm Khuyến nông Bình Thuận phối hợp với các dẫn tinh viên thực hiện mô hình “Cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp TTNT” tại huyện Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Hàm Tân… đạt kết quả khả quan, với 362 con bò có chửa. Qua đó nhằm nâng cao tầm vóc, chất lượng đàn bò, tăng hiệu quả kinh tế. Riêng trong năm 2021, trung tâm thực hiện cải tạo cho 48 con bò có chửa tại các xã miền núi huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam. Giống bò chủ yếu là bò chuyên thịt BBB  và Red Angus.

Hiện nay nông dân trong tỉnh đã tự nhân rộng mô hình rất nhiều, sử dụng tinh bò chuyên thịt BBB để phối giống bằng phương pháp TTNT cho bò cái nền lai Zebu (tinh bò BBB chiếm trên 30%). Có hộ đã thử nghiệm nuôi sinh sản bò lai F1 BBB. Các hộ chăn nuôi bò sinh sản nhận thấy cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt cao sản mang lại hiệu quả cao trong chăn nuôi bò thịt. Từ đó đã kích thích người chăn nuôi áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò. Song song, kết hợp chăn nuôi bò với trồng cây thanh long, cây ăn quả, trồng lúa… để tận dụng triệt để các loại phụ phẩm từ nông nghiệp, nhằm gia tăng hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích. Đơn cử tại hộ ông Trần Văn Phố, xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc), bê lai BBB có trọng lượng sơ sinh khoảng 28 – 30 kg/con, bê cái lai 9 tháng tuổi đạt khoảng 230 kg. Khối lượng lúc giết thịt khoảng 550 – 600 kg,  bò cái trưởng thành khoảng 400 – 450 kg. Hiệu quả kinh tế cho thấy nếu so sánh 2 bê con lai trên 6 tháng tuổi, bê được sinh ra từ tinh bò Brahman với giá bán khoảng 15 – 17 triệu đồng. So với bê sinh ra từ tinh bò chuyên thịt BBB giá bán khoảng 20 – 25 triệu đồng, chênh lệch 5 – 10 triệu đồng/con. Theo đó, có thể khẳng định giống bò lai chuyên thịt có trọng lượng, năng suất thịt tăng cao hơn bò lai Zebu, tăng giá trị sản phẩm trong chăn nuôi cả về số lượng và chất lượng, nên tăng hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.

 

 Sẽ thành thế mạnh trong chăn nuôi?

Thực tế lâu nay đầu ra cho chăn nuôi bò thịt nói riêng và các sản phẩm chăn nuôi khác nói chung ngày càng khó khăn, giá cả chưa ổn định, chủ yếu bán bò thịt qua thương lái. Vì thế, chăn nuôi bò lai theo hướng chuyên thịt cao sản trở thành thế mạnh trong phát triển chăn nuôi, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa mang tính bền vững, làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Tám – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh  cho biết: Thời gian qua, tiêu chuẩn để thực hiện mô hình là chọn bò cái nền lai Zebu từ F1 trở lên, đạt trọng lượng trên 250 kg/con, đẻ lứa 2 trở lên, ngoại hình tốt, khỏe mạnh, không bệnh tật, có khả năng sinh sản tốt. Ngoài ra, điều kiện để hộ chăn nuôi tham gia mô hình là đang nuôi bò sinh sản, có nhu cầu cải tạo giống bò… Theo đó, từ năm 2016 – 2020 các hộ tham gia mô hình được nhà nước hỗ trợ 100% chi phí về giống và vật tư phối giống, 30% chi phí về thức ăn tinh hỗn hợp cho bò cái có chửa (72kg/con). Năm 2021 được nhà nước hỗ trợ 50% chi phí về giống và vật tư phối giống, 50% chi phí về thức ăn tinh hỗn hợp cho bò cái có chửa (120kg/con).  Đồng thời, được hướng dẫn kỹ thuật, được tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan.

Theo ông Tám, ngoài việc cải tạo giống bò theo hướng chuyên thịt bằng phương pháp TTNT, để ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò nói riêng phát triển bền vững, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm thì nông dân nên thực hiện chuỗi giá trị chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học. Mặt khác, Trung tâm Khuyến nông khuyến cáo nông dân nên áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào chăn nuôi bò chuyên thịt, trồng cỏ chủ động thức ăn, bổ sung thêm thức ăn tinh, vitamin cho bò. Song song, ngoài đầu tư con giống, thức ăn cần chú ý đến đầu tư chuồng nuôi đúng quy cách và bảo đảm mật độ nuôi hợp lý. Chất thải chăn nuôi được thu gom và xử lý bằng các biện pháp thích hợp.

 K.Hằng

Nguồn: Báo Bình Thuận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *