Sau 2 tháng tái bùng phát trên địa bàn tỉnh Hà Nam, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 35 xã, thị trấn; đã có hơn 8.000 con lợn bị ốm, chết phải tiêu hủy, gây thiệt hại không nhỏ cho người chăn nuôi. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương cùng các hộ chăn nuôi tập trung triển khai các giải pháp đồng bộ phòng, chống dịch.
Gia đình ông Lê Công Thịnh, thôn 5 xã Hưng Công, huyện Bình Lục làm nghề chăn nuôi lợn hàng chục năm nay. Tuy giá cả có lúc lên, lúc xuống, nhưng gia đình ông vẫn duy trì được đàn lợn kín chuồng với khoảng 130 con. Vậy mà, dịch bệnh tả châu Phi mới chớm đến ông đã phải giảm đàn còn hơn 70 con. Đến nay, gia đình ông đã phải tiêu hủy gần 50 con và bán hết những con không bị bệnh, thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Giờ đây phải nhìn cả dãy chuồng lợn trống không, ông Thịnh xót xa nói: “Nhà nông chỉ trông vào chăn nuôi mà không may bị dịch này, gia đình thiệt hại nhiều lắm. Chỗ lợn bị tiêu hủy, cũng chưa biết nhà nước hỗ trợ được giá nào, một số bán chạy và mang chôn nên thiệt hại rất lớn. Không cứ riêng gia đình nhà tôi, trong đợt này thôn tôi có hơn chục hộ chăn nuôi đã bị dịch”.
Tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại xã Chân Lý, huyện Lý Nhân.
Bà Đỗ Thị Lý, thôn 5 xã Hưng Công, huyện Bình Lục chia sẻ: “Từ năm 2019 đến nay, chăn nuôi rất vất vả từ giá cả bấp bênh, thường xuyên dịch bệnh, khiến người chăn nuôi bị thiệt hại nhiều; chúng tôi tái đàn đi, tái đàn lại song vẫn bị dịch bệnh. Chúng tôi thua thiệt rất nhiều do dịch tái đi, tái lại nên giờ không thể gồng được vẫn phải nợ vốn cho đại lý bán thức ăn chăn nuôi. Gia đình khó khăn quá phải vay tiền từ nước sạch và hộ nghèo để đầu tư mà không may cứ đầu tư thì lại mất hết. Chỉ mong Nhà nước, các ngành có sự hỗ trợ để người chăn nuôi sớm tái lại được sản xuất chăn nuôi”.
Xã Chân Lý, huyện Lý Nhân có gần 800 hộ chăn nuôi lợn, với tổng đàn hơn 25.000 con. Dịch tả lợn châu Phi bùng phát đã gây thiệt hại lớn cho người chăn nuôi. Đến nay, tất cả 9 thôn của xã đều có dịch với hơn 500 con lợn đã phải tiêu hủy, trong đó có hơn 40 con lợn nái.
Ông Nguyễn Văn Bằng, xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết: “Chúng tôi được nợ tiền đại lý bán thức ăn chăn nuôi, cho đến khi bán lợn thì mới trả tiền. Hiện tại gia đình tôi đã nợ hơn 100 triệu tiền ở đại lý. Nhưng bây giờ dịch bệnh phải tiêu hủy hết như này thì không có tiền trả tiền cám và không có vốn để hồi phục”.
Hầu hết các hộ chăn nuôi ở tỉnh Hà Nam có vốn đầu tư ít, chủ yếu vẫn chăn nuôi theo hình thức lấy công làm lãi, nợ vốn thức ăn chăn nuôi với các đại lý thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Nên khi dịch bệnh ập đến, không những người chăn nuôi bị thiệt hại mà các đại lý cung ứng thức ăn trên địa bàn cũng bị tồn đọng vốn trong các hộ chăn nuôi và tồn đọng cám không tiêu thụ được.
Tính đến ngày 19/12, tỉnh Hà Nam đã tiêu hủy hơn 8.000 con lợn của hơn 470 hộ bị ốm, chết do tả lợn châu Phi tại 35 xã, thị trấn trong tỉnh, gây thiệt hại không nhỏ cho các hộ chăn nuôi, ảnh hưởng đến sản lượng cung cấp thịt lợn cho thị trường trong và ngoài tỉnh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán sắp đến.
Huyện Lý Nhân là địa phương có số lợn phải tiêu hủy nhiều nhất tỉnh với hơn 4.200 con tại 16 xã. Bà Nguyễn Thị Quyên, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lý Nhân, Hà Nam cho biết, đối với các địa phương có lợn ốm chết, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp cùng chính quyền địa phương chỉ đạo khoanh vùng dập dịch với các biện pháp cụ thể, như: lấy mẫu xét nghiệm, nếu dương tính với dịch tả lợn châu Phi thì công bố dịch và chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp chống dịch như lập chốt kiểm dịch, rà soát thống kê tổng đàn để quản lý chặt chẽ tổng đàn lợn trên địa bàn huyện. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng bệnh đến người chăn nuôi, nhất là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ để hạn chế tình hình dịch bệnh và chánh lây lan ra diện rộng.
Ông Vũ Anh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho biết, khi nhận được thông tin có dịch bệnh bùng phát ở địa bàn thôn nào là xã chỉ đạo khoanh vùng không khống chế, tuyên truyền đến người dân không nhập đàn thêm và không cho lợn xuất ra khỏi địa bàn, khi có lợn chết tiến hành tiêu hủy ngay để bảo đảm khâu vệ sinh môi trường và hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Đồng thời, giao trách nhiệm cho các thôn tiến hành thông báo để cho nhân dân chủ động các biện pháp phòng, chống dịch như phun khử khuẩn, rắc vôi bột.
Các ổ dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Hà Nam đợt này xuất hiện chủ yếu tại các hộ chăn nuôi có quy mô nhỏ và vừa trong các khu dân cư. Điều này cho thấy, công tác phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi của các hộ còn nhiều tồn tại, hạn chế. Do vậy, cùng các biện pháp triển khai của cấp, ngành chức năng, người dân cần chủ động phòng, chống ngay tại hộ, đặc biệt là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nam khuyến cáo, ngành đã chỉ đạo các địa phương trước tiên làm tốt công tác phòng, chống dịch. Trong chăn nuôi người dân phải thực hiện tốt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, đáp ứng các điều kiện như thức ăn, giống, các biện pháp vệ sinh khử trùng tiêu độc. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp, người chăn nuôi cần bình tĩnh, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để khống chế dịch, không hoang mang bán chạy lợn, khiến cho giá lợn giảm gây thiệt hại về kinh tế.
Đào Phương