Khi công việc nơi đất khách gặp khó khăn do dịch Covid- 19, chàng trai trẻ Lê Anh Quốc (1995), ở thôn Đồng Xuân, xã Hành Thịnh (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi) quyết định về quê khởi nghiệp. Mô hình nuôi bò 3B vỗ béo đã giúp Quốc có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Tháng 4/2020, cả nước bước vào đợt giãn cách xã hội đầu tiên, chuỗi tiệm cắt tóc tại TP.Hồ Chí Minh nơi Lê Anh Quốc đang làm việc tạm ngừng hoạt động. Đợt nghỉ việc kéo dài gần 1 tháng đã khiến Quốc, một thanh niên trải qua hơn 3 năm học nghề, lập nghiệp nơi đất khách nảy sinh ý định về quê lập nghiệp.
Chàng trai trẻ Lê Anh Quốc bước đầu thành công với mô hình nuôi bò 3B vỗ béo.
Là thợ cắt tóc lành nghề, nhưng khi về quê, Quốc quyết định lựa chọn khởi nghiệp bằng nghề nông. Nói về quyết định của mình, người thanh niên dám nghĩ dám làm Lê Anh Quốc cho biết, thời điểm đó, Quảng Ngãi chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi dịch Covid-19, nhưng tôi nhận thấy nếu dịch bệnh bùng phát, hoạt động của các cửa hàng dịch vụ sẽ bị ảnh hưởng đầu tiên. Nếu đầu tư mở tiệm cắt tóc sẽ gặp nhiều rủi ro. Vì vậy, tôi lựa chọn phát triển mô hình chăn nuôi bò 3B vỗ béo tại nhà.
“Về quê, tôi tham gia sinh hoạt tại câu lạc bộ Trang trại trẻ Nghĩa Hành và tham gia các hội, nhóm chăn nuôi Quảng Ngãi trên mạng xã hội. Những hội nhóm, câu lạc bộ này giúp những người trẻ khởi nghiệp bằng nghề nông như tôi có thêm cơ hội giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm và có thêm bạn bè cùng đam mê". Anh Lê Anh Quốc |
Sau 2 tháng rời TP.Hồ Chí Minh về quê, Quốc lấy vốn liếng tích lũy và vay mượn thêm để đầu tư chuồng trại nuôi bò 3B vỗ béo. “Làm nông chưa bao giờ là dễ dàng, nhất là đối với người trẻ chưa có kinh nghiệm như tôi”, Quốc cho hay. Chưa từng làm nông nghiệp, nên để tích lũy kinh nghiệm chăn nuôi, ngoài tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi truyền thống từ cha mẹ, Quốc học thêm kỹ thuật chăn nuôi qua Internet.
Quốc cho biết, ngoài cỏ tươi, tôi còn áp dụng kỹ thuật ủ chua bắp nguyên cây (bắp sinh khối) để làm thức ăn cho bò. Việc sử dụng cây bắp chế biến thành thức ăn gia súc bằng phương pháp ủ chua, không chỉ nâng hàm lượng dinh dưỡng, rút ngắn thời gian vỗ béo bò, mà còn là giải pháp giúp trữ nguồn thức ăn chất lượng cao cho bò trong mùa đông.
Để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi cho đàn bò, ngoài 2 sào ruộng của gia đình, Quốc thuê gần 1ha đất để trồng cỏ, bắp và đặt mua bắp sinh khối từ các chủ vườn.
Hơn 7 tháng kể từ ngày khởi nghiệp, Quốc xuất bán 3 con bò 3B vỗ béo, thu về lợi nhuận gần 60 triệu đồng. Đến tháng 4/2021, Quốc tiếp tục bán 7 con bò, thu về lợi nhuận gần 170 triệu đồng. Từ “quả ngọt” gặt hái được sau 2 lần thả nuôi, Quốc tiếp tục đầu tư hơn 400 triệu đồng nuôi bò vỗ béo lứa thứ 3, với quy mô 15 con. Hệ thống chuồng trại và xử lý chất thải cũng đang được Quốc đầu tư mở rộng để nâng quy mô chăn nuôi lên 20 con vào năm tới. Vậy là sau hơn 1 năm rời phố về quê, dù khởi nghiệp ngay lúc dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, nhưng nhờ chịu khó và nhạy bén, chàng trai trẻ Lê Anh Quốc vẫn thu được lợi nhuận hơn 200 triệu đồng, đồng thời hứa hẹn phát triển mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Bài, ảnh: Ý Thu
Nguồn: Báo Quảng Ngãi