Xử lý khi gà có dấu hiệu giảm ăn, xù lông, ủ rũ, khó thở

(Người Chăn Nuôi) – Hỏi: Gà có dấu hiệu giảm ăn, xù lông, ủ rũ, khó thở, vươn cổ lên để thở, chảy nước mắt, nước mũi, đây là bệnh gì và biện pháp điều trị ra sao?

Trả lời:

Với các triệu chứng trên, có thể gà đã bị bệnh viêm thanh khí quản truyền nhiễm (ILT). ILT là bệnh do virus herpes nên không điều trị bằng kháng sinh. Khi phát hiện ILT trong trại, cần cách ly tuyệt đối với các dãy chuồng khác.

Ðể điều trị bệnh ILT, cần sử dụng vaccine. Tuy nhiên, khi sử dụng vaccine để điều trị, cần chú ý tới sức khỏe đàn gà xem có thể sử dụng được ngay hay không. Nếu tình trạng đàn gà mới bị giai đoạn đầu, sức khỏe vẫn tốt, có thể sử dụng ngay vaccine kết hợp tăng cường sức đề kháng. Nếu tình trạng sức khỏe đàn gà yếu, cần sử dụng các chất long đờm, tăng sức đề kháng sau đó mới sử dụng vaccine và tiếp tục theo dõi kết hợp tăng cường thuốc bổ và nâng cao sức đề kháng. Sau khi đã xử lý bằng vaccine để loại bỏ một số gà nhiễm nặng, cần sử dụng một số loại kháng sinh về đường hô hấp điều trị và phòng kế phát như: Tylosin + Doxycycline hoặc Gentatylo + Ampicoly, liều 1 g mỗi loại/10 kg trọng lượng. Dùng liên tục 5 – 6 ngày.

Trong quá trình nuôi, có thể phòng bệnh bằng vaccine và kết hợp chăn nuôi an toàn sinh học. Chỉ mua con giống tại các cơ sở sản xuất uy tín. Tránh nhiễm khuẩn vào thức ăn, nước uống, dụng cụ chăn nuôi. Sử dụng vaccine phòng bệnh ILT lần 1 khi gà 25 ngày tuổi. Nhắc lại sau đó 1 tháng. Bên cạnh đó, cần có một kế hoạch an toàn sinh học chặt chẽ. Có bố trí hố sát trùng ở cổng trại và tại mỗi dãy chuồng nuôi. Khử trùng và cách ly nghiêm ngặt khi có sự ra vào trại. Hạn chế tối đa việc lưu thông xe trong khu vực trại. Cần tham khảo nhanh chóng ý kiến của bác sỹ thú y khi có gà chết hay khi có những biểu hiện bất thường của đàn gà.

Ban KHKT

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *