Sau một thời gian dịch tả lợn châu Phi tạm lắng, người dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đầu tư tái đàn lợn. Thế nhưng, khoảng 2 tháng trở lại đây, dịch bệnh này lại bất ngờ bùng phát mạnh trở lại, đẩy người chăn nuôi rơi vào khó khăn kép khi giá lợn hơi hiện cũng đang giảm sâu. Nếu không quyết liệt trong công tác chỉ đạo, để dịch tiếp tục lan rộng, người chăn nuôi kiệt quệ thì nguy cơ xóa sổ thành quả khôi phục đàn lợn trong thời gian qua của tỉnh ta là điều có thể xảy ra.
Hơn 70 xã ở 8/8 huyện, thành phố đang có dịch
Cuối tháng 10, đầu tháng 11, gần 80 con lợn của gia đình anh Lê Văn Vóc ở xóm 6, xã Khánh Thủy (huyện Yên Khánh) bị mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc phải tiêu hủy. Đây là số lợn mà anh Vóc mới tái đàn. "Bao nhiêu vốn liếng dồn hết vào đợt tái đàn này, giờ chẳng còn lại gì. Chúng tôi mong nhà nước có chính sách hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này"- anh Vóc chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thủy cho biết: Là vùng trọng điểm chăn nuôi của huyện Yên Khánh với đàn lợn trên 9 nghìn con (chiếm 1/4 tổng đàn lợn của toàn huyện), việc dịch tả lợn châu Phi bùng phát trở lại trên địa bàn với hơn 200 con lợn (của 8 hộ gia đình) buộc phải tiêu hủy, khiến cả người dân và chính quyền vô cùng lo lắng. Bởi kinh tế của bà con phụ thuộc phần lớn vào sản xuất nông nghiệp, trong đó có chăn nuôi lợn.
Hiện, để kịp thời ngăn chặn dịch bệnh lây lan, xã đã tiến hành rà soát, thống kê số lượng các hộ chăn nuôi lợn trên địa bàn; tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, yêu cầu người dân thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch, không tái đàn, không giấu dịch.
Ngoài hóa chất do tỉnh cấp, xã còn trích kinh phí dự phòng mua thêm vôi bột để cấp cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện công tác khử trùng tiêu độc khu vực chăn nuôi… Trên toàn huyện Yên Khánh, tính đến ngày 8/11 đã ghi nhận 12 xã có dịch tả lợn châu Phi với khoảng 1 nghìn con lợn bị tiêu hủy.
Việc tiêu hủy lợn mắc dịch tả lợn châu Phi tại thị trấn Me (Gia Viễn) được thực hiện theo đúng quy định.
Còn tại huyện Gia Viễn, tình hình dịch tả lợn châu Phi cũng đang có dấu hiệu bùng phát mạnh khi ghi nhận 14/21 xã, thị trấn có dịch với gần 1.900 con lợn mắc bệnh. Anh Lê Đức Dũng, cán bộ thú y thị trấn Me chia sẻ: ở đây tất cả đều là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Chuồng nuôi được đặt ngay cạnh nơi ở, sinh hoạt của gia đình, mầm bệnh tiềm tàng trên người, trong các thực phẩm ăn uống hàng ngày nên rất dễ xâm nhập, lây lan. Đặc biệt do chăn nuôi tận dụng nên ý thức phòng dịch của các chủ nuôi rất kém. Đó là nguyên nhân chính dẫn tới dịch bệnh lây lan, bùng phát mạnh trên địa bàn thời gian qua.
Ông Bùi Trọng Tình, Phó Chủ tịch UBND xã Gia Hưng (huyện Gia Viễn) nêu quan điểm: Công tác chỉ đạo phòng, chống dịch ở xã hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Quy định chỉ tiêu hủy bắt buộc đối với lợn ốm, chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi (các con khỏe mạnh để nuôi tiếp hoặc giết mổ) khiến việc xử lý ổ dịch kéo dài, tốn kém chi phí vật tư, nhân công và đó cũng là nguyên nhân khiến nguồn bệnh tiếp tục phát tán.
Thông tin từ Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Từ tháng 9/2021 đến nay, sau những đợt mưa lớn, dịch tả lợn châu Phi bùng phát mạnh trở lại. Tính đến ngày 8/11, dịch đã xuất hiện ở gần 2.000 hộ chăn nuôi tại 512 thôn, xóm, phố thuộc 75 xã, phường, thị trấn với trên 9.000 con lợn bị nhiễm bệnh, gần 7.000 tấn lợn phải tiêu hủy.
Thành quả khôi phục đàn lợn đang bị đe dọa
Vào năm 2019, dịch tả lợn châu Phi đã ảnh hưởng nặng nề đối với ngành chăn nuôi Ninh Bình. Khi đó, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy gần 108.700 con lợn với tổng trọng lượng trên 6.300 tấn (chiếm khoảng 15% tổng sản lượng thịt hơi/năm). Rất nhiều nông hộ và trang trại bỏ nghề chăn nuôi. Từ năm 2020 đến nay, nhờ sự nỗ lực phối hợp giữa lực lượng thú y và các địa phương trong việc chủ động phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh, kết hợp với các chính sách hỗ trợ tăng đàn, tái đàn của tỉnh, đến hết quý III/2021, đàn lợn của Ninh Bình đã được khôi phục, đạt trên 274,5 nghìn con (không kể lợn con theo mẹ), tăng 28,7% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Nguyễn Tiến Mạnh, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho rằng: Trước mắt, tình hình dịch bệnh chủ yếu xuất hiện trong chăn nuôi hộ nhỏ, lẻ và đang được kiểm soát ở quy mô hẹp, cơ bản sẽ không ảnh hưởng lớn đến nguồn cung thịt lợn cho thị trường cuối năm 2021, đầu năm 2022.
Tuy nhiên, đây vẫn là thời điểm nguy cơ dịch bệnh tiếp tục bùng phát ra diện rộng ở mức cao vì nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn cho dịp lễ tết tăng nhanh. Nếu các địa phương không quyết liệt thực hiện các biện pháp khống chế, để dịch xâm nhập vào các trang trại lớn, người chăn nuôi sẽ kiệt quệ, bởi ngoài vấn đề dịch bệnh bà con còn đang phải đối mặt với nghịch cảnh giá thức ăn tăng cao trong khi giá lợn hơi đang giảm sâu. Hệ quả tất yếu, số nông hộ và trang trại nuôi rời bỏ thị trường sẽ còn nhiều hơn trước. Thời gian khôi phục phát triển chăn nuôi lợn trở lại sẽ khó khăn và kéo dài hơn.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong tháng 10, Sở Nông nghiệp và PTNT đã cấp 10.324 lít hóa chất (từ nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ) cho các huyện, thành phố, đặc biệt là các huyện Nho Quan, Gia Viễn, Yên Mô để triển khai khử trùng, tiêu độc môi trường.
Đồng thời, liên tục thông tin, tập huấn giúp người dân chủ động nâng cao ý thức bảo vệ đàn lợn của gia đình. Hầu hết số xã có hiện tượng lợn ốm nghi ngờ mắc bệnh đều được lấy mẫu giám sát, gửi Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương xét nghiệm dịch tả lợn châu Phi làm căn cứ để các huyện, thành phố công bố dịch theo quy định.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh: Thời gian tới, Sở tiếp tục tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc hoạt động phòng chống dịch bệnh tại các địa phương, nhất là địa phương đang có dịch bệnh phức tạp, nguy cơ cao.
Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp giấu, không báo cáo, dẫn đến dịch bệnh lây lan rộng, ảnh hưởng tiêu cực cho người dân và cộng đồng.
Tiếp tục phối hợp với UBND cấp huyện để chỉ đạo thực hiện tốt công tác tiêm phòng dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm vụ thu đông; đôn đốc triển khai nghiêm túc, đồng loạt Tháng tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường để tiêu diệt mầm bệnh.
Phấn đấu sớm khống chế dịch bệnh, bảo vệ thành quả tái đàn lợn trong thời gian qua, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Bài, ảnh: Nguyễn Lựu
Nguồn: Báo Ninh Bình