Thị trường thịt lợn mất kiểm soát, liên tục “nhảy múa” trong thời gian qua khiến cả người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt. Do đó, cần có giải pháp căn cơ điều tiết thị trường thịt lợn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Giá lợn “nhảy múa”
Hồi giữa tháng 10, giá lợn hơi giảm sâu chạm đáy tới mức 30.000 đồng/kg, sau đó bất ngờ bật tăng lên mức gần 60.000 đồng/kg. Theo dự kiến của nhiều chuyên gia, nếu tiếp tục đà tăng này, giá lợn hơi sẽ có thể lên tới mức 70.000 – 80.000 đồng/kg vào dịp cuối năm, khi thời điểm nhu cầu sử dụng thịt lợn tăng cao. Thế nhưng người chăn nuôi chưa kịp vui mừng thì 1 tuần nay giá lợn hơi quay đầu sụt giảm theo từng ngày. Giá lợn hơi tại cả 3 miền ngày 11/11 dao động quanh mốc 42.000 – 47.000 đồng/kg.
Trong điều kiện giá lợn “nhảy múa” liên tục, khiến người chăn nuôi lợn nhiều tháng qua phải thấp thỏm lo âu và không dám tái đàn. Thực tế hiện nay, tình trạng nông dân treo chuồng đang diễn ra phổ biến tại nhiều địa phương.
Giá lợn quay đầu giảm. Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Khắc Minh ở xã Cát Quế, huyện Hoài Đức hiện đang chăn 100 con lợn thương phẩm cho biết, vừa qua giá lợn tăng cao lên hơn 50.000 đồng/kg, khiến người chăn nuôi khấp khởi vui mừng mong kéo lại vốn. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp tày gang, thì 1 tuần nay giá lợn hơi lại quay đầu giảm mạnh. Hiện thương lái đang vào trả giá lợn đẹp được 45.000 đồng/kg, lợn xấu được 42.000 đồng/kg. Mức giá này chưa đủ chi phí chăn nuôi. Bởi giá cám tăng cao, đối với những hộ không chủ động được con giống thì vẫn đang cầm lỗ trên dưới 10.000 đồng/kg lợn hơi.
Tương tự, gia đình bà Bùi Thị Kim Dung, xã Châu Can, huyện Phú Xuyên, trước đó đầu tư hàng tỷ đồng cho trang trại chăn lợn. Công suất tối đa của trang trại có thể nuôi 600 lợn nái và vài nghìn lợn thịt, nhưng nay vẫn bỏ chống chuồng. Bà Bùi Thị Kim Dung chia sẻ: “Trong bối cảnh giá lợn lên xuống thất thường, chi phí tăng cao, người chăn nuôi như đánh bạc. Vì vậy gia đình tôi chọn giải pháp treo chuồng để giảm rủi ro”.
Việc người chăn nuôi không dám vào đàn cũng đang khiến người chăn nuôi lợn giống lao đao theo khi không bán được hàng. Hiện giá lợn giống đang xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Anh Phạm Văn Minh xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên cho biết, giá lợn giống xách tai xuất chuồng hiện chỉ được 600 – 700.000 đồng/con. Mặc dù rẻ nhưng vẫn không bán được.
Việc giá lợn tăng giảm chóng vánh trong khoảng thời gian ngắn, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp tới hơn 2 triệu người chăn nuôi mà còn ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Bởi thịt lợn chiếm tới gần 70% cơ cấu tiêu dùng thực phẩm của các gia đình Việt. Thị trường thịt lợn hiện đang diễn ra một nghịch lý, khi giá lợn hơi xuất chuồng chỉ dao động hơn 40.000 đồng/kg, nhưng giá thịt tới tay người tiêu dùng vẫn giữ khá cao.
Hiện tại các chợ ở vùng nông thôn, giá thịt lợn dao động 100.000 đồng/kg, còn tại các chợ trong nội thành dao động quanh mức 120.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các siêu thị, giá thịt lợn cao hơn giá ngoài thị trường 30%, dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg. Như vậy, giá thịt lợn đang giảm trễ so với biên độ giảm giá lợn hơi. Nguyên nhân được cho là dịch Covid-19 khiến giá dịch vụ tăng cao.
Cần kiểm soát thị trường
Đi tìm nguyên nhân về việc có nghịch lý trên, các chuyên gia, nhà quản lý, DN cho rằng, hiện nay mặt hàng thịt lợn khi tới tay người tiêu dùng vẫn phải trải qua quá nhiều khâu trung gian từ chuồng trại đến thương lái, bán buôn cấp 1, cấp 2, lò mổ, bán buôn lợn mảnh, rồi cuối cùng mới đến tiểu thương bán tại chợ. Mỗi khâu trung gian như vậy, hưởng lợi từ 8 – 10% nên đẩy giá thịt lên cao.
Phần chệnh lệch giữa giá bán tại chuồng tới tay người tiêu dùng được cho là đang chảy vào túi bộ phận trung gian là các thương lái. Đây là lý do khiến cả người chăn nuôi và người tiêu dùng bị thiệt thòi thời gian qua. Thị trường mất kiểm soát khiến cả người chăn nuôi và người tiêu dùng chịu thiệt. Do đó cần có giải pháp căn cơ điều tiết thị trường thịt lợn khi giá thịt lợn vẫn nhảy múa lặp đi lặp lại trong suôt thời gian qua.
Người tiêu dùng vẫn mua thịt lợn giá cao
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cho rằng, không thể chấp nhận một thị trường thịt lợn có sự vô lý, chênh lệch giữa giá mua và giá bán như hiện nay. Các cơ quan liên quan cần phải kiểm tra làm rạch ròi vấn đề này. Bộ Công Thương và cơ quan quản lý giá, quản lý thị trường phải tiến hành kiểm tra thị trường trọng điểm, điểm bán trọng điểm yêu cầu kê khai giá.
“Ở ngay Thủ đô Hà Nội vẫn có hàng trăm lò mổ lợn lậu nhưng không được kiểm soát. Chúng ta không có một chuỗi quản lý chặt chẽ cả giá và chất lượng. Như vậy chúng ta phải chịu trận” – ông Vũ Vinh Phú chỉ ra.
Thực tế, cho tới thời điểm này vẫn chưa có một thống kê chính xác về sự chênh lệch giữa giá lợn hơi xuất chuồng với giá thịt tới tay người tiêu dùng bao nhiêu là hợp lý. Bởi chưa có đơn vị nào đứng ra quản lý khâu trung gian trong chuỗi cung ứng thịt lợn. Nếu có lại chỉ diễn ra tại các tập đoàn, DN chăn nuôi chế biến thực phẩm. Sản xuất mù mờ, thị trường mù mờ, tiêu thụ mù mờ… khiến cho thị trường thịt lợn thiếu minh bạch.
Cục Phó Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Trọng cho rằng, nếu vẫn để các khâu trung gian tham gia vào thị trường thịt lợn thì những bất hợp lý tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, cả người chăn nuôi và người tiêu dùng đều không được hưởng lợi.
Đứng ở góc độ DN giết mổ và chế biến thịt lợn, ông Đào Quang Vinh – Giám đốc Công ty CP thực phẩm Vinh Anh (huyện Thường Tín) cho rằng, giải pháp căn cơ nhất để giảm tối đa bất thường trong thị trường thịt lợn, đó là cần phải xây dựng hệ thống lò mổ công nghiệp có quy mô theo từng cụm tỉnh, hoặc từng TP lớn. Bởi chính vì thiếu các lò mổ công nghiệp, lại có nhiều lò mổ tự phát, phân tán, nên việc tính giá thành trong khâu lưu thông sản phẩm thịt lợn ra thị trường đang bị bỏ lửng. Không có những người mua bán nhỏ lẻ, mặc cả giá bán trong dân thì chúng ta mới nắm được con số trong chuỗi cung ứng của chúng ta, từ đó có những dự báo chính xác từ thị trường.
Phương Nga
Nguồn: Kinh tế Đô thị