Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi gặp khó khăn

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, do còn thiếu các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nói chung và các nước nhập khẩu nói riêng nên chưa có nhiều thị trường xuất khẩu và diện mặt hàng chăn nuôi xuất khẩu được mở cửa.

Theo số liệu Trung tâm Tin học và Thống kê (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 9 tháng năm 2021, xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đạt 294,4 triệu USD, tăng 15,2% so cùng kỳ 2020. Trong đó, sữa và sản phẩm sữa đạt 87 triệu USD, là mặt hàng chăn nuôi xuất khẩu có kim ngạch lớn nhất, tăng 20,9% so cùng kỳ 2020. Thịt và sản phẩm thịt đạt 76 triệu USD, tăng 18,2% so cùng kỳ 2020.

Về mặt hàng thịt, thịt lợn là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 22,8 triệu USD, tăng  32,6% so cùng kỳ 2020; chế phẩm từ thịt động vật đạt 21,6 triệu USD, tăng 46,2%. Các mặt hàng thịt khác như: thịt trâu bò, cừu dê, phụ phẩm sau giết mổ… có kim ngạch không đáng kể.

xuất khẩu chăn nuôi

Việc thiếu các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) nói chung và các nước nhập khẩu nói riêng gây khó khăn cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam (Ảnh mang tính minh họa: AT)

Ngoài ra, mật ong đạt 83 triệu USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ 2020. Tơ tằm đạt 46 triệu USD, chiếm 13,9% thị phần xuất khẩu, tăng 87,1% so với cùng kỳ 2020.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản cho biết, do còn thiếu các cơ sở an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE) nói chung và các nước nhập khẩu nói riêng nên chưa có nhiều thị trường xuất khẩu và diện mặt hàng xuất khẩu được mở cửa.

Bên cạnh đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa sang thị trường Trung Quốc chưa tăng trưởng như kỳ vọng khi ký kết Nghị định thư về xuất khẩu sữa sang Trung Quốc. Trong đó có nguyên nhân, đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng làm giảm nhu cầu tại thị trường tiêu thụ nội địa Trung Quốc mà còn ảnh hưởng tới quá trình lưu thông và vận chuyển qua biên giới với Trung Quốc đối với các sản phẩm sữa của Việt Nam.

Đáng chú ý, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên khâu lưu thông quốc tế bị ách tắc, các chi phí xuất khẩu tăng, đặc biệt là chi phí vận tải quốc tế. Tình trạng thiếu nhân lực, tăng chi phí sản xuất trong nước… cũng ảnh hưởng trực tiếp tới lĩnh vực sản xuất chăn nuôi phục vụ xuất khẩu.

Nhằm tháo gỡ những khó khăn mà xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi đang gặp phải, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất chăn nuôi; bảo đảm đáp ứng đầy đủ nguồn cung thịt phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo xây dựng mã định danh cho cơ sở chăn nuôi, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm; tăng cường quảng bá nông sản thông qua dịch vụ, thương mại điện tử,…/.

BT

Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản
Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *