(Người Chăn Nuôi) – Bã gỗ đã được sử dụng làm thức ăn chăn nuôi cách đây hơn 70 năm do thiếu thốn thức ăn. Tuy nhiên, nhiều vật nuôi không thích loại này, chưa kể giá trị tiêu hóa lại thấp. Bằng công nghệ xử lý tiên tiến hiện nay, bã gỗ dần được cải thiện về giá trị tiêu hóa và dinh dưỡng.
Bã gỗ chứa carbohydrate phức tạp với tỷ lệ khác nhau tùy từng loại cây lấy gỗ và giai đoạn phát triển. Nhìn chung, thành phần chủ yếu của bã gỗ là cellulose 50%, hemicellulose 20 – 30% và lignin 15 – 35%, cùng một lượng nhỏ đường có thể hòa tan, axit béo, cồn và protein.
Chế biến
Có nhiều cách để chế biến bã gỗ thành chất dinh dưỡng cho vật nuôi, cụ thể:
– Thủy phân với các loại axit để hòa tan cellulose.
– Xử lý kiềm và ammonia để thủy phân este trong môi trường kiềm nhằm làm tăng sự thâm nhập của các vi sinh vào cấu trúc thành tế bào.
– Phá vỡ các liên kết hóa học lignin – cellulose bằng nhiều chất hóa học để tạo ra cellulose dễ tiêu hóa.
– Nghiền mịn để biến đổi cấu trúc tinh thể của cellulose.
– Chiếu xạ điện tử năng lượng cao để phá vỡ các liên kết hóa học của lignin và cellulose.
Thử nghiệm cho ăn trên vật nuôi
Trong một nghiên cứu, các loại mùn cưa từ gỗ thông, sồi, dương và nhiều loại cây khác được bổ sung theo tỷ lệ 10% vào khẩu phần ăn của bò hướng thịt giống đực. Khẩu phần ăn này mang lại hiệu quả về tăng trưởng cho vật nuôi tương tự các khẩu phần ăn chứa hàm lượng cân bằng cỏ Bermuda ven biển. Tuy nhiên, bò được cho ăn 15% mùn cưa lại tăng trọng kém hơn và ăn ít thức ăn hơn những con bò ăn cỏ Bermuda.
Trong một nghiên cứu khác, mùn cưa gỗ sồi được bổ sung vào khẩu phần ăn của bò với tỷ lệ 5% và 15% rồi so sánh với khẩu phần ăn chứa cỏ khô Timothy. Dữ liệu thu được về hiệu suất tăng trưởng cho thấy, mùn cưa có thể được sử dụng thành công khi tăng tỷ lệ lên 15% trong khẩu phần ăn của vật nuôi mà không ảnh hưởng đáng kể đến hiệu suất.
Mùn cưa gỗ dương, dinh dưỡng cho bò sữa
Đối với bò sữa, các thử nghiệm cho thấy, mùn cưa cây dương có thể thay thế 30% khẩu phần truyền thống cho bò sữa sản xuất 20 kg sữa/ngày mà không làm giảm lượng ăn các vật chất khô dễ tiêu hóa hay ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa. Bò ăn mùn cưa cây dương cũng duy trì hàm lượng béo trong sữa bình thường. Ở một số giai đoạn nhất định trong chu kỳ sống của bò sữa, pha loãng thức ăn với gỗ giúp điều chỉnh năng lượng nạp vào cơ thể, từ đó ngăn chặn tình trạng bò bị vỗ béo quá mức.
Bã gỗ vỗ béo cừu
Các loại bã gỗ đã qua giai đoạn xử lý cũng được bổ sung vào khẩu phần ăn của cừu giai đoạn nuôi vỗ béo với tỷ lệ lên đến 60% và đã làm tăng 7% tỷ lệ tăng trưởng và giá trị tiêu hóa vật chất khô cũng cao hơn so những con cừu chỉ ăn cỏ khô. Kết quả này là do năng lượng thuần của gỗ sau khi xử lý hóa học hoặc vật lý đã tăng lên. Ngoài ra, hiệu quả của vật nuôi về biến đổi năng lượng trong dạ cỏ thành các loại axit béo dễ bay hơi cũng tăng lên.
Rỉ mật gỗ
Trong quá trình sản xuất gỗ cũng thu được dung dịch bã gỗ bằng cách xông lưu huỳnh để tạo ra cellulose hoặc dùng áp suất hơi nước để tạo ra gỗ tấm. Những nguyên liệu này được gọi là “rỉ mật gỗ” – một dung dịch chứa 65% đường hòa tan, tương đương với tỷ lệ đường trong các loại rỉ mật khác như mía, củ cải hoặc cam, chanh (bảng 1). Rỉ mật gỗ đã được sử dụng trong một số thử nghiệm với tỷ lệ bổ sung 10% vào khẩu phần ăn của cừu giai đoạn vỗ béo sau khi trộn lẫn với urea. Về hiệu quả chăn nuôi, nhìn chung rỉ mật gỗ cũng tương đương các loại rỉ mật khác như củ cải (bảng 2) mà không gây hại đến sức khỏe hay trao đổi chất ở vật nuôi.
Bảng 1
Bảng 2
Tuy nhiên, khi sử dụng bã gỗ, cần cân nhắc các vấn đề: Nguồn cung bã gỗ hay mùn cưa còn hạn chế và mới chỉ được sử dụng như chất xơ hoặc chất pha loãng khẩu phần ăn của động vật nhai lại. Bên cạnh đó, hầu hết bã gỗ có độ ẩm tương đối cao nên khó bảo quản, do đó, cần nghiên cứu thêm các phương pháp chi phí thấp để bảo quản.
Dũng Nguyên
(Theo Allaboutfeed)