Kiểm soát giết mổ động vật trong bối cảnh dịch bệnh

(Người Chăn Nuôi) – Ngày 3/8/2021, Bộ NN&PTNT ban hành Công văn số 4884/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc thực hiện công tác kiểm soát giết mổ động vật trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Hướng dẫn chung

– Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh, thành phố bố trí cán bộ thực hiện kiểm dịch, kiểm soát giết mổ tại cơ sở giết mổ đảm bảo quy định theo Hướng dẫn số 2242/LĐTBXH-TLĐ-PTM ngày 14/7/2021 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc tổ chức thực hiện vừa cách ly, vừa sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, theo đó chỉ được tổ chức sản xuất, kinh doanh khi cơ sở giết mổ và người lao động thực sự an toàn, cụ thể như sau:

+ Cơ sở giết mổ có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 ở mức nguy cơ thấp trở xuống (<30%) theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19; Đã thực hiện ký Bản cam kết bảo đảm thực hiện các biện pháp an toàn phòng, chống dịch COVID-19; Có kế hoạch phòng, chống COVID-19 và các phương án xử trí khi có các trường hợp mắc COVID-19 theo Quyết định số 2787/QĐ-BYT ngày 5/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế; Không sử dụng người lao động đang thuộc diện cách ly y tế;

giết mổ heo

Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm phải tuân thủ phòng, chống dịch Covid-19 – Ảnh: Vân Nam

+ Người lao động được phép đi làm khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus Sars-CoV-2 (Test nhanh/RT-PCR) phù hợp với yêu cầu của chính quyền địa phương;

+ Chủ cơ sở giết mổ lập danh sách thông tin người lao động và cập nhật định kỳ 3 ngày/lần, cập nhật kết quả xét nghiệm trước 15 giờ hàng ngày (nếu có), lưu tại cơ sở và báo cáo cơ quan có thẩm quyền theo quy định hoặc khi có yêu cầu; Phối hợp với các cơ sở y tế đủ năng lực để chuẩn bị sẵn sàng số lượng xét nghiệm nhanh dự phòng đảm bảo đủ xét nghiệm 2 lần hoặc định kỳ theo hướng dẫn của y tế cho toàn bộ số lượng người lao động có mặt tại cơ sở giết mổ.

– Cơ sở giết mổ động vật tập trung, cơ sở giết mổ nhỏ lẻ phải bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 69 Luật Thú y.

– Chủ cơ sở giết mổ phải có phương án, kế hoạch đảm bảo an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch bệnh COVID-19 cho toàn bộ nhân sự tham gia hoạt động giết mổ tại cơ sở.

 

Đối với cơ sở giết mổ tập trung và cơ sở giết mổ nhỏ lẻ

a) Kiểm tra trước khi giết mổ

– Động vật đưa vào giết mổ phải đáp ứng yêu cầu tại Điều 4 Thông tư 09/2016/TT-BNNPTNT ngày 1/6/2016 của Bộ NN&PTNT;

– Thực hiện theo quy định của Thông tư 09, cụ thể: Tại Điều 5 (đối với gia súc nuôi); Tại Điều 7 (đối với gia cầm nuôi) và tại khoản 1 Điều 9 (đối với các loại động vật trên cạn khác dùng làm thực phẩm).

b) Kiểm tra sau giết mổ

– Thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 6 của Thông tư 09, cụ thể: Đóng dấu kiểm soát giết mổ, dán tem vệ sinh thú y hoặc đánh dấu kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đối với thân thịt, phủ tạng, phụ phẩm ăn được bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y; Cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển sản phẩm động vật theo quy định;

– Trong trường hợp phát hiện thân thịt, phủ tạng, phụ phẩm ăn được có dấu hiệu bất thường, thực hiện theo quy định tại khoản 3 Điều 6 của Thông tư 09.

c) Đối với cơ sở giết mổ tập trung: Gia súc, gia cầm được vận chuyển từ cơ sở chăn nuôi đến trực tiếp cơ sở giết mổ bằng phương tiện đảm bảo yêu cầu vệ sinh thú y; Sản phẩm gia súc, gia cầm sau khi được tiêu thụ trong và ngoài phạm vi địa bàn cấp tỉnh. Đối với cơ sở giết mổ nhỏ lẻ: Sản phẩm gia súc, gia cầm sau giết mổ được tiêu thụ trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh.

 

Xử lý trong trường hợp chủ cơ sở giết mổ động vật và/hoặc công nhân giết mổ nhiễm COVID-19

– Tuân thủ theo hướng dẫn của ngành y tế về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất.

– Cơ sở giết mổ phải lập kế hoạch sản xuất, giết mổ, kinh doanh phù hợp, hạn chế tối đa việc tồn gia súc, gia cầm qua ngày. Trong trường hợp cơ sở giết mổ bị phong tỏa, phải tiến hành tiêu độc, khử trùng ngay toàn bộ cơ sở, đồng thời lập tức vận chuyển động vật đến cơ sở giết mổ gần nhất và cho phép giết mổ ngay theo đúng hướng dẫn, yêu cầu của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 và cơ quan y tế địa phương; Thực hiện việc kiểm soát giết mổ theo hướng dẫn tại mục 2.   

Bảo Hân

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *