Quảng Trị: Phát triển tổng đàn đi đôi với nâng cao chất lượng đàn bò

Có thể thấy giai đoạn 2017 – 2020, ngành chăn nuôi của tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Đó là giá sản phẩm chăn nuôi trong các năm này giảm sâu kỷ lục; các loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tục xảy ra; cùng với đó, ảnh hưởng của COVID-19 và đợt lũ lụt lịch sử trong năm 2020 đã gây thiệt hại lớn đối với chăn nuôi trong tỉnh. Mặc dù vậy, chăn nuôi vẫn có điểm sáng, đó là trong chăn nuôi bò giai đoạn 2017-2020, tuy tổng đàn có giảm nhưng chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao.

Cách thức nuôi bò ngày càng đa dạng, sáng tạo

Con bò (cùng với con tôm) là hai con nuôi trong bộ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh gồm “sáu cây, hai con”. Nhìn vào kết quả sản xuất ngành chăn nuôi bò từ năm 2017 – 2020 cho thấy, năm 2017 toàn tỉnh có 67.462 con bò; năm 2018 có 68.000 con; năm 2019 có 56.500 con; năm 2020 có 56.601 con; năm 2021 có 55.441 con. Số lượng tổng đàn có giảm do nhiều nguyên nhân như đã đề cập ở trên nhưng đáng ghi nhận là chương trình cải tạo đàn bò vàng địa phương được tỉnh quan tâm chú trọng, mang lại hiệu quả thiết thực. Hình thức chăn nuôi bò thâm canh kết hợp trồng cỏ phát triển khá tốt và đang được nhân rộng. Việc cải tạo đàn bò được triển khai thành công nhờ thực hiện tốt việc thụ tinh nhân tạo bằng tinh giống bò lai zebu.

nuôi bò nhốt chuồng

Một mô hình nuôi bò nhốt ở thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ – Ảnh: Đ.T

Đến nay, tỉ lệ đàn bò lai zebu chiếm trên 55,8% tổng đàn bò toàn tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 48 trang trại chăn nuôi bò, trong đó có 18 trang trại quy mô vừa và 30 trang trại quy mô nhỏ. Nuôi bò đã trở thành nghề sản xuất đem lại thu nhập ổn định cho người nông dân. Cùng với các loại vật nuôi khác, con bò góp phần đưa sản lượng thịt hơi xuất chuồng bình quân toàn tỉnh lên đến 40.000 tấn/ năm, tương đương với 24.000 tấn thịt xẻ/năm, đảm bảo tốt nguồn cung cấp thực phẩm thiết yếu cho nhu cầu của người tiêu dùng.

Có dịp khảo sát các địa phương có truyền thống và thế mạnh phát triển chăn nuôi bò trong tỉnh, chúng tôi thấy phương thức nuôi ngày càng đa dạng, phong phú và đem lại hiệu quả thiết thực. Ở thôn Bình Mỹ, xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, ông Hồ Xuân Lỵ (72 tuổi) là một trong những hộ có nhiều kinh nghiệm về nuôi bò nhốt chuồng. Hiện trong chuồng trại của ông có 8 con bò, có giá từ 20 triệu đồng đến 40 triệu đồng/con, tùy theo chất lượng bò. Mỗi năm ông xuất bán bò theo từng đợt, có khi một tháng vài con rồi tiếp tục mua mới về chăn nuôi quay vòng. Với giá bán như đã nói ở trên, sau khi trừ chi phí, một con bò bán ra, người chăn nuôi lãi khoảng từ 3 – 5 triệu đồng. Để chủ động nguồn thức ăn cho bò nuôi, gia đình ông đã tận dụng diện tích đất để trồng cỏ cao sản VA06, tìm nguồn rơm, thân cây lạc, thân cây chuối để chế biến, kết hợp với thức ăn tinh, giúp bò luôn đủ dinh dưỡng để phát triển tốt.

Do ở trong vùng thường bị lũ lụt gây ngập nặng, người dân thôn Bình Mỹ đã quan tâm đầu tư xây chuồng trại kiên cố, cao tầng làm nơi tránh lũ cho bò. Trung bình mỗi mô hình chuồng trại này, để có thể nuôi dưới 10 con, có diện tích phổ biến từ 12 – 30 m2 người chăn nuôi phải đầu tư từ 40 – 60 triệu đồng. Việc đầu tư chuồng trại cao tầng có làm tăng chi phí đầu tư, nhưng hiệu quả đem lại rất thiết thực. Người dân luôn yên tâm vì đàn bò được đảm bảo an toàn khi mưa lũ lớn.

Toàn thôn có 102 hộ dân thì có đến 70 hộ chăn nuôi bò lai nhốt chuồng (bình quân 4 -10 con/gia đình). Tỉ lệ bò lai giống zebu của thôn đạt gần 90%. Từ truyền thống chăn thả rông, đến nay đa số các hộ nuôi bò tại địa phương đã chuyển sang nuôi nhốt chuồng vì đã chủ động được nguồn thức ăn sẵn có. So với nuôi, trồng các loại cây, con hiện có trên địa bàn thì nuôi bò lai nhốt tại thôn Bình Mỹ cho thu nhập cao gấp 1,5 – 2 lần nên nhiều gia đình xem đây là nghề chính bên cạnh thâm canh lạc, rau màu…

Mô hình chăn nuôi bò vỗ béo, sinh sản bán thâm canh cũng đã phát triển ở các xã miền núi như Tân Thành, Tân Lập, Tân Liên, Tân Hợp, Tân Long, huyện Hướng Hóa, nhất là sau khi xảy ra COVID-19, người dân gặp khó khăn về kinh doanh với người dân nước bạn Lào. Trong số trên 25 mô hình toàn xã Tân Long, nổi bật có mô hình nuôi bò vỗ béo của ông Đỗ Thiên Nam ở thôn Long An, có thời điểm nuôi trên 100 con bò, khi xuất bán, thu được nguồn thu khá lớn. Điều đáng quan tâm là mô hình nuôi bò vỗ béo đã được nhân rộng trong toàn tỉnh. Đến nay, nhiều địa phương như Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng… đã có mô hình nuôi bò nhốt chuồng, vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Cải tạo đàn bò theo hướng chất lượng, hiệu quả

Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi bò thì việc cải tạo chất lượng con giống thông qua chương trình zebu hoá đàn bò theo hướng chuyên thịt là hết sức cần thiết. Từ nguồn kinh phí của tỉnh, hai năm trở lại đây Trung tâm Khuyến nông Quảng Trị đã tổ chức thực hiện “Chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt” bằng cách sử dụng tinh các giống bò thịt nhập ngoại như: 3B, Bramand, RedAngus… lai tạo trên nền bò cái lai zebu chọn lọc (có tỉ lệ lai từ 50% trở lên) nhằm tạo ra con lai F1 nuôi thương phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, trọng lượng thịt lớn, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần nâng cao hiệu quả cho nông dân.

Thực hiện chương trình cải tạo đàn bò, hằng năm tỉ lệ phối giống thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh đạt từ 90 – 95%, năm 2020, chương trình cải tạo đàn bò đã phối được 9.767con. Thông qua chương trình cải tạo đàn bò, chất lượng đàn bò ngày càng được nâng cao, bê lai sinh ra ngoại hình đẹp, sinh trưởng nhanh, trọng lượng lớn, ưu thế lai nổi rõ, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,3 – 1,5 lần so với bò vàng địa phương. Giá bán bò lai cao hơn bò nội từ 2 – 3 triệu đồng/con. Như vậy, ước tính mỗi năm có trên 6.000 bê lai zebu ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò với nguồn thu khoảng 75 tỉ đồng/năm.

Thông qua chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt cũng cho thấy nhu cầu chăn nuôi bò chất lượng cao của người dân ngày càng tăng. Đây là giống bò phù hợp với điều kiện khí hậu Quảng Trị, cũng như điều kiện chăn nuôi của các nông hộ trên địa bàn tỉnh. Bò phát triển nhanh, trọng lượng lớn, hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 – 2 lần so với bò lai zebu. Giá bán bò chuyên thịt cao hơn bò lai zebu từ 7- 8 triệu đồng/con. Như vậy, ước tính mỗi năm có trên 2.700 bê lai ra đời từ chương trình cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt với nguồn thu khoảng 54 tỉ đồng/năm. Theo kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực của tỉnh, từ năm 2018 – 2020, tổng ngân sách đã giải ngân thực hiện hỗ trợ bò nái giống và trồng cỏ là 2.713 triệu đồng. Tổng số bò nái giống hậu bị đã hỗ trợ là 140 con, tổng diện tích trồng cỏ hỗ trợ là 1.010 sào cỏ (50,5 ha).

Nằm trong “đội hình” vật nuôi chủ lực của tỉnh, việc phát triển chăn nuôi bò nói riêng, các loại gia súc, gia cầm nói chung trên địa bàn tỉnh sẽ theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ 4.0; sản xuất chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Mục tiêu đến năm 2025, phát triển đàn bò khoảng 70.000 con, tỉ lệ lai zebu đạt 70% tổng đàn.

Đến năm 2030, phát triển đàn bò 5.000 con, tỉ lệ lai zebu đạt từ 80% tổng đàn trở lên. Tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh sẽ đưa chăn nuôi trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại và được công nghiệp hóa ở hầu hết các khâu từ sản xuất, chế biến, bảo quản đến kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; trên 80% sản phẩm chăn nuôi được sản xuất trong các trang trại được kiểm soát, quản lý chặt chẽ. Xây dựng, hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, hàng hóa với phương thức chăn nuôi chuyên nghiệp, chuyên môn hóa. Ứng dụng rộng rãi công nghệ 4.0 trong công tác quản lý các hoạt động chăn nuôi.

Kiểm soát tốt công tác giết mổ gia súc, gia cầm, đưa hoạt động giết mổ vào các cơ sở giết mổ tập trung quy mô vừa, lớn. Khống chế và kiểm soát tốt các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm, nhất là các bệnh có khả năng lây nhiễm sang con người. Đẩy mạnh công tác cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo theo hướng zebu hóa, phát triển mạng lưới thụ tinh nhân tạo. Chọn lọc và sử dụng đàn nái nền chất lượng phục vụ cho lai tạo với các giống bò thịt chất lượng cao như: BBB, DroughtMaster, Charolai,… nhằm tăng năng suất, chất lượng đàn bò thịt.

Đan Tâm

Nguồn: Báo Quảng Trị

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *