Chịu khó học hỏi, tích cực ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, gia đình chị Quách Mộng Phương, ấp Cần Giờ 2, xã Tham Đôn (Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) đã có cuộc sống khấm khá hơn từ mô hình nuôi bò sữa. Từ mô hình này, gia đình chị thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Chị Quách Mộng Phương đang chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: Chanh Tha
Năm 2015, hưởng ứng đề án của xã, chị đã chuyển sang nuôi bò sữa. Mới đầu chị mua 2 con, mỗi con 25 triệu đồng, trong đó đã có 1 con sinh sản 2 lứa, và 1 con đang mang thai. Dần dần, với sự học hỏi và lòng quyết tâm của cả gia đình cùng với kinh nghiệm tích lũy được, mô hình sản xuất nuôi bò sữa của gia đình chị nhanh chóng đạt được những bước phát triển mạnh mẽ. Đến nay, gia đình chị Phương đã có 8 con bò, trong đó 4 con đang cho sữa, 3 con đực và 1 con bò cái đang mang thai. Để có nguồn thức ăn cho bò sữa, gia đình chị Phương đã chủ động trồng cỏ trên diện tích gần 3 công. Giống cỏ sinh trưởng, phát triển và cho năng suất cao hiện nay là giống cỏ voi. Ngoài ra, chị còn tận dụng được nguồn phân bò bán cho bà con lân cận trong xóm ủ để trồng rau màu. Với diện tích 3 công đất trồng cỏ, gia đình chị không phải mua cỏ bổ sung ở ngoài mà luôn cung cấp đủ cho đàn bò của mình nguồn thức ăn ổn định.
Nói về hiệu quả kinh tế từ mô hình nuôi bò sữa, chị Mộng Phương rất phấn khởi: “Chăn nuôi bò sữa mang lại thu nhập cao, hiện nay giá sữa tăng cao và không còn bấp bênh như những năm trước. Với mức giá này, bò sữa đang mang lại thu nhập ổn định hơn hẳn so với các nghề chăn nuôi khác”. Để chăn nuôi bò sữa thành công điều quan trọng là con giống tốt, chuồng trại phù hợp, nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng, đó cũng chính là lý do giúp chị Phương thành công với mô hình chăn nuôi bò sữa. Đây là mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao ở nông thôn. Hiện nay, bình quân mỗi ngày đàn bò của chị cho thu từ 55 – 60 kg sữa, với giá sữa trung bình 12.000 – 13.000đ/kg được thu mua bởi Công ty Vinamilk. Không chỉ làm giàu từ bò sữa mà gia đình chị Phương còn là hộ đi đầu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa nên năng suất luôn đạt cao. Hiện gia đình chị đang sở hữu 9 công đất trồng lúa, 3 công đất trồng cỏ nuôi bò, thu nhập bình quân trên 200 triệu đồng/năm. Nhờ sự mạnh dạn trong sản xuất và chăn nuôi mà gia đình chị Phương đã vươn lên khá giàu.
Anh La Thanh Tâm – Bí thư Chi bộ ấp Cần Giờ 2 nói: “Gia đình chị Phương là hộ nông dân Khmer đi đầu trong mô hình nuôi bò sữa ở địa phương. Chị rất chịu khó học hỏi, dám nghĩ, dám làm. Mô hình nuôi bò sữa của gia đình chị Phương đang được người dân trong ấp học hỏi và nhân rộng”.
Chanh Tha
Nguồn: Báo Sóc Trăng