(Người Chăn Nuôi) – Các chuyên gia nhận định, trong tương lai chăn nuôi nông hộ vẫn là xung lực quan trọng thúc đẩy ngành phát triển. Tuy nhiên trong giai đoạn tới, cần có sự thay đổi phù hợp với quy luật và xu hướng phát triển tất yếu của xã hội.
Hơn 832 tỷ đồng hỗ trợ
Ngày 4/9/2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020 (gọi tắt là Quyết định 50). Đến nay, sau gần 6 năm triển khai Quyết định, ngành chăn nuôi đã đạt nhiều kết quả tích cực. Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi tại Hội nghị trực tuyến tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 – 2020, đến nay, cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc đã xây dựng và ban hành hướng dẫn triển khai Quyết định số 50 theo 2 hình thức là văn bản hướng dẫn riêng hoặc lồng ghép với các chính sách khác. Có 48/63 (chiếm 76,1%) tỉnh, thành phố ban hành các văn bản hướng dẫn riêng để triển khai thực hiện Quyết định 50. Số còn lại thực hiện lồng ghép vào các chương trình hỗ trợ phát triển chăn nuôi chung của địa phương như Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; các chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, khuyến nông.
Trong giai đoạn này, Chính phủ đã phân bổ hơn 830 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ. Trong đó, hỗ trợ tinh phối giống nhân tạo cho heo hơn 218 tỷ đồng; Hỗ trợ mua tinh phối giống nhân tạo cho trâu, bò hơn 258 tỷ đồng; Hỗ trợ mua con giống gia súc, gia cầm hơn 25 tỷ đồng; Hỗ trợ xử lý chất thải hơn 159 tỷ đồng; Hỗ trợ đệm lót sinh học hơn 17 tỷ đồng; Hỗ trợ đào tạo tinh dẫn viên hơn 6 tỷ đồng; Và hơn 147 tỷ đồng hỗ trợ công phối giống, vật tư và thiết bị khác.
Bên cạnh đó, gần 6 năm thực hiện chính sách theo Quyết định 50 đã góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, ngày càng tăng giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế. Thị trường các sản phẩm gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, bảo đảm nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi; Từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng năng suất, sản lượng sang chú trọng chất lượng và giá trị, an toàn thực phẩm. Các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ đã tác động tích cực đến cuộc sống hàng triệu hộ chăn nuôi ở nông thôn; Thu nhập của các hộ chăn nuôi tăng 5 – 10%.
Vai trò quan trọng
Chăn nuôi nông hộ là hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ tại những hộ gia đình, không yêu cầu trình độ chuyên môn cao. Hiện, chăn nuôi nông hộ đang chiếm tỷ trọng lớn của ngành và sẽ duy trì trong một thời gian dài. Mặc dù điểm yếu của chăn nuôi nông hộ là ít quan tâm đến thông tin về thị trường (đầu ra, đầu vào) và các tiêu chuẩn, quy chuẩn trong chăn nuôi. Tuy nhiên, chăn nuôi nông hộ trên phương diện nào đó vẫn còn những ưu điểm: Ruộng đất, chuồng trại cơ bản đã có, lực lượng lao động là người trong nhà không phải đi thuê, quy mô sản xuất dù nhỏ nhưng thị trường nằm ngay tại địa phương. Do quy mô nhỏ nhưng nếu ý thức người nuôi được nâng lên thì vấn đề môi trường cũng có thể giải quyết được. Bên cạnh đó, kinh tế nông hộ là một khối thống nhất giữa trồng trọt và chăn nuôi, giúp sử dụng hợp lý tài nguyên, nâng cao hiệu quả và tránh bớt rủi ro. Nếu tách khỏi sự thống nhất giữa cây trồng và vật nuôi, người chăn nuôi sẽ mất đi lợi thế và việc họ không mặn mà với đồng ruộng nữa là chuyện dễ hiểu.
Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, sức lan tỏa, hiệu lực, hiệu quả của chính sách theo Quyết định 50 đưa lại cho chăn nuôi nông hộ là rất lớn. Hiện, lượng sản phẩm thịt, sữa, trứng của các doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng 47 – 48%, còn lại thuộc về các hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ, chăn nuôi hộ gia đình và đây vẫn là sinh kế của các hộ dân. Chăn nuôi đóng vai trò vô cùng quan trọng trong nông nghiệp và chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm vị trí chưa thế thay thế với ngành chăn nuôi. Với tỷ lệ trên 50%, tương lai chăn nuôi nông hộ vẫn là thành phần quan trọng thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển, đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng, an toàn thực phẩm. Tạo công ăn việc làm ổn định khu vực nông thôn, giữ vững ổn định kinh tế, chính trị cho đất nước.
Ảnh: Vector
Thay đổi để phù hợp
Có thể nói, từ hiệu quả mang lại của chính sách và thực tế sản xuất hiện nay, nhiều đại biểu ở các địa phương cho rằng, cần tiếp tục có các chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ bên cạnh phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn. Theo đó, chính sách cần cụ thể và có tính khả thi cao để khắc phục những khó khăn, tồn tại như: Con giống, chăn nuôi an toàn sinh học, phát triển sản phẩm chăn nuôi quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm hữu cơ và xúc tiến thương mại cũng như phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, chăn nuôi nông hộ giai đoạn tới cần có sự thay đổi để phù hợp với xu thế mới. Đó là liên kết sản xuất theo chuỗi, liên kết thành hợp tác xã kiểu mới, phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn theo hướng bền vững, đặc biệt phải truy xuất được nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi nông hộ. Trong Chiến lược phát triển chăn nuôi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021 – 2030 và tầm nhìn 2045, song song với đẩy mạnh chăn nuôi trang trại quy mô lớn vẫn cần quan tâm đến chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi truyền thống với những sản phẩm đặc sản gắn với du lịch sinh thái. Vì vậy, chăn nuôi nông hộ nên hướng đến các sản phẩm bản địa theo hướng bền vững, hiệu quả cao. Cần phân loại thành 3 trục sản phẩm chăn nuôi, bao gồm quốc gia, vùng và OCOP. Những sản phẩm năng suất cao quy hoạch sản phẩm quốc gia. Sản phẩm con lai định hướng phát triển vùng và đặc sản, đặc hữu để xây dựng sản phẩm OCOP với chỉ dẫn địa lý, quy trình đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm. Bên cạnh đó, chăn nuôi nông hộ cũng cần phải đảm bảo yếu tố môi trường. Ngoài ra, cần đẩy mạnh áp dụng công nghệ chuyển đổi số và khoa học công nghệ để hướng đến xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi.
>> Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến Tuy chăn nuôi nông hộ ngày càng yếu thế trong cạnh tranh, nhưng đây vẫn là nghề mang lại nguồn thu nhập chính của hàng triệu hộ dân. Chăn nuôi nhỏ lẻ nếu mất đi sẽ gây ra vấn đề lớn về an sinh xã hội. Theo đó, các địa phương cần quan tâm hỗ trợ để ổn định sản xuất chăn nuôi nông hộ và có sự chuyển hướng để phù hợp với điều kiện thực tế sản xuất tại địa phương. Để nâng cao hiệu quả chăn nuôi, đặc biệt là chăn nuôi nông hộ, cần phải hướng đến sản xuất chuyên nghiệp hơn theo hướng hàng hóa, an toàn sinh học, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sản phẩm có lợi thế để cạnh tranh. |
Nguyễn An