Bỏ phố về quê nuôi trâu

(Người Chăn Nuôi) – Vì nhớ quê nhà, anh quyết từ bỏ nghề kinh doanh bán hải sản ở TP. Hồ Chí Minh về vùng đất Cờ Đỏ để chọn con trâu là “đầu cơ nghiệp”. Đó chính là anh Trần Bá Linh, ấp Đông Lợi, xã Đông Hiệp, huyện Cờ Đỏ, TP. Cần Thơ, người đang sở hữu hơn 50 con trâu, trị giá gần 2 tỷ đồng.

Thu tiền tỷ mỗi năm

Chúng tôi có dịp đến thăm nhà anh Linh nằm cặp tỉnh lộ 922 vừa mới cất chưa được 2 năm, nối tiếp căn nhà tường phía sau là 3 dãy chuồng trâu được xây dựng kiên cố nằm giữa đồng rộng gần 2 ha lại rộn rã tiếng cười của các anh công nhân chăm sóc đàn trâu nuôi trong chuồng.

Vừa nhanh tay ủ lại bao thức ăn cho đàn trâu, anh Linh vừa cười hồn nhiên, khoe tài sản hơn 50 con trâu đen bóng đang rậm cỏ trong chuồng. Anh Linh cho biết: Hạt lúa, bắp, củ khoai, đồng cỏ ở nơi này có sẵn, đất rộng bát ngát, người dân cần cù chịu khó nuôi trâu là giúp cuộc sống làm giàu khá nhanh.

Anh Linh kể, trước đây, gia đình nghèo, đông anh em, cha mẹ không có đất sản xuất lúa hay trồng hoa màu, sống chính dựa vào nghề làm thuê. Các con trong gia đình không đứa nào được đi học, đa phần không biết chữ. Năm 18 tuổi anh rời xa quê hương lên TP. Hồ Chí Minh làm thuê cho cơ sở bán hải sản. Làm được 12 năm, có ít vốn cưới vợ và mở cơ sở bán hải sản nhỏ tại chợ đầu mối Bình Điền. Việc buôn bán khá thuận lợi, tuy nhiên năm 2019 vì cha mẹ già không ai chăm sóc và một phần nhớ nhà nên anh quyết định về quê mở trang trại.

nuôi trâu

Mô hình nuôi trâu vỗ béo của gia đình anh Linh mỗi năm thu lãi gần 1 tỷ đồng

Anh nhận thấy, con trâu là vật nuôi dễ, có đề kháng cao, ít bệnh mà đầu ra lại thuận lợi hơn so các loài vật nuôi khác. Từ suy nghĩ đó anh quyết định bỏ ra 2 tỷ đồng mua đất và 1 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại nuôi trâu vỗ béo để bán thương phẩm. Ban đầu anh chọn mua 40 con trâu nặng 70 – 100 kg, sau 4 – 5 tháng vỗ béo, mỗi con đã lên tới 400 – 600 kg có thể xuất bán. 

 

Nuôi theo khoa học

Bắt tay vào nuôi trâu nhốt chuồng vỗ béo, anh Linh phải học từ cái nhỏ nhất. Thay vì buộc trâu quanh nhà như truyền thống trước đây, anh cho tráng nền toàn bộ bằng xi măng, rồi xây dựng chuồng trại theo đúng yêu cầu mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Rồi đến chuyện ủ thức ăn. Khi mới nuôi, anh Linh không có ý định ủ thức ăn để dành cho đàn trâu, nhưng sau thấy thân cây bắp bà con chặt bỏ đi nhiều phí quá, anh nghĩ tại sao cây rau cải người ta biết muối dưa để dành ăn dần mà mình không biết cách ủ thân cây bắp để dành cho đàn trâu ăn quanh năm. Nghĩ là làm, anh mày mò làm theo công thức học được trên mạng. Cứ 50 kg thân cây bắp + 2,5 kg mật đường + nước + 0,5 kg muối, thành phẩm nhận được thành công ngoài sức mong đợi. Bên cạnh đó anh còn dành ra 5.000 m2 để trồng cỏ voi, cỏ mòm làm nguồn thức ăn quanh năm cho trâu. Trong quá trình nuôi trâu, anh Linh cũng tập thói quen ghi chép sổ sách từng ngày. Vì nuôi trâu theo khoa học nên đàn trâu của anh ăn rất khỏe, mau lớn.

Hiện nay, mong muốn nhất của anh Linh là có đủ đất để xây dựng một trang trại chăn nuôi lớn, có thể xử lý được lượng chất thải từ chăn nuôi thải ra mỗi ngày và tận dụng nguồn phụ phẩm này “đẻ” ra tiền.

>> Ông Bùi Thanh Hiếu, Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Cờ Đỏ cho biết: Nhận thấy nhu cầu nuôi trâu, bò nhốt chuồng vỗ béo của bà con nông dân trên địa bàn xã Đông Hiệp là một hướng đi mới, chính quyền địa phương đã tích cực tuyên truyền tạo điều kiện để người nông dân được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi trâu, bò cách thiết kế chuồng trại, chế độ dinh dưỡng, công tác vệ sinh, phòng bệnh trong chăn nuôi, không để dịch bệnh xảy ra.

Ngọc Trinh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *