Nắng nóng kéo dài dễ dẫn đến nguy cơ bùng phát một số bệnh dịch trên gia súc gia cầm. Ngành Nông nghiệp tỉnh đang khẩn trương triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh; địa phương cũng vào cuộc phối hợp tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức cho hộ chăn nuôi.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), đến hết tháng 5.2021, tổng đàn bò của tỉnh có 296.950 con, đàn heo 695.570 con, gia cầm 8,5 triệu con. Ngành Thú y đã phối hợp với địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt bệnh dịch tả heo châu Phi, dịch heo tai xanh, lở mồm long móng, cúm gia cầm, viêm da nổi cục… Nhờ đó, đến nay dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được khoanh vùng, khống chế, kiểm soát khá tốt.
Để phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm hiệu quả, ngành chức năng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chủ hộ chăn nuôi, chuyển hướng chăn nuôi an toàn.
– Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi heo an toàn của một trang trại tại xã Cát Hiệp, huyện Phù Cát. Ảnh: Thu Dịu
Ngành Thú y đang tổ chức tiêm phòng cho hơn 74.900 gia súc; phun thuốc tiêu độc khử trùng tiêu diệt mầm bệnh, côn trùng trong môi trường 2 ngày/ lần tại các địa bàn có dịch và 2 lần/tuần những địa bàn còn lại. Các địa phương cũng đã dự kiến nhu cầu vắc xin tiêm phòng, chuẩn bị điều kiện nhân lực, vật tư triển khai tiêm cho đàn trâu, bò, ngay khi có vắc xin. Ngành Thú y tập trung chỉ đạo giám sát, phát hiện, theo dõi điều trị trâu, bò mắc bệnh và tổ chức xử lý trâu, bò chết theo đúng quy trình kỹ thuật.
>> Phòng, chống dịch bệnh trong chăn nuôi cần đi sâu hơn vào các giải pháp bền vững. Cùng với công tác rà soát, tầm soát để khoanh vùng, dập dịch, cán bộ Thú ý, đặc biệt là thú y cấp cơ sở phải tuyên truyền sâu rộng cho người dân chủ động hơn trong phối hợp phòng, chống dịch. Chính quyền địa phương, hội, đoàn thể các cấp phải chung tay, phối hợp với ngành Nông nghiệp vận động người dân phòng, chống dịch bệnh hiệu quả; trước mắt là bệnh viêm da nổi cục trên gia súc”. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh |
Ông Huỳnh Ngọc Diệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Hiện nay, tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài ảnh hưởng đến đề kháng của đàn gia súc, đặc biệt gia súc đang mắc bệnh, gia tăng nguy cơ bùng phát dịch. Đáng chú ý, bệnh viêm da nổi cục trên gia súc lây lan với tốc độ nhanh, phức tạp. Trong giai đoạn này, ngành Thú y tỉnh liên tục giám sát tại cơ sở; phối hợp với chính quyền, cơ quan thú y địa phương khoanh vùng những điểm đang có dịch để dập dịch; tầm soát ngăn chặn nguy cơ dịch lây lan. Chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền hộ chăn nuôi chủ động phòng, chống dịch.
Theo ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm được ngành Nông nghiệp chú trọng. Ngay từ đầu năm, ngành có kế hoạch cụ thể, giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai định kỳ hỗ trợ hệ thống thú y cơ sở hiệu quả. Cùng với phòng, chống dịch bệnh, Sở NN&PTNT đang triển khai ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi để phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, an toàn, nhờ vậy dịch bệnh được quản lý hiệu quả. Sở đã giao Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn sử dụng phần mềm “Quản lý đàn vật nuôi và thông tin dịch bệnh” cho cán bộ quản lý, hộ, chủ trang trại chăn nuôi.
Ông Huỳnh Ngọc Diệp cho biết thêm: Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã hướng dẫn các đơn vị triển khai thử nghiệm phần mềm “Quản lý đàn vật nuôi và thông tin dịch bệnh”. Hiện có 800 cơ sở chăn nuôi được chọn thí điểm; trong đó, huyện Hoài Ân 450 cơ sở, TX An Nhơn 100 cơ sở, huyện Phù Cát 100 cơ sở, TX Hoài Nhơn 80 cơ sở và huyện Phù Cát có 70 cơ sở. Thông qua ứng dụng trên điện thoại, hộ chăn nuôi báo cáo tình hình đàn vật nuôi, dịch bệnh, tiêu thụ, vận chuyển… Việc “số hóa” thông tin về đàn vật nuôi trên phần mềm giúp người chăn nuôi xây dựng được dữ liệu của vật nuôi; cơ quan chuyên môn kịp thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ trong trường hợp vật nuôi phát sinh dịch bệnh.
>> Bệnh viêm da nổi cục là bệnh do vi rút nên không có thuốc đặc trị, phải tiêm vắc xin phòng bệnh viêm da nổi cục cho trâu, bò khỏe mạnh. Tùy từng loại có thể tiêm bắp, cho uống theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Tăng sức đề kháng bằng Glucose-C, Vitamin A,D,E; B-Complex; Vitamin C… để tiêm hoặc dùng thuốc bột hòa vào nước cho uống hằng ngày. Cùng với đó nên tăng cường khả năng giải độc gan, bổ gan, sử dụng các loại thuốc kháng sinh chống bội nhiễm kế phát, nhiễm trùng”. Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Quốc |
Thu Dịu
Nguồn: Báo Bình Định