Bắc Kạn: Nuôi lợn rừng bán hoang dã ở Cốc Đán

Trải qua nhiều việc làm khác nhau nhưng đến thời điểm này vợ chồng anh Lý Văn Minh và chị Triệu Thị Thúy, thôn Khuổi Diễn, xã Cốc Đán (Ngân Sơn) tâm đắc nhất với việc nuôi lợn rừng bán hoang dã. Mô hình này được gia đình anh nuôi thử nghiệm thành công và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng mua giống, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, mua lưới thép để quây gần 1ha rừng thực hiện mô hình chăn nuôi lợn rừng bán hoang dã. Nguồn giống lợn được anh Minh mua trực tiếp tại trang trại lợn rừng, gà rừng NTC thuộc Công ty CP Phát triển khoa học kỹ thuật NTC (Hà Nội) với giá con giống 250.000 đồng/kg. Năm 2016, gia đình anh bắt đầu nuôi thử nghiệm vài con. Nhận thấy giống lợn này ăn tạp, dễ nuôi và kháng bệnh tốt, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với chăn nuôi lợn lai và lợn ta bản địa, gia đình anh đã từng bước mở rộng mô hình.

nuôi lợn rừng

Mô hình chăn nuôi lợn rừng bán hoang dã của anh Minh được nhiều người đến học tập kinh nghiệm

Đến nay, gia đình anh có tổng đàn lợn rừng gần 100 con, trong đó có 14 con lợn nái, 2 con lợn đực giống, 20 con lợn thịt có trọng lượng từ 20 – 30 kg, còn lại đàn lợn con đang được chăm sóc và phát triển tốt. Thức ăn của lợn rừng chủ yếu là thức ăn xanh thô, như: Cỏ voi, thân chuối thái lát, ngô, khoai lang và cám gạo, bỗng rượu… Mỗi ngày lợn được cho ăn 3 bữa, ban ngày thả lên rừng để tự tìm kiếm thêm thức ăn khác là các loại cỏ, cây, măng… Do vậy đàn lợn tăng trưởng đều và ổn định.

Anh Lý Văn Minh chia sẻ: "Hiện, giá lợn rừng hơi trên thị trường dao động từ 120.000 – 130.000 đồng/kg, có thời điểm lên đến 150.000 đồng/kg. Trong hai năm trở lại đây, mỗi năm gia đình tôi cũng chỉ nuôi được vài chục con, mỗi con có trọng lượng khoảng 50kg thì sẽ xuất chuồng. Trừ chi phí các loại mỗi năm thu về gần 100 triệu đồng. Một số đầu mối từ các tỉnh, thành phố có lượng tiêu thụ thịt lợn lớn như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… sẵn sàng bao tiêu với số lượng lớn nhưng sản lượng lợn thương phẩm còn ít nên đầu ra chưa đủ cung ứng cho thị trường".

Cũng theo anh Minh, giống lợn rừng bán hoang dã trung bình mỗi con lợn nái sinh sản được 2 lứa/năm, mỗi lứa từ 5 – 6 con, cá biệt có lứa từ 8 – 9 con. Lợn thịt thời gian nuôi khoảng 9 tháng có thể đạt trọng lượng mỗi con từ 40- 50 kg. Lợn nái để làm giống phải nuôi trong thời gian từ 12 – 15 tháng sẽ bắt đầu sinh sản. Việc vệ sinh chuồng trại chăn nuôi, xử lý môi trường, tiêm phòng cũng được phía Công ty cung ứng giống hỗ trợ nhằm bảo đảm phòng, chống các loại bệnh trên đàn lợn. Nhờ vậy nhiều năm nay chưa thấy giống lợn này mắc các chứng bệnh như các giống lợn khác.

Để phát triển với quy mô lớn hơn, đáp ứng được nhiều và thường xuyên cho các thị trường lớn, gia đình anh mong muốn chính quyền địa phương và ngành chuyên môn hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để các hộ khác có tiềm năng, khả năng thực hiện mô hình cùng tham gia, phát triển. Bởi hiện nay có một số hộ có đất rừng, đất trồng cỏ và có nhân lực nhưng lại thiếu vốn đầu tư, thiếu khoa học kỹ thuật, kỹ năng liên kết…

Đồng chí Đồng Thị Thùy- Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Cốc Đán cho biết: Mô hình chăn nuôi lợn rừng bán hoang dã của gia đình anh Lý Văn Minh là một trong những mô hình đang phát huy hiệu quả kinh tế. Để nhân rộng mô hình này, trong thời gian tới, chính quyền địa phương cũng đang tính toán, ngoài nguồn lực của địa phương sẽ sử dụng các nguồn vốn hỗ trợ khác của Nhà nước thông qua các dự án, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, lồng ghép các nguồn vốn để tạo điều kiện cho các hộ có tiềm năng về đất đai, nhân lực và có đam mê thực hiện mô hình. Ngoài ra, địa phương cũng sẽ tuyên truyền, vận động các hộ sử dụng vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH để thực hiện mô hình.

Với những ưu điểm về giống và thích nghi với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, giá thành lợn thương phẩm cao, mô hình nuôi lợn rừng đã mở ra hướng phát triển kinh tế bền vững cho gia đình anh Lý Văn Minh nói riêng và có thể nhân rộng trên địa bàn xã Cốc Đán nói chung. Để thực hiện được điều này, người dân xã Cốc Đán mong muốn các cấp chính quyền và ngành chức năng tiếp tục quan tâm tạo điều kiện về vốn vay, khoa học kỹ thuật để thực hiện mô hình có hiệu quả và mang tính bền vững, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống./.

Văn Lạ

Nguồn: Báo Bắc Kạn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *