Góc Chuyên Gia: Quản lý chuồng trại mùa hè

(Người Chăn Nuôi) – Vào mùa hè, nắng nóng là yếu tố gây hại hàng đầu cho chăn nuôi. Nếu không chống nóng tốt, năng suất, chất lượng vật nuôi sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí chết hàng loạt do cảm nóng, cảm nắng, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.

Tác động

Vào mùa hè, nắng nóng là yếu tố gây hại hàng đầu cho chăn nuôi. Nếu không chống nóng tốt, năng suất, chất lượng vật nuôi sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí chết hàng loạt do cảm nóng, cảm nắng, gây thiệt hại về kinh tế cho người nuôi.

Để hạn chế những thiệt hại do nắng nóng gây ra cho đàn gia súc, người nuôi cần thực hiện tốt các biện pháp tổng hợp, như: việc nhập giống tăng đàn và vận chuyển gia súc; quản lý tốt chuồng trại và hệ thống làm mát; thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp cho gia súc; nuôi với mật độ hợp lý và có chế độ vận động, tắm trải cho gia súc; thực hiện tiêm phòng và xử lý gia súc có biểu hiện không bình thường. Trong đó việc cải thiện hệ thống chuồng nuôi có vai trò quan trọng, góp phần hạn chế những tác động tiêu cực của nắng nóng.

 

Củng cố trang thiết bị chuồng trại

Chú ý thiết kế các hệ thống che chắn bằng liếp, bạt, tấm lưới để chủ động che chắn chuồng trại, diện tích che chắn nên có diện tích rộng để đảm bảo có độ phủ mát tốt.Kiểm tra ngay các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi gia súc, kịp thời cải tạo, sửa chữa, nâng cấp đảm bảo cho các hệ thống trên sử dụng tốt.

Với các trại chăn nuôi có chuồng nuôi khép kín (dạng chuồng nuôi kín) kiểm tra và thực hiện nghiêm việc trực kỹ thuật, đề phòng mất điện hoặc các hệ thống làm mát trong chuồng nuôi bị trục trặc, lỗi kỹ thuật, không đảm bảo vận hành.

Nên lắp đặt các hệ thống báo động tự động để kịp thời giải quyết, khắc phục các sự cố về kỹ thuật xảy ra.

Với chuồng nuôi bò sữa có hệ thống làm mát trong chuồng nuôi (kể cả hệ thống trong chuồng và hệ thống trên mái).

Đảm bảo vận hành tốt hệ thống chống nóng tự động trong chuồng nuôi cũng như trên mái.

Thường xuyên kiểm tra nguồn nước làm mát, hệ thống quạt điện để bò sữa luôn được mát.

 

Vệ sinh

Hàng ngày phải đảm bảo vệ sinh cơ giới sạch sẽ từ trong ra ngoài xung quanh khu vực chuồng nuôi, khu chăn thả, sân vận động với trâu, bò.

Khơi thông cống rãnh, không để phân và chất thải ứ đọng sẽ phát sinh mầm bệnh.

Sử dụng các chế phẩm khử mùi nhằm hạn chế mùi trong chuồng nuôi. Sau vệ sinh cơ giới có thể dùng nước rửa chuồng, lưu ý khi rửa chuồng trại xong không nên để nước đọng trên nền chuồng để tránh cho con vật uống phải nước bẩn trên nền chuồng.

Thực hiện phun thuốc sát trùng, diện tích phun thuốc sát trùng nên phun trên diện rộng cả trong và ngoài chuồng nuôi (một số loại thuốc sát trùng có chất lượng tốt, an toàn khi sử dụng như Virkon, Han-Iodine, Halamid…).

Với môi trường xung quanh chuồng nuôi tăng cường phát quang bụi rậm để tránh ruồi, muỗi, côn trùng, không để nước đọng và định kỳ phun thuốc sát trùng để hạn chế, ngăn chặn mầm bệnh.

Thực hiện tốt việc ủ phân, tốt nhất xử lý lượng phân của gia súc thải ra hàng ngày làm phân bón cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho cá, không để lượng phân tồn ứ đọng trong khu vực chuồng nuôi trong những ngày hè. Tốt nhất đem ủ phân theo phương pháp ủ nhiệt để làm sạch môi trường và làm phân bón cho cây trồng.           

PGS.TS Phạm Ngọc Thạch

Học viện Nông nghiệp Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *