Cải thiện chất lượng bò giống bằng công nghệ

(Người Chăn Nuôi) – Chất lượng con giống là yếu tố quan trọng quyết định phần lớn đến hiệu quả trong quá trình chăn nuôi nói chung và chăn nuôi gia súc nói riêng. Do đó, công tác nâng cao chất lượng nguồn giống đã được nhiều địa phương chú trọng, bằng việc áp dụng nhiều công nghệ, giải pháp; trong đó phương pháp thụ tinh nhân tạo đã đem lại những hiệu quả nhất định đối với hoạt động chăn nuôi bò thời gian qua.

Nâng cao chất lượng giống

Bình Định là một trong những tỉnh có tổng đàn bò lớn của cả nước, kết quả công tác cải tạo đàn bò những năm qua đặc biệt là Đề án “Phát triển giống bò thịt, bò sữa tỉnh Bình Định giai đoạn 2010 – 2015” và Đề án “Phát triển chăn nuôi bò thịt chất lượng cao tỉnh Bình Định giai đoạn 2015 – 2020” đã đưa tỷ lệ bò lai từ 65% (2010) đạt hơn 76% (2014) và đạt 85% (2019); khối lượng thịt hơi xuất chuồng năm 2019 đạt 33.243,76 tấn, tăng 23,6% so cùng kỳ năm 2014, đàn bò cái nền lai Zebu có tỷ lệ máu lai trên 75% chiếm phần lớn trong tổng đàn bò cái, đó là cơ sở và là nguồn nguyên liệu đảm bảo để triển khai chương trình bò thịt chất lượng cao đạt hiệu quả. Từ năm 2015 – 2020, tổng số bê lai sinh ra bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên toàn tỉnh đạt 359.484 con, trong đó có 144.907 con bê lai hướng thịt chất lượng cao. Đối với công tác lai tạo bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, kết quả thực hiện đều đạt và vượt so với kế hoạch hàng năm. Phẩm giống của bê, bò lai của giống Brahman, Drought Master phù hợp với thị hiếu của nguời chăn nuôi, đáp ứng theo định hướng chọn bò cái nền làm giống sinh sản. Phẩm chất giống của bê, bò lai của giống bò thịt chất lượng cao như: Red Angus, BBB được người chăn nuôi đánh giá cao, ủng hộ mạnh mẽ, đáp ứng theo định hướng chăn nuôi bò thịt. Chất lượng bê sinh ra phù hợp với yêu cầu của người chăn nuôi cả về ngoại hình, tầm vóc và bê lai sinh ra sinh trưởng phát triển tốt. Các giống bò thịt chất lượng cao có tăng trọng cao, khả năng sử dụng thức ăn tốt, phẩm chất thịt xẻ cao, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người chăn nuôi.

bò giống

Quảng Bình cũng là một trong những địa phương có hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm khá phát triển, điển hình là chăn nuôi bò. Toàn tỉnh có hơn 95.000 con bò nhưng chỉ có hơn 50% bò lai; trong đó, huyện Quảng Trạch có tỷ lệ đàn bò lai thấp nhất với hơn 25%. Để hỗ trợ người chăn nuôi thực hiện có hiệu quả việc cải tạo nâng cao chất lượng đàn bò, năm 2019, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia thực hiện mô hình cải tạo chất lượng đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo tại huyện Quảng Trạch. Kết quả đến năm 2020, việc triển khai mô hình cải tạo đàn bò địa phương bằng kỹ thuật thụ tinh nhân tạo đã bước đầu đáp ứng các tiêu chí về quy mô, địa điểm và định hướng phát triển chăn nuôi đối với các xã đang tập trung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

 

Giải pháp hiệu quả

Theo các cán bộ chuyên môn, phương pháp thụ tinh nhân tạo, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế mà còn hiệu quả xã hội và môi trường. Bởi, áp dụng phương pháp này sẽ giảm chi phí mua, nuôi bò đực giống, không phải di chuyển đực giống, đẩy nhanh tốc độ cải tạo đàn bò, hạn chế tình trạng đồng huyết, cận huyết trong chăn nuôi, cải thiện được năng suất, chất lượng các thế hệ đời sau. Từ hiệu quả của mô hình trên, nhiều địa phương đã hình thành tổ hợp tác trong chăn nuôi theo hướng tập trung trồng cỏ gắn với vỗ béo, tận dụng hiệu quả lao động nông thôn, tăng thu nhập cho người dân, hạn chế ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra. Người dân các vùng chăn nuôi tập trung có điều kiện tiếp ứng thành tựu khoa học – kỹ thuật để nhân rộng trong thời gian tới về kỹ thuật trồng, chế biến thức ăn; chăm sóc, nuôi dưỡng bò lai hướng thịt đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi bò.

Như tại TP Hà Nội, thụ tinh nhân tạo bò đã góp phần giúp người chăn nuôi yên tâm đầu tư sản xuất, đồng thời tạo công ăn việc làm ổn định cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật tại cơ sở. Ước tính, hàng năm thụ tinh nhân tạo đã mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ đồng cho người chăn nuôi, toàn Thành phố doanh thu từ bán bò thịt tăng từ 6 – 8 triệu đồng/con, bán giống 2 – 3 triệu/con so lai tạo giống bằng phương pháp phối trực tiếp cùng lứa tuổi.

Hay như kết quả của Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng đàn bò và chế biến thức ăn thô trong chăn nuôi bò thịt tại huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc” đã được ứng dụng thành công ở nhiều nơi trong cả nước từ cơ sở chăn nuôi nhỏ vừa đến doanh nghiệp lớn trong nhiều năm và được bổ sung hoàn thiện. Áp dụng công nghệ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng đàn bò tại các địa phương.

>> Công ty TNHH Phú Lâm sẽ xây dựng theo mô hình trang trại giống và chăn nuôi kiểu mẫu 5.000 con bò giống và 35.000 con bò thịt. Sau đó Công ty hỗ trợ bà con nông dân xây dựng các trang trại hộ gia đình, mỗi hộ từ 10 đến 50 con. Dự kiến Công ty sẽ gây đàn bò thịt tại tỉnh Quảng Ninh từ 50.000 – 100.000 con.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *