(Người Chăn Nuôi) – Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đang có chiều hướng lan rộng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi và an ninh thực phẩm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Công điện số 109/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống.
Nguy cơ dịch bệnh gia tăng trên diện rộng
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ đầu năm 2025 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 514 ổ dịch DTLCP tại 28/34 tỉnh, thành phố, với trên 30.000 con lợn mắc bệnh, chết hoặc bị tiêu hủy. Đáng chú ý, tính đến thời điểm hiện tại, còn 248 ổ dịch tại 20 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày, cho thấy nguy cơ bùng phát và lan rộng dịch bệnh vẫn rất cao, đặc biệt tại các địa phương có tổng đàn lợn lớn. Dịch bệnh không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất chăn nuôi mà còn đe dọa nguồn cung thực phẩm, tác động đến môi trường và đời sống người dân.
Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm. Trong đó, nhấn mạnh việc huy động lực lượng, nguồn lực hợp pháp để phát hiện sớm, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dịch bùng phát. Lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh cần được tiêu hủy kịp thời theo quy định; các trường hợp vận chuyển, buôn bán lợn bệnh, vứt xác lợn gây lây lan dịch bệnh và ô nhiễm môi trường phải được xử lý nghiêm.
Ảnh minh họa. Nguồn: PV
Thủ tướng cũng yêu cầu không để việc sắp xếp bộ máy tổ chức tại địa phương làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, giao các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi tăng cường áp dụng biện pháp vệ sinh phòng bệnh, xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khoanh vùng và xử lý dịch ngay từ khi mới phát hiện.
Tăng cường kiểm dịch, siết chặt quản lý vận chuyển
Công điện cũng nêu rõ việc tăng cường quản lý kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn, nhất là qua biên giới. Các lực lượng chức năng cần tổ chức kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không đảm bảo yêu cầu phòng dịch và an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền phải được triển khai sâu rộng bằng nhiều hình thức, giúp người dân hiểu rõ tính chất nguy hiểm của bệnh DTLCP, nguy cơ tái phát, lây lan và cách phòng tránh. Việc sử dụng vaccine phòng DTLCP cần được hướng dẫn rõ ràng theo đúng khuyến cáo chuyên ngành.
Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương thực hiện hiệu quả Kế hoạch quốc gia phòng, chống DTLCP giai đoạn 2020 – 2025. Bộ cần chủ động bố trí kinh phí, nguồn lực, chỉ đạo các Chi cục Thú y vùng, tỉnh tăng cường bám sát cơ sở, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra công tác phòng chống dịch. Việc giám sát tình hình dịch bệnh cần được thực hiện chặt chẽ, kịp thời phát hiện và xử lý ổ dịch, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Ngoài ra, các địa phương phải khẩn trương xây dựng, phê duyệt và triển khai Kế hoạch phòng chống DTLCP, phối hợp với các tổ chức quốc tế trong kiểm soát, hỗ trợ kỹ thuật, phân tích chuyên sâu và ứng dụng công nghệ quản lý dịch bệnh qua hệ thống trực tuyến.
Chặn đứng buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm lợn
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo Bộ đội Biên phòng phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xử lý nghiêm các vụ nhập khẩu trái phép lợn, sản phẩm từ lợn, đồng thời tuyên truyền cho người dân khu vực biên giới về sự nguy hiểm của bệnh DTLCP.
Bộ Công an được giao nhiệm vụ chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với các bộ, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép. Bộ Công Thương cần huy động lực lượng quản lý thị trường, thú y, công an, thanh tra giao thông tăng cường kiểm soát buôn bán, vận chuyển lợn bệnh, không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch.
Bộ Tài chính được giao trách nhiệm bố trí kịp thời kinh phí phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh động vật, đặc biệt là bệnh DTLCP, đảm bảo hiệu quả, đúng quy định pháp luật, tránh tình trạng tham nhũng, lãng phí.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Đài Tiếng nói Việt Nam; Đài Truyền hình Việt Nam; Thông tấn xã Việt Nam phối hợp chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, tuyên truyền về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống, giúp người dân chủ động bảo vệ đàn vật nuôi.
Công điện nhấn mạnh, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng và trước pháp luật nếu để xảy ra dịch bệnh lan rộng do chủ quan, lơ là hoặc thiếu trách nhiệm trong công tác chỉ đạo. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp theo dõi, chỉ đạo việc triển khai Công điện; Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện, kịp thời báo cáo những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Việc chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương tới địa phương, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và người dân được kỳ vọng sẽ tạo chuyển biến mạnh mẽ, giúp ngăn chặn hiệu quả sự lây lan của dịch tả lợn châu Phi, ổn định sản xuất và bảo vệ an ninh lương thực quốc gia trong bối cảnh ngành chăn nuôi đang phục hồi sau đại dịch COVID-19 và các biến động kinh tế toàn cầu.
Minh Khuê