Khai thác nguồn gen: Mở “kho vàng” của ngành chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – Nguồn gen là một trong những tài nguyên quan trọng nhất của mỗi quốc gia, đóng vai trò cốt lõi trong bảo tồn đa dạng sinh học, lưu trữ giống vật nuôi bản địa. Ngành nông nghiệp nước ta đang hướng tới việc khai thác hiệu quả “kho vàng” đó.

Kho lưu trữ “vàng”

Việt Nam là quốc gia có sự đa dạng sinh học cao, sở hữu nguồn gen vật nuôi phong phú, đặc biệt là các giống bản địa. Tuy nhiên, áp lực từ kinh tế thị trường và nhu cầu thực phẩm tăng cao đã và đang khiến nhiều giống bản địa đứng trước nguy cơ mai một hoặc tuyệt chủng, nguy cơ mất mát nguồn gen quý giá. Chính vì thế, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) cũng đã cảnh báo về tình trạng suy giảm đa dạng di truyền vật nuôi toàn cầu.

Tại Việt Nam, theo số liệu báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ tại Hội thảo “Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen giai đoạn 2015 – 2024 và định hướng triển khai giai đoạn 2025 – 2030”, đến nay, nước ta đã bảo tồn, lưu giữ được trên 80.000 nguồn gen đặc hữu, quý, hiếm; trong đó có 47.772 nguồn gen thực vật nông nghiệp, 5.768 nguồn gen cây lâm nghiệp, 7.039 nguồn gen dược liệu, 891 nguồn gen vật nuôi, 391 nguồn gen thủy sản, 19.050 nguồn gen vi sinh vật. Chương trình đã đánh giá ban đầu được gần 56.000 nguồn gen; nhiều nguồn đã được khai thác và ứng dụng trong sản xuất như sâm ngọc linh, tôm mũ ni, cá hô, lúa bản địa chất lượng cao, cây vù hương, lợn ỉ… góp phần nâng cao giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp.

Việc bảo tồn nguồn gen các giống bản địa có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt trong vấn đề giữ cân bằng hệ sinh thái, đồng thời đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành chăn nuôi trong tương lai.

nguồn gen vật nuôi

Thành quả lớn từ các công trình nghiên cứu

Nguồn gen là tài nguyên quan trọng của mỗi quốc gia, đóng vai trò cốt lõi trong bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển nông nghiệp, y dược và nhiều ngành công nghiệp khác. Sử dụng nguồn gen giống vật nuôi đã được đánh giá, xác định giá trị sử dụng vào hoạt động chọn, tạo và nhân giống vật nuôi giúp tăng cường năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế của hoạt động chăn nuôi. 

Từ năm 1989 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã giao cho Viện Chăn nuôi chủ trì và thực hiện thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen vật nuôi như là một nhiệm vụ thường xuyên. 

Trước tiên, phải kể đến công trình khoa học “Bảo tồn và khai thác nguồn gen vật nuôi bản địa Việt Nam, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội” do TS. Phạm Công Thiếu và các cộng sự nghiên cứu được tiến hành bài bản từ khâu điều tra, phát hiện, đánh giá, phân tích, nghiên cứu rất cụ thể về từng nguồn gen bản địa. Công trình này kéo dài từ năm 2000 đến 2020.

Kết quả, đã bảo tồn 94 nguồn gen vật nuôi bản địa, trong đó điều tra thu thập phát hiện, bổ sung 70 nguồn gen vật nuôi bản địa vào danh mục nguồn gen vật nuôi ưu tiên bảo tồn. Đặc biệt cứu vãn được 6 giống vật nuôi bản địa khỏi bị tuyệt chủng và đã phục tráng, chọn lọc, nhân thuần đưa trở lại sản xuất: bò U đầu rìu (Nghệ An, Hà Tĩnh), gà Đông Tảo (Hưng Yên), gà Hồ (Bắc Ninh), gà Mía (Hà Nội), vịt Kỳ Lừa (Lạng Sơn) và vịt Bầu Bến (Hòa Bình). Đáng chú ý, công trình này cũng đã đánh giá di truyền được 24 nguồn gen heo và 21 nguồn gen gia cầm sử dụng kỹ thuật di truyền phân tử Mircrosatellite và Mitochondrial (mtDNA).

Và trong giai đoạn 2021 – 2025, Viện Chăn nuôi đã bảo tồn thành công 21 nguồn gen gia súc, gia cầm; 3 nguồn gen ong và 7 loại vật liệu di truyền (tinh, phôi, tế bào soma). Nhiều giống đặc sản như trâu Bảo Yên, gà Lạc Thủy, heo Hương, dê đen… đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa, được đưa vào danh mục giống gốc quốc gia. Cùng đó, hàng chục nguồn gen thủy sản và vi tảo cũng được bảo tồn tại các viện nghiên cứu chuyên ngành.

Tạo thế mạnh từ nguồn gen quý

Nguồn gen được bảo tồn và lưu giữ trở thành nguồn vật liệu ban đầu cho công tác chọn tạo giống, khai thác phát triển nguồn gen quý hiếm, có giá trị kinh tế, đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững nông nghiệp.

Phát biểu tại Hội thảo “Đánh giá công tác bảo tồn nguồn gen giai đoạn 2020 – 2025, định hướng 2026 – 2030” tổ chức tại TP Hồ Chí Minh đầu tháng 5 vừa qua, bà Nguyễn Giang Thu, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, bảo tồn và khai thác bền vững nguồn gen hiện là trọng tâm trong chiến lược đổi mới sáng tạo và phát triển nông nghiệp. Các nguồn gen sau khi thu thập được đánh giá, tư liệu hóa để phục vụ nghiên cứu, nhân giống và phát triển sản phẩm mới. Một số loài từng nằm trong Sách đỏ đã thoát khỏi nguy cơ tuyệt chủng.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, bảo tồn mới chỉ là bước khởi đầu. Cần chủ động thương mại hóa, đưa vật liệu di truyền vào sản xuất, hình thành sản phẩm có giá trị cao, có thể cạnh tranh với bò Kobe, cá hồi Na Uy, bò Wagyu mà các nước đã làm được. Bởi “không thể chỉ cất giữ gen quý như bảo vật trong tủ kính”, Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh. 

Chính vì thế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng tiêu chí để khai thác hiệu quả nguồn gen phong phú, đây được coi là chìa khóa để bảo tồn đa dạng sinh học thời gian tới. 

Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội thảo, các chuyên gia cũng cho rằng, rào cản lớn nhất hiện nay không nằm ở số lượng nguồn gen mà nằm ở khả năng làm chủ công nghệ để giải mã, đánh giá và chuyển hóa chúng thành giá trị thực tiễn. Bởi nếu không làm chủ công nghệ gen, chúng ta sẽ mãi đi sau và phụ thuộc.

Hiện nay, ngành nông nghiệp đặt nhiều kỳ vọng vào Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết không chỉ mang tính định hướng mà còn mở ra hành lang pháp lý mới cho việc đặt hàng nghiên cứu theo nhu cầu thị trường.

Chia sẻ về điều này, Phó Vụ trưởng Nguyễn Giang Thu cho biết, với Nghị quyết 57, các chương trình trọng điểm về nghiên cứu giống, dữ liệu gen quốc gia, hoặc hợp tác công – tư trong chọn tạo giống sẽ được ưu tiên, tiếp cận nguồn lực tốt hơn. 

Nghị quyết 57 đang kỳ vọng trở thành đòn bẩy để đưa Việt Nam vươn lên trở thành quốc gia sáng tạo gen, thay vì chỉ là quốc gia bảo tồn gen. Vì chỉ có vậy, Việt Nam mới thực sự chuyển từ nền nông nghiệp dựa vào tài nguyên sang dựa vào khoa học công nghệ.

Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường

“Công nghệ sinh học và bảo tồn gen phải như “dây diều” để giúp các sản phẩm chăn nuôi, thủy sản xuất khẩu đi nhiều thị trường tiềm năng. Điều này không chỉ giúp ngành chăn nuôi và thủy sản thoát khỏi sự luẩn quẩn của chính mình mà còn xây dựng thêm được các thương hiệu, giá trị mới”.

Phan Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *