Điều kiện sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen GMO sử dụng làm thức ăn chăn nuôi Halal

TCVN 13710:2023 nêu rõ, sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen (GMO) có thể được coi là Halal nếu có nguồn gốc hợp pháp và đáp ứng các điều kiện nhất định.

TCVN 13710:2023 Thực phẩm Halal – Yêu cầu đối với giết mổ động vật quy định các yêu cầu đối với việc sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản thức ăn chăn nuôi Halal sử dụng cho vật nuôi dùng làm thực phẩm. Tiêu chuẩn cũng có thể áp dụng đối với thức ăn cho vật nuôi không dùng làm thực phẩm.

Về yêu cầu chung đối với động vật, tiêu chuẩn nêu rõ, động vật bị cấm hoặc động vật giết mổ bất hợp pháp theo Luật Hồi giáo hoặc các bộ phận của chúng không được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi Halal; Không sử dụng huyết, huyết khô và các sản phẩm từ huyết; Động vật chết hoặc các bộ phận của chúng không được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi Halal.

Về thực vật, các loại thực vật trên cạn hoặc thực vật thủy sinh và sản phẩm thực vật có thể được sử dụng để sản xuất thức ăn chăn nuôi Halal, trừ những loại có chứa độc tố, bị nhiễm độc tố hoặc có thể gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi.

thức ăn chăn nuôi Halal

TCVN 13710:2023 quy định các yêu cầu đối với việc sơ chế, chế biến, vận chuyển, bảo quản thức ăn chăn nuôi Halal sử dụng cho vật nuôi dùng làm thực phẩm. (Ảnh minh họa)

Lưu ý rằng sản phẩm từ thực vật có thể gây hại đến sức khỏe con người hoặc vật nuôi được coi là Halal khi độc tố hoặc yếu tố nguy hại đã được loại bỏ trong quá trình chế biến; Có thể sử dụng hạt ngũ cốc đã qua chưng cất và sấy khô (distillers’ dried grains – DDG) làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi với điều kiện kiểm soát được hàm lượng etanol trong quá trình chế biến và trong sản phẩm cuối cùng.

Đồng thời, tiêu chuẩn cũng đưa ra yêu cầu đối với sản phẩm từ sinh vật biến đổi gen (GMO) có thể được coi là Halal nếu có nguồn gốc hợp pháp và đáp ứng các điều kiện sau: Sản phẩm đó không chứa bất kỳ thành phần nào có nguồn gốc động vật bị cấm trong đạo Hồi cũng như động vật được phép theo đạo Hồi nhưng không được giết mổ theo Luật Hồi giáo; Sản phẩm đó không chứa bất kỳ thành phần nào là najis hoặc được sản xuất bởi các dụng cụ hoặc thiết bị bị ô nhiễm bởi najis (najis là chất bẩn theo Luật Hồi giáo);

Sản phẩm đó an toàn và không gây hại; Thành phần nguyên liệu của sản phẩm đó không chứa các chất có nguồn gốc từ con người. Trong quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và vận chuyển, các sản phẩm Halal được tách biệt với sản phẩm không phải Halal; Sản phẩm từ cây trồng mà trong quá trình trồng trọt có sử dụng najis hoặc nguyên liệu chứa cồn có bản chất sinh học như thực vật hoặc vi sinh vật đều được phép theo Luật Hồi giáo nếu sản phẩm cuối cùng không chứa nguyên liệu najis;

Thực phẩm GMO và thành phần GMO đều là Halal nếu có nguồn gốc là Halal; Nguyên liệu GMO được lấy từ thực phẩm có chất độc nhưng chất độc đã được loại bỏ thì nguyên liệu đó được coi là Halal; Các sản phẩm và cây trồng công nghệ sinh học có nguồn gốc Halal đã được thử nghiệm chuyên sâu về an toàn thực phẩm và môi trường, được chấp nhận trong thế giới Hồi giáo là Halal.

Mai Phương

Nguồn: Tạp chí Chất lượng Việt Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *