(Người Chăn Nuôi) – Nhu cầu theo dõi chính xác tình hình các trang trại nuôi heo ngày càng cấp thiết. Tại Đan Mạch, trang trại Norregaard đã chuyển sang mô hình cho ăn tự động, kỳ vọng giúp tiết kiệm thức ăn và giảm chi phí vận hành.
“Đào tạo” heo hậu bị
Việc triển khai hệ thống trạm cho ăn tự động ban đầu gặp một số khó khăn. Tuy nhiên, sau khoảng ba tuần, đàn heo hậu bị tại trang trại Norregaard đã thích nghi với cơ chế “đi vào – đi ra” qua cùng một lối. Điều này buộc chúng phải lùi ra ngoài, đôi khi gặp khó khăn do sự chen lấn từ các con khác đang chờ đến lượt. Frederiksen, chủ trang trại, chia sẻ: “Sau vài tuần, heo đã sử dụng trạm cho ăn khá thuần thục. Sáng nay, tôi thấy bảy con lần đầu tiên thực hiện quy trình một cách thành thạo.”
Frederiksen cho rằng, về lâu dài chỉ cần hỗ trợ heo hậu bị trong giai đoạn đầu làm quen với trạm cho ăn. Quá trình thích nghi được kỳ vọng diễn ra nhanh, nhờ trong chuồng heo hậu bị đã có sẵn các thiết bị cho ăn đơn giản giúp chúng làm quen từ sớm. Sau khi kiểm tra mang thai, heo tiếp tục được nuôi theo nhóm và cho ăn trên sàn cho đến khi chuyển vào chuồng đẻ. Chỉ sau khi sinh lứa đầu tiên, chúng mới bắt đầu làm quen trực tiếp với trạm cho ăn.
Nâng cao thể trạng heo nái
Việc kết hợp các nhóm heo nái rạ với hệ thống trạm cho ăn là yêu cầu bắt buộc đối với trang trại này. Do sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường Anh, heo nái phải được thả tự do ngay sau khi phối giống.
Trước đây, Frederiksen cho heo ăn bằng cách rải thức ăn trực tiếp trên sàn chuồng. Tuy nhiên, phương pháp này không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho đàn heo nái DanBred có năng suất cao. Khi thức ăn vừa được rải xuống, những con nái khỏe mạnh lao vào tranh ăn, trong khi những con yếu hơn chỉ ăn được phần còn sót lại, dẫn đến suy giảm thể trạng. Ngoài ra, cách cho ăn này cũng gây lãng phí thức ăn. Do đó, chiến lược đã được áp dụng suốt 20 năm qua buộc phải thay đổi.
Hiện trang trại vận hành hai nhóm 45 heo nái hậu bị và một nhóm 90 heo nái rạ đều đang mang thai. Mỗi nhóm 45 con được trang bị ba trạm cho ăn, với hai trạm cho từng nhóm và một trạm đặt ở khu vực giữa.
Nhóm 90 con heo được nuôi trong chuồng có lót rơm, nơi đã lắp đặt 5 trạm cho ăn. Mỗi trạm (gồm hai ô cho ăn và một máy cấp thức ăn) có chi phí khoảng 5.000 Euro. Việc kết nối các ô cho ăn với hệ thống quản lý trung tâm cần thêm một khoản đầu tư một lần là 350 Euro. Frederiksen ước tính, tiết kiệm 20.000 Euro/năm chỉ riêng chi phí thức ăn. Với phương pháp cho ăn trên sàn, mỗi heo nái tiêu thụ trung bình 1.500 kg thức ăn/năm. Nhờ hệ thống mới, lượng thức ăn có thể giảm xuống còn 1.300 kg.
Frederiksen đang lên kế hoạch cải tạo trang trại toàn diện, bao gồm xây dựng mới và mở rộng quy mô đàn lên 1.000 heo nái với chi phí đầu tư khoảng 6 triệu Euro. Tuy nhiên, kế hoạch chưa thể triển khai ngay do chưa có giấy phép xây dựng. Trong thời gian chờ đợi, Frederiksen quyết định đầu tư vào các trạm cho ăn đơn giản hơn của thương hiệu Freeda, do công ty Đan Mạch Agrisys cung cấp.
Mục tiêu dài hạn
Cùng với việc lắp đặt các trạm cho ăn mới, toàn bộ khu chuồng nái cũng được trang bị hệ thống máng uống nước hiện đại. Hệ thống vận chuyển thức ăn cũng được nâng cấp với các van mới. Mục tiêu dài hạn là di dời toàn bộ hệ thống trạm cho ăn này sang cơ sở mới, nhằm tối ưu hiệu quả sử dụng của khoản đầu tư hiện tại.
Frederiksen cho biết, chi phí nhân công khá cao, một nhân viên toàn thời gian đến từ Ukraine nhận mức lương 4.300 Euro/tháng, dựa trên tuần làm việc 37 giờ. Trong điều kiện lý tưởng, số giờ này sẽ được sử dụng chủ yếu tại khu chuồng đẻ.
Trang trại hiện đạt năng suất 19,2 heo con sống mỗi lứa, nhờ không bị ảnh hưởng bởi hội chứng PRRS. Trong đó, 15 con được nuôi cùng mẹ, và mỗi tuần có 18 heo nái đẻ, thường cần khoảng 4 con nái khác hỗ trợ nuôi con. Nhìn lại quá trình đầu tư, Frederiksen chia sẻ: “Đây thực sự là một cuộc phiêu lưu đáng giá mặc dù chúng tôi phải tự tìm đường đi vì là trang trại tiên phong sử dụng hệ thống này.”
Vũ Đức
Theo Pigprogress