(Người Chăn Nuôi) – Ngày 8/5, tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức Hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả bảo tồn nguồn gen vật nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng 2026 – 2030. Tham dự hội thảo có chuyên gia đến từ các viện nghiên cứu, trung tâm chuyên ngành, trường đại học và đại diện nhiều doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao.
Toàn cảnh Hội thảo diễn ra ngày 8/5 tại TP Hồ Chí Minh.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh vai trò chiến lược của nguồn gen vật nuôi, thủy sản trong đảm bảo an ninh lương thực và phát triển bền vững nông nghiệp. Thứ trưởng đề nghị các đơn vị tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, đẩy mạnh số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu đồng bộ và kết nối chia sẻ thông tin nguồn gen giữa các vùng, các ngành. Thứ trưởng cũng lưu ý cần ưu tiên bảo tồn những giống vật nuôi, thủy sản bản địa quý hiếm đang đứng trước nguy cơ mai một do biến đổi khí hậu và sự cạnh tranh của giống nhập nội.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Hội thảo.
Việt Nam được đánh giá là một trong 16 quốc gia trên thế giới có tiềm năng đa dạng sinh học cao và là một trong 10 trung tâm đa dạng sinh học phong phú nhất thế giới. Những năm gần đây, do áp lực của cơ chế thị trường chạy theo năng suất cao, thay đổi giống mới, bỏ giống địa phương và tác động của các kỹ thuật mới như thụ tinh nhân tạo, tạo ra nhiều giống lai có năng suất cao hơn, đây chính là những nguyên nhân khiến cho các giống bản địa của nước ta dần dần biến mất, thậm chí có một số giống có nguy cơ tuyệt chủng như lợn ỉ, gà Tè,…
Trước thực trạng đó, từ năm 1989 đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đã cho thực hiện nhiệm vụ “Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen vật nuôi” giao cho Viện Chăn nuôi chủ trì và thực hiện như một nhiệm vụ thường xuyên.
Tại hội thảo, các viện, trung tâm trực thuộc Bộ đã trình bày kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen trong 5 năm qua. Viện Chăn nuôi là đơn vị chủ lực thực hiện thu thập, lưu giữ và khai thác nguồn gen quý phục vụ nhân giống, sản xuất vaccine, nghiên cứu chọn tạo giống và chuyển giao công nghệ lĩnh vực chăn nuôi.
Song song với công tác lưu giữ và bảo tồn các nguồn gen vật nuôi bản địa hiện có, việc điều tra bổ sung các nguồn gen mới là việc làm cần thiết. Hàng năm, nhiệm vụ luôn tiến hành điều tra bổ sung nhằm phát hiện thêm các nguồn gen vật nuôi bản địa. Giai đoạn 2021 – 2025, nhiệm vụ đã tiến hành điều tra bổ sung, thu thập tìm kiếm thêm 6 nguồn gen vật nuôi và đề nghị bổ sung vào danh mục bảo tồn và lưu giữ, bao gồm: Nhóm tiểu gia súc; Nhóm gia cầm; Nhóm thủy cầm. Trong số 6 nguồn gen vật nuôi mới được thu thập thì có 4/6 nguồn gen nằm trong danh mục các nguồn gen vật nuôi cần được bảo tồn theo phụ lục II Nghị định 46, nguồn gen lợn đen Sông Hinh và vịt cỏ Trùng Khánh hiện vẫn chưa thuộc danh mục nên sẽ đề nghị đưa vào danh mục trong thời gian tới.
Trong quá trình thực hiện, nhiệm vụ bảo tồn đã phác họa bức tranh về hiện trạng nguồn tài nguyên di truyền vật nuôi Việt Nam, phân loại xu hướng, mức độ nguy hiểm của các nguồn gen vật nuôi bản địa. Bước đầu các nguồn gen này được điều tra, tư liệu hóa về nguồn gốc, mức độ sử dụng, mức độ an toàn, sự biến động, khuynh hướng phát triển. Các dữ liệu đều được lưu giữ trong phần mềm Vietgen do Viện Chăn nuôi hợp tác với các chuyên gia tin học xây dựng. Đây là phần mềm được xây dựng trong khuôn khổ dự án hợp tác với Cục Bảo tồn nguồn gen Ấn Độ giai đoạn 2007 – 2010.
Trong giai đoạn 2026 – 2030, Viện Chăn nuôi tiếp tục phối hợp với các đơn vị xây dựng được chiến lược bảo tồn, lưu giữ an toàn các nguồn gen bản địa, quý hiếm đang bị đe dọa tuyệt chủng. Đồng thời tìm kiếm, điều tra thu thập và đưa vào bảo tồn các nguồn gen vật nuôi bản địa mới được phát hiện, không loại bỏ bất kỳ nguồn gen nào trước khi chưa có căn cứ khoa học, bằng chứng xác minh, giám định gen (cùng một giống hay khác giống). Cùng với đó, đánh giá, xác định giá trị, tiềm năng di truyền được một số nguồn gen có giá trị khoa học và kinh tế, giải mã và xây dựng bản đồ gen của một số nguồn gen vật nuôi đặc hữu hoặc có giá trị kinh tế cao. Tư liệu hóa nguồn gen, nâng cao nhận thức của cộng đồng về giá trị của nguồn gen vật nuôi.
Hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả bảo tồn nguồn gen vật nuôi, thủy sản giai đoạn 2021 – 2025 và định hướng 2026 – 2030 dịp này là bước chuẩn bị quan trọng cho việc xây dựng chương trình quốc gia bảo tồn và phát triển nguồn gen giai đoạn tới, với định hướng tích hợp đa ngành, tăng tính ứng dụng và hiệu quả đầu tư.
Đại diện một số doanh nghiệp tham dự đánh giá cao nỗ lực của các cơ quan nghiên cứu trong việc duy trì và phát triển, bảo tồn nguồn gen. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng đề xuất cần tăng cường hợp tác công – tư, hỗ trợ tiếp cận vật liệu di truyền và giống gốc có giá trị cao để phục vụ sản xuất hàng hóa. Một số doanh nghiệp nêu khó khăn trong việc tiếp cận thông tin nguồn gen và đề nghị xây dựng hệ thống dữ liệu mở, thân thiện hơn với khu vực tư nhân, chuyển giao công nghệ bảo tồn, nhân giống, cũng như hỗ trợ kỹ thuật tại chỗ cho doanh nghiệp.
Thùy Khánh
Ảnh: Anh Thư