Cơ hội rộng mở cho gia cầm Việt

(Người Chăn Nuôi) – Việc thị trường Singapore chính thức mở cửa cho một số sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam, được kỳ vọng sẽ mang lại cú huých đáng kể đối với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nước ta.

Thành công mở cửa thị trường

Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Singapore, ngày 11/3/2025, Cơ quan Quản lý thực phẩm Singapore (SFA) đã có văn bản chính thức chấp thuận mở cửa thị trường nhập khẩu một số loại sản phẩm chăn nuôi từ Việt Nam. Các sản phẩm được chấp thuận bao gồm thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt, trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng ở nhiệt độ cao và áp suất cao theo khuyến nghị của Cục Chăn nuôi và Thú y.

Hai doanh nghiệp tiêu biểu được cấp phép lần này là Công ty TNHH MeatDeli Hà Nội và Công ty TNHH CPV Food. Để đạt được sự chấp thuận của SFA, cả hai doanh nghiệp này đều đã đầu tư đổi mới quy trình, công nghệ sản xuất, tuân thủ các tiêu chuẩn của SFA (bao gồm hệ thống an toàn thực phẩm, quy định vận hành tiêu chuẩn, khả năng truy xuất nguồn gốc và đào tạo công nhân). 

xuất khẩu gia cầm sang Singapore

Ông Cao Xuân Thắng, Tham tán thương mại của Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, thời gian qua, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường để đàm phán, đề nghị phía Singapore mở cửa thị trường cho các sản phẩm nông sản, đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Đến ngày 17/2/2025, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore đã có buổi làm việc với Cơ quan quản lý thực phẩm của Singapore về việc xúc tiến mở cửa thị trường các sản phẩm thịt heo, thịt gà và trứng gia cầm của Việt Nam vào nước này.

SFA cũng đã tổ chức các đoàn công tác về Việt Nam khảo sát và đánh giá cao quy mô chăn nuôi, trình độ công nghệ và máy móc thiết bị trong các dây chuyền giết mổ và chế biến thịt gia cầm, sản xuất trứng gia cầm tại các doanh nghiệp ở Việt Nam như: QL, C.P, MeatDeli, Ba Huân, San Hà…

Cũng theo ông Cao Xuân Thắng, việc Singapore mở cửa thị trường cho một số sản phẩm thịt và trứng của Việt Nam sẽ tạo động lực mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.

➢ Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho rằng, đảo quốc sư tử là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới nên việc xuất khẩu sang thị trường Singapore là bước đà để sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam tiếp cận thị trường, mở rộng chuỗi cung ứng tới các nước khác trong khu vực và thế giới. Thời gian tới, doanh nghiệp cần tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn của Singapore, đẩy mạnh xúc tiến ngành hàng và phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý để duy trì uy tín trên thị trường quốc tế.

Tận dụng cơ hội để tăng tốc

Theo số liệu từ cơ quan chức năng Singapore, hàng năm, quốc gia này đã chi ra 3,87 tỷ SGD nhập khẩu các mặt hàng thịt và trứng gia cầm, trong đó thịt tươi sống, giữ mát hay đông lạnh chiếm hơn 1,69 tỷ SGD; thịt đã qua chế biến đạt 216 triệu SGD và trứng gia cầm trên 261 triệu SGD. Tuy nhiên, các sản phẩm thịt heo, thịt gà, trứng gia cầm tươi sống từ Việt Nam chưa được phép xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Singapore. 

Tại quốc đảo Sư tử này, hơn 90% thực phẩm tiêu thụ đến từ nguồn cung nhập khẩu, chính vì thế, Singapore có rất nhiều quy định nghiêm ngặt, và là một trong những thị trường có tiêu chuẩn vệ sinh và kiểm dịch động thực vật khắt khe. Để xuất hiện trên thị trường Singapore, tất cả thực phẩm nhập khẩu phải đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt của SFA và phải đến từ các nhà nhập khẩu được cấp phép. Cùng đó, các lô hàng phải được khai báo và kèm theo giấy phép nhập khẩu hợp lệ. Thịt và các sản phẩm từ thịt phải được nhập khẩu qua các nguồn được công nhận tại những nước đã được chứng nhận đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm của Singapore.

➢ Hiện nay, Singapore chỉ tự chủ được khoảng 10% tổng nhu cầu tiêu thụ thực phẩm nội địa, 90% còn lại là nhập khẩu từ nước ngoài. Việc đảm bảo an ninh lương thực là một trong những chiến lược quan trọng hàng đầu của Singapore. Với thế mạnh về chăn nuôi và vị trí địa lý thuận lợi, Việt Nam có cơ hội rất lớn để mở rộng hơn nữa thị phần tại quốc đảo này.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (nay là Cục Chăn nuôi và Thú y), năm 2024, tổng sản lượng thịt hơi các loại cả nước ước đạt 8,26 triệu tấn, tăng 5,4% so với năm 2023. Trong đó: thịt heo hơi 5,16 triệu tấn, tăng 6,6%; thịt gia cầm hơi 2,43 triệu tấn, tăng 5,4%. Sản lượng sữa tươi đạt 1,23 triệu tấn, tăng 6%; trứng đạt 20,2 tỷ quả, tăng 5%. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi năm 2024 đạt hơn 533 triệu USD, tăng 6,5% so với năm trước. 

Ngành chăn nuôi Việt Nam khẳng định tiềm năng lớn trong việc đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh việc cung cấp sản phẩm cho 100 triệu dân, ngành chăn nuôi đang hướng tới mục tiêu giá trị xuất khẩu đạt từ 1 – 1,5 tỷ USD vào năm 2025 và từ 3 – 4 tỷ USD vào năm 2030 theo Chiến lược Phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045. Chính vì thế, Việt Nam đang tích cực đàm phán để mở rộng thị trường xuất khẩu, đồng thời, tập trung tăng số lượng doanh nghiệp sản xuất được phép xuất khẩu sang các thị trường đã đàm phán thành công.

Do vậy, việc Singapore mở cửa đối với một số sản phẩm thịt và trứng của Việt Nam được kỳ vọng sẽ mang lại cú huých đáng kể đối với kim ngạch xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của nước ta.

Singapore là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới, vì thế, khi xuất khẩu thành công vào thị trường này, các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam hoàn toàn có hy vọng mở rộng thị phần sang nhiều quốc gia khác. Để sớm đạt được mục tiêu này, đòi hỏi các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước không ngừng đầu tư, cải tiến công nghệ, kiểm soát và duy trì chất lượng sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường toàn cầu.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Gia cầm Việt Nam

Dấu mốc quan trọng trong xuất khẩu của ngành chăn nuôi

Đây là lần đầu tiên Singapore chính thức chấp thuận nhập khẩu một số sản phẩm từ Việt Nam, bao gồm: Thịt gia cầm đã qua chế biến nhiệt (từ Công ty CPV Food Co Ltd và MeatDeli HN Company Ltd), cùng với trứng gia cầm và thịt (không bao gồm thịt bò) đóng hộp/tiệt trùng ở nhiệt độ và áp suất cao, tuân thủ theo các khuyến nghị của Cục Chăn nuôi và Thú y. Để đạt được sự phê duyệt, các doanh nghiệp đã phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA) trong suốt quá trình đánh giá, khảo sát thực địa và kiểm tra hệ thống quản lý an toàn thực phẩm. Các tiêu chí như truy xuất nguồn gốc, vận hành tiêu chuẩn và đào tạo nhân lực đều được đảm bảo ở mức cao.

Thành công này là tiền đề quan trọng không chỉ đối với các doanh nghiệp được cấp phép lần này mà còn là bước đệm để các doanh nghiệp khác có thể thâm nhập thị trường Singapore. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp trong việc kiểm soát, duy trì chất lượng, sản lượng ổn định để giữ vững chỗ đứng trên thị trường nhiều đối thủ cạnh tranh.

Singapore là trung tâm trung chuyển hàng hóa lớn thứ hai trên thế giới, một thị trường có các quy định, tiêu chuẩn hết sức nghiêm ngặt, do đó, việc nước ta được phép xuất khẩu một số sản phẩm gia cầm đạt tiêu chuẩn của thị trường “khó tính” này sẽ tạo đà để các sản phẩm gia cầm của Việt Nam có thể tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường khác, mở rộng chuỗi cung ứng trong khu vực và trên thế giới. Điều này có tác động tích cực đối với ngành chăn nuôi gia cầm của Việt Nam trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu, khơi thông sự bế tắc thị trường trong nước, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành gia cầm nước ta. 

Tuy vậy, để giữ vững thị trường Singapore và mở rộng thị trường khác, đòi hỏi các doanh cần tiếp tục đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm để duy trì uy tín trên thị trường quốc tế.

Hồng Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *