Ngành chăn nuôi trước “bão” thuế quan của Mỹ

(Người Chăn Nuôi) – Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hoãn áp thuế đối ứng ở mức cao với nhiều đối tác thương mại trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam; mức thuế tạm thời được áp là 10%. Tuy nhiên, những thay đổi trong thuế quan của Mỹ sẽ tác động không nhỏ tới sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp Việt, trong đó có lĩnh vực chăn nuôi.

Tác động trực tiếp

Chia sẻ tại cuộc họp về tình hình sản xuất nông sản quý I/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường vừa qua; Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, với mức thuế 46% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa đưa ra với Việt Nam, nông, lâm, thủy sản của chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp. Tuy nhiên, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tin chắc chắn chúng ta sẽ có những giải pháp để ứng phó với vấn đề này. Trong đó, chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ theo tinh thần Nghị quyết 57 để nâng cao giá trị, năng suất, chất lượng, hạ giá thành, đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường Mỹ và các thị trường khác cũng rất nhiều tiềm năng và lợi thế với nông sản Việt Nam. Đơn cử như thị trường Trung Quốc với 1,4 tỷ dân, hiện là thị trường lớn thứ hai của nông sản Việt Nam, thời gian qua nhiều nghị định thư xuất khẩu nông sản giữa hai nước đã được ký kết, chúng ta có thể tranh thủ. Ngoài ra, châu Âu cũng là thị trường lớn nhiều lợi thế cần được khai thác.

Dù không xuất trực tiếp sang Mỹ, nhưng việc Mỹ siết chặt nhập khẩu từ Việt Nam sẽ khiến các doanh nghiệp phải điều chỉnh chuỗi cung ứng, kéo theo nguy cơ giảm đơn hàng ở các thị trường liên quan. Như chia sẻ của đại diện Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, chi nhánh Huế, dù đơn vị tập trung xuất khẩu sang Nhật Bản, châu Âu và Australia, nhưng chính sách thuế mới của Mỹ có thể gián tiếp ảnh hưởng đến chi phí logistics, tâm lý đối tác và khả năng cạnh tranh chung. Một số đối tác có thể chuyển hướng sang các nước có quan hệ thương mại thuận lợi hơn với Mỹ có thể khiến đơn hàng của Công ty bị đẩy vào thế khó.

ảnh hưởng thuế quan đến chăn nuôi

Mới đây, Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn liên quan đến chính sách thuế đối ứng từ Mỹ, đồng thời thúc đẩy nhập khẩu nguyên liệu chăn nuôi chất lượng cao, góp phần cân bằng thương mại giữa hai nước. Theo Hiệp hội, hiện Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đang triển khai chương trình GSM-102, cung cấp bảo lãnh tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ 1%/năm, nhằm khuyến khích xuất khẩu nông sản Mỹ. Tại Việt Nam, có 6 ngân hàng được phép tham gia chương trình này, tuy nhiên mức lãi suất do các ngân hàng đưa ra hiện chưa phù hợp, khiến doanh nghiệp khó tiếp cận và chương trình triển khai kém hiệu quả. Từ thực tế đó, Hiệp hội đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tham gia GSM-102 áp dụng mức lãi suất từ 1 – 1,5%, tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu chăn nuôi giảm gánh nặng tài chính, tăng tính cạnh tranh.

Ngoài ra, Nghị định 73/2025 (có hiệu lực từ 31/3) đã điều chỉnh giảm mạnh thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng nông sản có thế mạnh từ Mỹ, như ngô và khô đậu nành, từ 1 – 2% xuống còn 0%. Nếu đi kèm với chính sách tài chính phù hợp như GSM-102, đây sẽ là cơ hội lớn để các doanh nghiệp trong nước tăng cường nhập khẩu nguyên liệu chất lượng cao với chi phí tối ưu.

Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng việc tận dụng tốt chương trình GSM-102 sẽ không chỉ giúp nâng giá trị nhập khẩu từ Mỹ, góp phần cân bằng cán cân thương mại, mà còn hỗ trợ doanh nghiệp chăn nuôi Việt Nam giảm chi phí, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.

Biến thách thức thành cơ hội

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm hoãn kế hoạch áp thuế đối ứng trong 90 ngày, trong đó có Việt Nam, đã giải tỏa phần nào áp lực đối với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp lĩnh vực chăn nuôi cần tận dụng khoảng lặng này để tái cơ cấu chiến lược và chuẩn bị ứng phó với những diễn biến khó lường trong thời gian tới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho rằng, các hiệp hội và doanh nghiệp cần phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất vì lợi ích chung của ngành hàng và đất nước. Biến khó khăn, thách thức thành cơ hội để cơ cấu lại thị trường, ngành hàng. Các địa phương và doanh nghiệp tiếp tục duy trì ổn định kế hoạch sản xuất nhằm đảm bảo vùng nguyên liệu cho các ngành hàng chủ lực. Bộ Nông nghiệp và Môi trường tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế, nghiên cứu phát triển các sản phẩm đầu vào như thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật…, nhằm giảm chi phí sản xuất và nâng cao tính chủ động cho toàn ngành.

Theo các chuyên gia, khoảng thời gian hoãn thuế 90 ngày cũng là cơ hội để các doanh nghiệp tích cực khai thác, tìm kiếm thêm các thị trường mới để thay thế, bù đắp khi thị trường Mỹ giảm nhu cầu. Các doanh nghiệp chăn nuôi cũng cần tận dụng tối đa lợi thế từ 17 Hiệp định thương mại tự do đã ký kết với hơn 60 nền kinh tế để đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống cũng như các thị trường nhỏ, thị trường ngách. Đồng thời, tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, tối ưu hóa chuỗi cung ứng để cạnh tranh và khai thác các thị trường còn dư địa, nỗ lực giữ vững mục tiêu xuất khẩu năm 2025.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh MẫnChủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn

Hiện nay, Chính phủ, Thủ tướng rất nỗ lực triển khai giải pháp để chủ động ứng phó với chính sách thuế quan của Mỹ. Quốc hội, Thường vụ sẵn sàng xem xét các vấn đề thuộc thẩm quyền để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân.

Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De HeusÔng Gabor Fluit, Tổng Giám đốc Tập đoàn De Heus

Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ đưa ra mức thuế lên tới 46% cho hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bởi hiện nay, thị trường Mỹ đang chiếm 30% trong tổng lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Với mức thuế cao ngất ngưởng này, sẽ làm tăng đáng kể giá thành hàng hóa khi xuất khẩu sang Mỹ, đồng nghĩa với việc các sản phẩm của chúng ta sẽ kém hấp dẫn hơn so với hàng hóa từ các quốc gia khác không bị áp thuế hoặc chịu mức thuế “dễ chịu” hơn. Tuy nhiên, tôi rất tin tưởng vào khả năng phục hồi của doanh nghiệp Việt Nam, cũng như sự sáng tạo và quyết tâm của Chính phủ Việt Nam khi bước vào các cuộc đàm phán mới với Chính phủ Mỹ.

➢ Mỹ hiện là nguồn cung lớn, ổn định và chất lượng cao đối với nhiều nguyên liệu thiết yếu cho ngành chăn nuôi Việt Nam như: đậu nành, khô đậu nành, ngô, DDGS (bã rượu khô)…, với kim ngạch nhập khẩu mỗi năm lên đến hàng tỷ USD. Ngoài ra, Mỹ cũng là đối tác chiến lược cung cấp con giống heo chất lượng cao, trung bình mỗi trại heo giống tại Việt Nam nhập khoảng 250 con giống cụ kỵ (GGP)/năm, tương đương 500.000 USD.

Vân Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *