7 Hội, Hiệp hội ngành hàng kiến nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy

(Người Chăn Nuôi) – Hiệp hội Gia cầm Việt Nam cùng 6 Hội, Hiệp hội ngành hàng vừa có văn bản kiến nghị Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Mạnh Hùng về việc sửa đổi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (Luật TCQC) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (Luật CLSP) đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Theo văn bản kiến nghị, thời gian qua, một số Hội/hiệp hội ngành hàng đã có văn bản kiến nghị gửi tới các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tinh thần giảm thiểu tối đa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu kỹ phiên bản cuối sửa đổi các Luật nêu trên, các Hội, Hiệp hội thấy rằng vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

hiệp hội gia cầm kiến nghị

Công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ảnh: ST

Cụ thể, về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, các Hội, Hiệp hội cho rằng, cần bãi bỏ thủ tục công bố hợp quy đối với hàng hoá có quy chuẩn (nhóm 2). Nguyên do việc quy định công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa trong Luật TCQC và Luật CLSP là không có ý nghĩa trong quản lý, chồng chéo, phát sinh thủ tục hành chính, chi phí, thời gian của doanh nghiệp. Hơn nữa các đối tác quốc tế sẽ tiếp tục cho cho rằng Việt Nam đang tạo ra hàng rào phi thuế quan để cản trở thương mại. Các cơ quan quản lý nhà nước chủ yếu tập trung vào kiểm soát thủ tục công bố hợp quy và lơ là các biện pháp hậu kiểm; còn người tiêu dùng không thể nắm rõ về chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, 7 Hội, Hiệp hội đề nghị không phân loại sản phẩm, hàng hóa theo phân loại nhóm 1 và 2 như Dự thảo lần thứ 9 Luật CLSPHH mà phân loại sản phẩm hàng hóa theo mức độ rủi ro như thông lệ quốc tế. Quy định mở như Luật CLSP hiện hành, đã làm cho danh mục hàng hóa nhóm 2 của Việt Nam quá nhiều. Theo báo cáo của Ủy ban Tiêu chuẩn, đo lường là Việt Nam hiện nay đang có khoảng 400 loại mặt hàng nhóm 2 (thực tế còn hơn rất nhiều) và nếu theo khái niệm mới trong dự thảo Luật CLSP sửa đổi, thì hàng hóa nhóm 2 còn tăng hơn nhiều nữa, vì giới hạn của quy định “rủi ro, gây hại” thấp hơn nhiều “trực tiếp, nguy hiểm”, quy định như thế này sẽ là căn nguyên cho các Bộ chuyên ngành lạm dụng.

Về Phương thức quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa các Hội, Hiệp hội cho rằng cách thức tiếp cận quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm của Luật hiện hành và Dự thảo, vẫn thiên về tiền kiểm mà chưa coi trọng hậu kiểm và đề cao vai trò của nhà nước, mà xem nhẹ vai trò của doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Chính vì những lý do nêu trên, cộng đồng doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, đã có văn bản kính đề nghị Bộ trưởng chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của các Hiệp hội, các chuyên gia để sửa đổi Luật TCQC và Luật CLSP đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.

Nội dung văn bản kiến nghị: BẤM ĐỂ XEM

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *