Nhằm kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường trong hoạt động chăn nuôi, tỉnh Sơn La đẩy mạnh công tác quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường đối với nhiều cơ sở chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, địa phương này chủ động quan trắc, cảnh báo và giám sát môi trường 100% tại các trang trại chăn nuôi tập trung, chất thải tại khu vực chăn nuôi, đối tượng là các động vật trên cạn (lợn, trâu, bò, gia cầm, vật nuôi khác…), thành phần môi trường là môi trường nước, môi trường đất. Đảm bảo 80% cán bộ quản lý chăn nuôi cấp tỉnh được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về quan trắc, cảnh báo môi trường; 50% các cơ sở chăn nuôi được hướng dẫn, tập huấn, tuyên truyền các biện pháp kiểm soát các yếu tố môi trường, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường lĩnh vực chăn nuôi được chuyển tải nhanh nhất đến các cơ quan quản lý, người chăn nuôi và các tổ chức, cá nhân liên quan. Thiết lập được cơ sở dữ liệu về quan trắc môi trường địa phương; cơ sở dữ liệu thông tin về quan trắc, cảnh báo môi trường lĩnh vực chăn nuôi được hệ thống hóa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi. Phát triển nguồn nhân lực để đủ năng lực về chuyên môn kỹ thuật, quản lý để thực hiện hoạt động quan trắc, cảnh báo môi trường
Tỉnh Sơn La sẽ triển khai quan trắc, cảnh báo, giám sát môi trường tại 16 trang trại, gồm 8 trang trại lợn, 3 trang trại trâu, 5 trang trại bò trên địa bàn 7 huyện. Tại khu vực trang trại chăn nuôi tập trung, quan trắc 4 lần/năm với môi trường nước thải chăn nuôi; 2 lần/năm với môi trường đất. Tại khu vực chất thải chăn nuôi, quan trắc 6 lần/năm với môi trường nước mặt và 2 lần/năm với môi trường đất.
Khi môi trường có diễn biến bất thường, có phản ánh của cộng đồng về ô nhiễm, khi xảy ra sự cố môi trường từ trang trại chăn nuôi, phát hiện bất thường từ hệ thống giám sát môi trường, khi dự án chăn nuôi mới đi vào hoạt động nhưng có dấu hiệu vi phạm về cam kết bảo vệ môi trường; khi khu vực chăn nuôi xảy ra dịch bệnh; khi môi trường vùng chăn nuôi có dấu hiệu ô nhiễm, tích tụ chất hữu cơ, mùi hôi…
Thông số, tần suất quan tắc, giám sát: Dựa trên các thông số quan trắc và giám sát môi trường thường xuyên tại các trang trại chăn nuôi tập trung, môi trường chất thải tại khu vực chăn nuôi. Tùy theo tình hình thực tế để lựa chọn và bổ sung các chỉ tiêu khác ngoài các chỉ tiêu quan trắc thường xuyên cho phù hợp.
Ngành chức năng tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn tại cơ sở chăn nuôi triển khai hiệu quả các biện pháp bảo vệ môi trường trong sản xuất.
Để triển khai hiệu quả công tác quan trắc, ngành chức năng đa dạng hóa các hình thức thông tin, tuyên truyền (như tờ rơi, áp phích, sách chuyên đề, thông tin trên đài truyền hình, truyền thanh, hệ thống mạng, ứng dụng điện thoại…) để thông tin kịp thời diễn biến chất lượng môi trường vùng chăn nuôi; đồng thời nâng cao nhận thức của người chăn nuôi về vai trò của quan trắc môi trường để cảnh báo sớm ô nhiễm cũng như bảo vệ môi trường trong chăn nuôi.
Phổ biến tới người chăn nuôi các mô hình chăn nuôi về giống, thức ăn, hệ thống xử lý môi trường thích ứng với biến đổi khí hậu; tuyên truyền các văn bản quy định về bảo vệ môi trường, giảm phát khí thải nhà kính trong chăn nuôi. Tổ chức chia sẻ kết quả quan trắc, giám sát môi trường vùng chăn nuôi với các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đến các cơ quan quản lý, người chăn nuôi và các tổ chức, cá nhân liên quan, mạng lưới quan trắc môi trường Quốc gia.
Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp với Cục Chăn nuôi và Thú Y và các đơn vị liên quan trong chọn điểm quan trắc, tổ chức quan trắc môi trường thường xuyên và đột xuất, kịp thời thông báo diễn biến chất lượng nước cho các địa phương, người dân tại các khu vực được quan trắc. Sớm phát hiện các diễn biến bất thường về môi trường chăn nuôi tại địa phương, tổ chức khắc phục và báo cáo về Cục Chăn nuôi và Thú Y;
Chuyển tải nhanh nhất kết quả quan trắc và cảnh báo môi trường lĩnh vực chăn nuôi đến các cơ quan quản lý, người chăn nuôi và các tổ chức, cá nhân liên quan. Hệ thống hóa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi về cơ sở dữ liệu thông tin về quan trắc, cảnh báo môi trường lĩnh vực chăn nuôi theo quy định của Luật Chăn nuôi.
Các cơ sở trang trại chăn nuôi tập trung/doanh nghiệp chăn nuôi tham gia giám sát chất lượng môi trường nước, môi trường đất/trầm tích tại khu vực trang trại chăn nuôi tập trung và môi trường chất thải tại khu vực chăn nuôi của mình. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý chăn nuôi trong quan trắc, giám sát và cảnh báo môi trường chăn nuôi tại khu vực trang trại chăn nuôi tập trung và môi trường chất thải tại khu vực chăn nuôi của mình.
Kịp thời thông báo các diễn biến bất thường của môi trường nước, môi trường đất/trầm tích tại khu vực trang trại chăn nuôi tập trung và môi trường chất thải tại khu vực chăn nuôi và báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về chăn nuôi tại địa phương. Ghi chép đầy đủ thông tin, số liệu thu thập, các biện pháp xử lý môi trường tại khu vực trang trại chăn nuôi tập trung và môi trường chất thải tại khu vực chăn nuôi của mình vượt ngưỡng cho phép theo hướng dẫn của cơ quan quản lý chăn nuôi và đơn vị thực hiện quan trắc.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh, những năm qua, hoạt động chăn nuôi đã góp phần đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh, tạo nguồn thu nhập cho nhiều tổ chức, hộ gia đình. Tuy nhiên, cùng với việc gia tăng đàn, tình trạng ô nhiễm môi trường từ chất thải chăn nuôi cũng gia tăng, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, hình thức chăn nuôi lạc hậu.
Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh cho biết: Hiện nay, các nhà đầu tư đang có xu hướng di chuyển hoạt động chăn nuôi về các tỉnh miền núi phía Bắc, trong đó có Sơn La. Với điều kiện địa chất của tỉnh, có nhiều hang động caster, chất thải chăn nuôi nếu không được kiểm soát sẽ có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước.
Do đó, thời gian tới, Sơn La sẽ xem xét phát triển chăn nuôi tập trung với quy mô, cơ cấu đàn hợp lý, tạo sự dịch chuyển theo hướng chuyển đổi nhanh, bền vững từ chăn nuôi nông hộ nhỏ sang chăn nuôi tập trung với hình thức trang trại, đảm bảo khoảng cách an toàn trong chăn nuôi, đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường.
Hình thành và phát triển các vùng chăn nuôi phù hợp với đặc điểm, lợi thế của tỉnh nhằm khai thác lợi thế về đất đai, lao động và các giống vật nuôi phù hợp ở các vùng sinh thái. Huy động được các nguồn lực tham gia phát triển chăn nuôi, hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường. Đối với chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi, phải được sử dụng làm phân bón, nước tưới cho cây trồng và mục đích khác, đảm bảo không gây ô nhiễm.
Sở sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở chăn nuôi thực hiện đầy đủ quy định về bảo vệ môi trường; đầu tư xây dựng, vận hành các công trình xử lý chất thải phát sinh, đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật trước khi thải ra môi trường. Thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi tới các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình.
Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi; kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm. Hướng dẫn, đôn đốc yêu cầu các sở, ngành có liên quan, UBND các huyện, thành phố triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục ô nhiễm môi trường chăn nuôi (nếu có)…/.
Hồng Ngát
Nguồn: Tạp chí Thiên nhiên và Môi trường