Chủ động tạo nguồn con giống chất lượng cho chăn nuôi lợn

(Người Chăn Nuôi) – Để nâng cao chất lượng đàn lợn và giảm chi phí chăn nuôi, vấn đề cần giải quyết hiện nay là chủ động nguồn giống.

Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y tại Hội nghị Phát triển chăn nuôi lợn bền vững mới đây, Việt Nam đã nhập các nguồn gen lợn cao sản có chất lượng cao thuộc các dòng, giống Landrace, Yorkshire, Duroc và Pietrain từ các nước Pháp, Mỹ, Canada, Thái Lan, Đài Loan, Đan Mạch để làm nguyên liệu lai tạo ra đàn lợn nái sản xuất.

nguồn lợn giống

Lợn Kunekune có nguồn gốc từ New Zealand. Ảnh: ST

Hiện nay, đàn lợn nái sản xuất đối với giống lợn ngoại chủ yếu là các dòng tổng hợp được kết hợp giữa các nguồn gen khác nhau trong cùng giống hay lai khác giống (chiếm 80%). Bên cạnh các giống lợn ngoại phục vụ chăn nuôi công nghiệp thì đàn nái lai giữa lợn ngoại với lợn nội và lợn nái nội thuần còn chiếm tỷ lệ khá cao (khoảng 20%). 

Hằng năm, đàn lợn nái được thay thế bình quân khoảng 25 – 30%. Thực tế đó đã chứng minh vai trò quyết định của con giống trong phát triển chăn nuôi và đòi hỏi các ngành chức năng, địa phương cần có giải pháp để người nuôi được tiếp cận với nguồn giống chất lượng cao. Tại nhiều cơ sở, các hộ chăn nuôi cũng chủ động sản xuất con giống đem lại hiệu quả kép, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa giảm chi phí sản xuất và đạt lợi nhuận cao hơn. 

Giai đoạn 2019 – 2023, số lượng lợn giống cụ kỵ và ông bà sản xuất trong nước để thay thế đàn khoảng 89%, còn 11% nhập khẩu để thay thế, cải tiến năng suất giống lợn trong nước. Năm 2023 – 2024, cả nước duy trì 224 cơ sở chăn nuôi lợn nái cụ kỵ, ông bà với tổng đàn là 123.000 con. Trong đó, có 63 cơ sở chăn nuôi lợn giống cấp cụ kỵ (bao gồm 22 cơ sở chỉ nuôi lợn giống cấp cụ kỵ và 41 cơ sở vừa nuôi lợn giống cấp cụ kỵ vừa nuôi cấp ông bà) và 161 cơ sở chăn nuôi lợn giống cấp ông bà. 

Mỗi năm, đàn lợn nái cụ kỵ, ông bà được thay thế bình quân từ 25 – 35%. Có 3 loại hình sở hữu đối với các cơ sở nuôi lợn giống cấp cụ kỵ, ông bà là nhà nước, vốn đầu tư FDI và tư nhân, cụ thể số cơ sở chăn nuôi lợn cụ kỵ, ông bà với hình thức sở hữu nhà nước chiếm khoảng 8%, hình thức sở hữu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư FDI chiếm khoảng 19% và hình thức sở hữu tư nhân (gồm các doanh nghiệp trong nước và chủ trại chăn nuôi) chiếm khoảng 73%. 

Đáng chú ý, công tác lai tạo, chọn giống lợn trong giai đoạn vừa qua có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, lợn Landrace, Yorkshire, Duroc ông bà cao sản có số con cai sữa/nái/năm đạt 24,7 – 27,8; lợn bố mẹ của 3 dòng có tiềm năng sản xuất có số con cai sữa/nái/năm đạt 27,5 – 28,5 con. Đây là những giống lợn được chọn tạo từ các nguồn gen lợn Landrace, Yorkshire, Duroc từ Mỹ, Pháp, Đan Mạch, Đài Loan, Canada có tính thích nghi cao với điều kiện Việt nam. 

Dòng lợn chuyên hóa chọn tạo từ các giống lợn Landrace, Yorkshire và Meishan có số con cai sữa/nái/năm đạt 23,2 – 26,1 con/lứa, lợn đực giống có khả năng tăng trọng trên 850 gram/ngày, lợn thịt thương phẩm từ các tổ hợp đực, cái trên có khả năng tăng trọng từ 774 – 805 gram/ngày, tiêu tốn từ 2,64 – 2,72 kg thức ăn/kg tăng khối lượng. 

Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Phạm Kim Đăng nhận định, con giống luôn giữ vai trò quan trọng quyết định hiệu quả chăn nuôi, đồng thời là một trong những giải pháp để ngành chăn nuôi phát triển bền vững. Ông Đăng cho rằng, thời gian tới, cần căn cứ vào nhu cầu của người nuôi để quy hoạch, mở rộng các cơ sở sản xuất giống bố, mẹ gắn với chọn lọc, nhân đàn, chủ động sản xuất con giống có năng suất, chất lượng cao. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh áp dụng khoa học trong phát triển nguồn giống, như thụ tinh nhân tạo, lưu trữ, bảo vệ nguồn gen; bình tuyển, quản lý đàn lợn giống cấp cụ kỵ, ông bà đủ tiêu chuẩn để sản xuất giống phục vụ sản xuất. 

Đối với những cơ sở chủ động được con giống, cần chú trọng đầu tư xây dựng chuồng trại, chăn nuôi theo phương pháp sinh học, đổi mới số hóa công tác quản lý đàn giống của cơ sở. Ngoài ra, cần tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc nhập lậu, vận chuyển con giống không rõ nguồn gốc xuất xứ; khuyến cáo người chăn nuôi mua con giống tại các trang trại, cơ sở sản xuất đạt tiêu chuẩn, tránh mua con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, chưa kiểm soát dịch bệnh. Các địa phương cần tích cực tạo điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, hình thành các chuỗi liên kết sản xuất chủ động từ con giống đến sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Thùy Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *