Tình hình chăn nuôi cả nước tháng 3/2025

Tình hình chung

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, sản xuất chăn nuôi quý I năm 2025 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi, chăn nuôi phát triển khá ổn định, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tổng đàn lợn và gia cầm tăng. Cụ thể: Chăn nuôi lợn và gia cầm quý I/2025 tiếp tục duy trì sự tăng trưởng ổn định. Bên cạnh việc phát triển tổng đàn thì công tác kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh tốt đã tạo đòn bẩy cho hoạt động chăn nuôi phát triển. Chăn nuôi trâu, bò có xu hướng giảm do hiệu quả kinh tế không cao. Ước tính tổng đàn lợn của cả nước tính đến thời điểm cuối tháng 3 tăng khoảng 3,3%; đàn gia cầm tăng 3,2% so với cùng thời điểm năm 2024.

– Chăn nuôi lợn: Tính đến cuối tháng 3/2025, tổng đàn lợn ước tính tăng 3,3% so với cùng kỳ năm 2024, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng ước đạt 1.358,9 nghìn tấn, tăng 5%. Giá thịt lợn hơi vẫn duy trì ở mức cao và ổn định đã khuyến khích người nuôi tái đàn.

– Chăn nuôi trâu, bò: Tổng đàn trâu cả nước tính đến cuối tháng 3 ước tính giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; đàn bò giảm 0,1%. Đàn trâu giảm do hiệu quả kinh tế không cao. Đàn bò có xu hướng giảm do diện tích chăn thả bị thu hẹp trong quá trình đô thị hóa (Đồng bằng sông Hồng giảm 3,32% so với cùng kỳ năm trước, Đông Nam Bộ giảm 2,69% và Đồng bằng sông Cửu Long giảm 2,19%). Tuy nhiên một số vùng có lợi thế trong chăn nuôi bò vẫn tăng cao nhờ điều kiện tự nhiên và chính sách hỗ trợ phát triển trong nuôi bò thâm canh và lai giống bò cải thiệt chất lượng như Trung du và miền núi phía Bắc, Tây Nguyên. Một số tỉnh có số lượng bò tăng cao như Hà Giang tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2024, Lai Châu tăng 7,9%, Kon Tum tăng 15,9%. Sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng quý I/2025 ước đạt 32,8 nghìn tấn, giảm 0,3%; sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng ước đạt 134,9 nghìn tấn, tăng 1,8%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 350,9 nghìn tấn, tăng 5,6%.

số liệu chăn nuôi

– Chăn nuôi gia cầm: Tổng đàn gia cầm cả nước ước tính đến thời điểm cuối tháng Ba tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước (trong đó, đàn gà tăng 3,5%). Sản lượng thịt gia cầm hơi xuất chuồng trong quý I/2025 ước đạt 624,4 nghìn tấn, tăng 4,7% so với quý I/2024; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 5,2 tỷ quả, tăng 3,2%. Mức tăng này chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu thụ thịt và trứng gia cầm trong nước ổn định, giá trứng gia cầm duy trì ở mức khá, giúp người chăn nuôi yên tâm tái đàn. Bên cạnh đó, nhờ việc áp dụng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học và liên kết chuỗi với các doanh nghiệp lớn, nhiều trang trại gia cầm quy mô lớn tiếp tục mở rộng sản xuất.

– Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 3 ước đạt 55 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2025 đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 28,5 triệu USD, giảm 16,4%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 43 triệu USD, tăng 17,8%.

– Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 3 ước đạt 346,4 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1,04 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 346,3 triệu USD, tăng 41,9%; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 436,6 triệu USD, tăng 17,7%.

– Về thú y:  Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi và Thú y, tính đến ngày 31/03/2025 tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm cả nước cụ thể như sau:

– Bệnh Cúm gia cầm: Hiện nay, cả nước không có ổ dịch bệnh CGC chưa qua 21 ngày.

– Bệnh Dại động vật: Hiện nay, cả nước có 11 ổ dịch bệnh Dại động vật tại 11 huyện của 07 tỉnh, thành phố chưa qua 21 ngày. Số động vật mắc bệnh là 11 con, số động vật chết và tiêu hủy là 29 con.

– Bệnh Dịch tả lợn Châu Phi: Hiện nay, cả nước có 22 ổ dịch thuộc 18 huyện của 09 tỉnh chưa qua 21 ngày. Số lợn mắc bệnh là 955 con, số lợn chết và tiêu hủy là 997 con.

– Bệnh Lở mồm long móng: Hiện nay, cả nước không có ổ dịch Lở mồm long móng chưa qua 21 ngày.

– Bệnh Viêm da nổi cục: Hiện nay, cả nước có 08 ổ dịch bệnh Viêm da nổi cục chưa qua 21 ngày tại 03 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh là 15 con, số

gia súc chết và tiêu huỷ là 04 con.

– Bệnh Tai xanh: Hiện cả nước không có ổ dịch bệnh Tai xanh chưa qua 21 ngày

Thị trường chăn nuôi

+ Thịt lợn

Giá lợn hơi trong tháng 2 và đầu tháng 3 tiếp tục tăng và đang giữ ở mức cao, nhất là khu vực phía Nam, ngược quy luật so với những năm trước đây. Cụ thể, giá lợn hơi bình quân trên cả nước trong tháng 1/2025 tăng khoảng 10-12% so với bình quân các tháng cuối năm 2024, dao động trung bình từ 66.000 – 69.000 đồng/kg tùy từng vùng. Sang tháng 2/2025, giá bình quân dao động khoảng 72.000 – 78.000 đồng/kg, tăng 15-18% so với thời điểm đầu tháng 1/2025.

Đầu tháng 3/2025, giá lợn hơi tiếp tục tăng mạnh, nhất là tại một số tỉnh khu vực Nam Trung Bộ giá bình quân từ 79.000 – 82.000 đồng/kg và giá cao nhất tại tỉnh Đồng Nai là 83.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong khoảng 3 năm trở lại đây. Tuy nhiên, đến trung tuần tháng 3, giá lợn hơi có dấu hiệu chững lại và có xu hướng giảm nhẹ ở cả ba miền.

Theo Cục Chăn nuôi và Thú y, giá lợn hơi tăng trong thời gian qua là do những tháng cuối năm 2024, một số dịch bệnh xảy ra tại các tỉnh khu vực phía Nam gây thiệt hại đàn lợn nái. Cùng với đó, các tỉnh Đông Nam Bộ đã thắt chặt quản lý môi trường, tổng rà soát lên kế hoạch di dời trang trại lớn, chăn nuôi gia công ra khỏi vùng không được phép chăn nuôi theo quy định dẫn đến thời điểm đó nhiều trại thương phẩm, trại gia công để trống chuồng hoặc đưa vào nuôi không hết công suất dẫn đến thiếu hụt cục bộ như hiện nay. Một nguyên nhân quan trọng khác là tác động tích cực của kết quả rà soát thắt chặt nhập khẩu heo và sản phẩm thịt heo. Đặc biệt, là sự quyết liệt trong công tác phòng chống buôn lậu của lực lượng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (C05) duy trì từ trước Tết cho đến nay nên đã hạn chế lượng lớn gia súc, trong đó có lợn nhập lậu qua biên giới các tỉnh khu vực phía Nam.

Giá lợn hơi gần đây giảm sau những ngày tăng giá mạnh (79.000-82.000 đồng/kg) và vẫn duy trì đà giảm, bình quân cả nước còn 75.000 đồng/kg. Hiện tại các thương lái trên cả nước thu mua lợn hơi trong khoảng 71.000- 77.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Bắc, giá lợn hơi tại Phú Thọ, Thái Nguyên và Hà Nội giảm về giá 72.000 đồng/kg; Bắc Giang và Thái Bình cùng hạ về mức 73.000 đồng/kg. Giá lợn hơi giữa các địa phương trong khu vực này không có nhiều chênh lệch, dao động từ 72.000 – 73.000 đồng/kg.

Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên: Giá lợn hơi tại Thanh Hoá và Quảng Bình cùng về mức 72.000 đồng/kg. Tại Đắk Lắk giảm còn 75.000 đồng/kg. Hiện tại, lợn hơi tại khu vực này đang được bán ra với giá từ 71.000 – 78.000 đồng/kg. Trong đó, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận là những tỉnh có giá lợn hơi cao nhất khu vực, đạt 78.000 đồng/kg.

Tại miền Nam: Giá lợn hơi có chiều hướng giảm, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Long và Bến Tre về cùng mức 78.000 đồng/kg. Các thương lái tại khu vực miền Nam hiện thu mua lợn hơi trong khoảng 78.000 – 79.000 đồng/kg, các địa phương: TP HCM, TP Cần Thơ, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang, Kiên Giang giá lợn hơi ở mức 79.000 đồng/kg.

Với giá bán hiện nay, ước tính người chăn nuôi lãi từ 15.000-20.000 đồng/kg. Theo các chuyên gia, giá lợn hơi có thể tiếp tục xu hướng giảm trong những ngày tới do nguồn cung ổn định trong khi nhu cầu không tăng. Sau giai đoạn giá tăng cao, nhiều trang trại đã chủ động tái đàn, khiến lượng lợn hơi đưa ra thị trường ngày càng nhiều. Theo các chuyên gia, áp lực giảm giá có thể kéo dài đến cuối tháng 3, nhưng sẽ phục hồi nhẹ vào đầu tháng 4, nhờ nhu cầu tăng từ dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương và hoạt động gom hàng của các đại lý phân phối.

+ Thịt gà

Tại miền Bắc, thời tiết thay đổi thất thường làm tăng nguy cơ gà mắc bệnh, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung. Theo ghi nhận tại một số chợ đầu mối, hiện giá gà trắng đang giao dịch từ 37 – 39.000 đồng/kg.

Tại miền Trung, nguồn cung gà giảm nhẹ, cộng với nhu cầu tiêu thụ có chiều hướng sôi động hơn giúp giá gà trắng tăng lên mức 35 – 36.000 đồng/kg; cụ thể tại Đà Nẵng là 36.000 đồng/kg, Nha Trang là 35.000 đồng/kg, Đăk Lăk là 35.000 đồng/kg.

Tại miền Nam: Nhu cầu tiêu thụ từ các chợ đầu mối/bếp ăn khá sôi động, bên cạnh đó nguồn cung gà của các công ty lẫn trại của các hộ dân có sự sụt giảm, thị trường tiêu thụ chủ yếu là gà khoảng 3,2kg/con đã tạo động lực giúp giá gà trắng duy trì xu hướng tăng, phổ biến ở mức 35 – 36.000 đồng/kg tại các công ty và 34 -36.000 đồng/kg tại thị trường tự do.

Thị trường xuất nhập khẩu

+ Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: 

Giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 3 ước đạt 55 triệu USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2025 đạt 131,3 triệu USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, xuất khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 28,5 triệu USD, giảm 16,4%; xuất khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 43 triệu USD, tăng 17,8%.

+ Xuất khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu: (đang cập nhật)

+ Nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi: 

Giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi tháng 3 ước đạt 346,4 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu sản phẩm chăn nuôi 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1,04 tỷ USD, tăng 34,3% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, nhập khẩu sữa và sản phẩm sữa đạt 346,3 triệu USD, tăng 41,9%; nhập khẩu thịt, phụ phẩm dạng thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của động vật đạt 436,6 triệu USD, tăng 17,7%.

+ Nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu:

Giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tháng 3 ước đạt 300 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1,1 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm 2024. Nguồn nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu chính là các thị trường Áchentina, Braxin và Hoa Kỳ với thị phần lần lượt là 45,4%, 15,4% và 14%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu 2 tháng đầu năm 2025 từ thị trường Áchentina tăng 2,8 lần, trong khi thị trường Braxin giảm 21,3%, thị trường Hoa Kỳ giảm 31,9%. Trong nhóm 15 thị trường nhập khẩu lớn nhất, giá trị nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng mạnh nhất ở thị trường Áchentina với mức tăng 2,8 lần và giảm mạnh nhất ở thị trường Ôxtrâylia với mức giảm 76,5%

– Ngô

Khối lượng nhập khẩu ngô tháng 3 ước đạt 1,1 triệu tấn với giá trị đạt 291 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 3 tháng đầu năm 2025 đạt 2,6 triệu tấn và 664,8 triệu USD, giảm 7,1% về khối lượng và giảm 5,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Giá ngô nhập khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 257,7 USD/tấn, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2024.

Braxin và Áchentina là 2 thị trường cung cấp ngô chính cho Việt Nam với thị phần lần lượt là 60,7% và 36,9%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu ngô 2 tháng đầu năm 2025 từ thị trường Braxin giảm 25,5% trong khi thị trường Áchentina tăng 66,7%.

– Đậu tương

Khối lượng nhập khẩu đậu tương tháng 3 ước đạt 120 nghìn tấn với giá trị đạt 52,5 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 3 tháng đầu năm 2025 đạt 478,5 nghìn tấn và 217,6 triệu USD, giảm 11,4% về khối lượng và giảm 26,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Giá đậu tương nhập khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 454,8 USD/tấn, giảm 17,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Việt Nam chủ yếu nhập khẩu đậu tương từ 2 thị trường Hoa Kỳ và Canađa với tỷ trọng giá trị nhập khẩu từ 2 thị trường này lần lượt là 85,1% và 13,9%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu đậu tương 2 tháng đầu năm 2025 từ thị trường Hoa Kỳ tăng 41,3% và thị trường Canađa tăng 84,3%.

– Lúa mì

Khối lượng nhập khẩu lúa mì tháng 3 ước đạt 650 nghìn tấn với giá trị đạt 173,9 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị nhập khẩu lúa mì 3 tháng đầu năm 2025 đạt 1,8 triệu tấn và 471,5 triệu USD, tăng 19,1% về khối lượng và tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm 2024.

Giá lúa mì nhập khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2025 ước đạt 265,7 USD/tấn, giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024.

Nguồn cung cấp lúa mì chính của Việt Nam là từ các thị trường Braxin, Ôxtrâylia, Nga, và Ucraina với thị phần lần lượt là 47%, 17,6%, 11,2%, và 6,4%. So với cùng kỳ năm trước, giá trị nhập khẩu lúa mì 2 tháng đầu năm 2025 từ thị trường Braxin tăng 34,6%, thị trường Nga tăng 2,4 lần, trong khi thị trường Ôxtrâylia giảm 29,6%, thị trường Ucraina giảm 49,5%.

Tổng hợp: channuoivietnam.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *