Theo chân cán bộ thú y đi tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi

Những ngày tháng 3, thời tiết giao mùa, nắng – mưa thất thường, chúng tôi có dịp theo chân cán bộ thú y vùng cao đến từng thôn, vào nhà dân để tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi. Chứng kiến công việc của họ, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả, cống hiến thầm lặng của những cán bộ thú y vùng cao.

Thời điểm này, các địa phương trên địa bàn tỉnh tổ chức tiêm phòng vắc-xin kỳ 1 năm 2025 cho gia súc và phòng bệnh dại. Phải đặt lịch hẹn trước vài ngày, chúng tôi mới chọn được địa điểm khá thuận lợi để cùng cán bộ thú y huyện Si Ma Cai triển khai tiêm phòng vắc-xin tại thôn Bản Mế, xã Bản Mế. Thức giấc từ 5 giờ, dụng cụ, đồ nghề, vắc-xin được sắp xếp ngăn nắp trong túi, thùng bảo quản, chúng tôi rời trụ sở UBND xã đến nhà các hộ dân. Cuối xuân, thời tiết vùng cao vẫn còn lạnh, sương mù hút gần hết ánh đèn pin, nhiều nhà dân đã sáng điện và thơm mùi khói bếp nấu cơm để chuẩn bị đi làm nương.

cán bộ thú y

Cán bộ thú y đến từng hộ dân, nơi chăn thả gia súc để tiêm vắc-xin cho đàn vật nuôi.

Ông Tráng Văn Xong, cán bộ thú y xã Bản Mế chia sẻ: Từ vài ngày trước, tôi đã cùng trưởng thôn thông báo tới từng gia đình để bà con biết kế hoạch tiêm phòng vắc-xin dại cho chó và phòng dịch bệnh trâu, bò; nhắc các hộ chủ động nhốt, xích vật nuôi tại nhà. Thời gian tiêm từ 5 giờ 30 phút, vậy nên, nhiều hộ đã chủ động dậy sớm chờ cán bộ đến tiêm phòng.

Hộ đầu tiên chúng tôi đến là nhà ông Vàng Đại Cương. Nghe cách nói chuyện gần gũi, chúng tôi cảm nhận được sự thân thiết của cán bộ thú y với người dân. Khi phóng viên còn đang chào hỏi gia chủ thì cán bộ thú y đã mở đồ nghề, pha xong thuốc, tiến lại chuồng gia súc tiêm phòng bệnh cho đàn bò 5 con. Chưa đầy 3 phút, công việc đã hoàn thành. Đến các hộ tiếp theo, chúng tôi phải thao tác nhanh nhẹn mới theo kịp để ghi lại quá trình thực hiện công việc của cán bộ thú y. Một cán bộ “lành nghề” như ông Xong thì thao tác pha thuốc, tiêm phòng diễn ra nhanh nhẹn, dứt khoát, kể cả với các vật nuôi to lớn như trâu, bò.

cán bộ thú y

Công việc tiêm phòng vắc-xin cho vật nuôi ở vùng cao vất vả và có phần nguy hiểm, bởi vật nuôi ít tiếp xúc với người lạ nên có phần hung hãn, khó tiếp cận.

Với gần 15 năm trong nghề, việc thông thạo địa hình, nắm rõ địa bàn cũng giúp công việc của những cán bộ thú y như ông Xong được thuận hơn. Trời tối mà ông nhớ chính xác từng ngõ xóm, số lượng gia súc của từng hộ. Vậy nên, cả thôn với hàng trăm hộ dân cư trú rải rác, nhưng chỉ đến 8 giờ, công việc tiêm phòng đã hoàn thành một nửa, số còn lại tiếp tục được thực hiện vào buổi chiều và tối.

Cán bộ thú y vùng cao phải linh hoạt thời gian tiêm và phương pháp triển khai thì công tác tiêm phòng mới đạt hiệu quả cao. Tại huyện Si Ma Cai, việc tiêm phòng được thực hiện 2 ca một ngày, buổi sáng từ 5 giờ 30 phút đến 8 giờ (khi đó người dân chưa chăn thả gia súc); buổi chiều, tối từ 17 giờ đến 20 giờ (lúc này gia súc đã được đưa về nhà).

Ông Hoàng Văn Kiên, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Si Ma Cai.

Tại huyện Bát Xát, công tác tiêm phòng vắc-xin cho đàn vật nuôi cũng đang được đẩy nhanh nhờ sự mẫn cán của những cán bộ thú y xã. Với địa bàn rộng, địa hình chia cắt, công tác tiêm phòng ở địa phương này gặp nhiều khó khăn và thường mất nhiều thời gian di chuyển từ hộ này đến hộ kia, thôn này, sang thôn khác.

cán bộ thú y

Trước khi tiêm phòng, cán bộ thú y sẽ làm thân với vật nuôi.

Theo chân anh Lý Cáo Trình, thú y viên xã Tòng Sành, chúng tôi đến nhà ông Hoàng Thông Thiểu ở thôn Séo Tòng Sành. Do nắm được kế hoạch tiêm phòng của thôn nên đàn trâu 9 con của gia đình ông Thiểu chăn thả trên nương đã được lùa về nhà từ hôm trước, 2 con chó cũng được xích cẩn thận ở chái nhà.

Đàn trâu đã quen với thả rông nên khi bị cột lại khá hung dữ, khó tiếp cận. Hơn 20 năm làm thú y viên cơ sở, anh Trình nắm rõ đặc tính của từng loài vật nuôi và luôn có cách để khống chế, tiếp cận và tiêm phòng cho chúng. Đối với trâu khi chăn thả rông theo đàn, cần vuốt ve, vừa làm thân với con trâu đầu đàn, vừa nhanh chóng cắm mũi kim và đẩy thuốc đều tay, ngón tay gãi nhẹ tại vị trí tiêm để trâu cảm nhận được sự thân thiện và không phản ứng lại. Khi trâu thấy nhói đau thì cũng là lúc tiêm xong…

Huyện Bát Xát có tổng đàn đại gia súc (trâu, bò, ngựa) hơn 21 nghìn con và hơn 9 nghìn con chó. Công tác tiêm vắc-xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi được địa phương triển khai linh hoạt. Nếu trước đây phải triển khai đồng loạt thì nay các xã căn cứ vào thời vụ sản xuất để tiêm phòng cho đàn trâu, bò trước khi vào vụ, vừa đảm bảo sức khỏe lại không ảnh hưởng đến công việc nhà nông. Do đặc thù về địa hình, giao thông khó khăn nên huyện chỉ đạo thành lập tổ tiêm phòng theo cụm và triển khai tiêm theo hình thức cuốn chiếu từng thôn, xã.

Ông Đào Văn Tâm, Phụ trách Trạm Thú y huyện Bát Xát chia sẻ: Để thực hiện công tác này, huyện đã bố trí đủ cán bộ thú y xã, chủ yếu là người địa phương, nhiệt tình, trách nhiệm, vì thế khi triển khai tiêm phòng khá thuận lợi. Tính đến ngày 26/3, toàn huyện đã đạt hơn 40% kế hoạch tiêm phòng đề ra, trong đó tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng bệnh dại chó đạt cao; phấn đấu, công tác tiêm phòng kỳ I/2025 hoàn thành trước ngày 30/4 theo kế hoạch đã đề ra.

Những năm qua, cùng với phát triển đàn gia súc, gia cầm, công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi được tỉnh triển khai quyết liệt, đồng bộ. Tỉnh đã hỗ trợ kinh phí mua vắc-xin tiêm phòng một số loại bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho vật nuôi, gồm: Vắc-xin lở mồm, long móng trâu, bò; vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò; vắc-xin dịch tả lợn và tụ huyết trùng lợn; vắc-xin dại; vắc-xin cúm gia cầm.

Việc tiêm phòng cho vật nuôi được triển khai 2 đợt chính trong năm (đợt 1 từ ngày 1/3 đến 30/4/2024 và đợt 2 từ 20/8 đến 30/10/2024), đồng thời tổ chức tiêm phòng bổ sung cho gia súc, gia cầm chưa được tiêm, mới đến tuổi tiêm; gia súc, gia cầm đã khỏi bệnh, mới nhập về và gia cầm đã hết thời gian miễn dịch bảo hộ theo quy định; tiêm phòng khẩn cấp khi có ổ dịch phát sinh.

cán bộ thú y

Với sự tận tụy, yêu nghề, những thú y cơ sở đã hoàn thành công việc được giao, góp phần phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Theo thông tin từ Chi cục Thú y và Bảo vệ thực vật tỉnh, từ cuối năm 2024 đến nay, một số loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên gia súc như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng đã xảy ra tại một số địa phương, gây thiệt hại cho người chăn nuôi; bệnh dại chó đã phát sinh và nguy cơ lây lan ra diện rộng. Cùng với đó, thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa khiến dịch bệnh trên đàn vật nuôi dễ phát sinh và lây lan. Vì thế, thực hiện tốt việc tiêm phòng sẽ giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, hạn chế tối đa dịch bệnh xảy ra.

Với sự tận tụy, yêu nghề, có trách nhiệm với công việc, những cán bộ thú y cơ sở đã và đang góp phần phòng chống dịch bệnh, giúp người dân bảo vệ đàn vật nuôi, cũng là bảo vệ tài sản của họ.

Kim Thoa

Nguồn: Báo Lào Cai

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *