(Người Chăn Nuôi) – Bệnh thiếu máu truyền nhiễm ở gà do virus Chicken Anemia Virus (CAV) gây ra. Đây là một bệnh khá nghiêm trọng ảnh hưởng đến sự suy giảm miễn dịch ở gà.
Nguyên nhân
Virus CAV gây bệnh có hình cầu đơn, nhỏ, đường kính 19 – 24 nm, là một virus không có vỏ. Virus có sức đề kháng khá cao với môi trường và các chất sát trùng thông thường như: Sống được ở môi trường pH = 3 và trong dung dịch Clorofom; Chịu được nhiệt độ 70ºC trong một giờ và 80ºC trong 5 phút; Sống được trong dung môi lipit ở nhiệt độ 37ºC trong 2 giờ. Chất khử trùng 5% (hợp chất amoni bậc 4, xà phòng và orthodichlorobenzene) cũng không thể tiêu diệt được virus.
Đặc điểm dịch tễ
Đối tượng cảm nhiễm: Tất cả các giống gà đều là vật chủ tự nhiên của virus; gà ở mọi lứa tuổi đều có khả năng nhiễm bệnh. Ở chim, các nhà khoa học mới tìm thấy CAV ở chim cút.
Bệnh có thể lây truyền theo hai phương thức:
Lây truyền dọc: Phương thức lây truyền cổ điển là lây từ gà mẹ qua trứng và làm cho gà con phát bệnh lúc 10 – 14 ngày tuổi
Lây truyền ngang: Bệnh truyền ngang qua đường tiêu hóa và hô hấp bởi các chất hữu cơ, chất thải (phân hay chất chứa) trong chuồng hay các dụng cụ chăn nuôi bị nhiễm mầm bệnh.
Cơ chế gây bệnh: Virus tấn công vào các tế bào Lympho-T gây giảm miễn dịch, nặng hơn là làm tổn thương bộ máy miễn dịch dẫn tới gà rất dễ nhiễm các bệnh kế phát khác.
Virus được phân lập ở nhiều bộ phận khác nhau của gà tuy nhiên theo các nhà khoa học tại Australia; tủy xương là nơi virus tồn tại nhiều nhất sau đó tới tuyến ức và các tế bào Bursa.
Virus được bài thải ra môi trường sau khi gà nhiễm bệnh 3 – 6 tuần.
Triệu chứng
Gà bệnh có dấu hiệu ủ rũ hay nằm tụm đống dưới nguồn nhiệt, ít vận động, xù lông, giảm hoặc bỏ ăn.
Mào, tích nhợt nhạt, da vàng xanh do thiếu máu.
Tụ máu dưới da cánh nên bệnh có tên là bệnh cánh xanh hoặc chảy máu từ lỗ chân lông ống của đuôi và cánh.
Gà bị tiêu chảy mạnh, phân xanh vàng hoặc vàng trắng.
Lông của phần lưng bị rụng, thấy rõ nhiều đám da bị viêm tạo vảy màu nâu đen. Bệnh kéo dài khoảng 10 – 20 ngày và gà chết do mất máu suy kiệt hoặc do bệnh kế phát. Tỷ lệ chết khoảng 20 – 40% chủ yếu do thiếu máu nguyên phát đồng thời bội nhiễm hoặc do chảy máu gây hấp dẫn những gà khỏe đến mổ, cắn.
Bệnh tích
Gà chết xác gầy, có tụ huyết tím bầm dưới da khuỷu cánh, xuất huyết chân lông ống của cánh, đuôi.
Khi lột da thấy xuất huyết dưới da cánh, xuất huyết cơ đùi, cơ ngực.
Xuất huyết dạ dày tuyến, gan, thận… các cơ quan nội tạng có màu sắc nhợt nhạt.
Túi Fabricius và tuyến ức teo lại, đồng thời xuất hiện các đám màu xám ở những thùy nhỏ.
Tủy xương có màu vàng nhợt nhạt do giảm dần các tế bào tạo máu và các mô tạo máu bị thay thế bởi các mô mỡ.
Máu loãng, chậm đông.
Chẩn đoán
Bệnh dễ dàng được nhận biết qua các triệu chứng lâm sàng, bệnh tích và đặc điểm dịch tễ.
Nếu không phát hiện được, cần thực hiện chẩn đoán phòng thí nghiệm, dùng các phương pháp như: PCR, ELISA, trung hòa virus hoặc phân lập virus.
Phòng bệnh
Đảm bảo an toàn sinh học trong chăn nuôi, thực hiện quy trình chăn nuôi cùng vào – cùng ra (All-in, All-out), vệ sinh chuồng trại sạch sẽ.
Sử dụng vaccine phòng bệnh CAV. Tiêm chủng vaccine cho giai đoạn 1 – 3 ngày tuổi và lúc 16 – 20 tuần tuổi trước khi đẻ trứng. Định kỳ dùng kháng sinh phòng bệnh để hạn chế bệnh kế phát gây suy giảm miễn dịch như: Gumboro, cầu trùng, viêm gan virus… và hạn chế mầm bệnh phát triển.
Tuyệt đối không lấy trứng gà bệnh để ấp, nhân giống.
Điều trị
Bệnh chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu.
Khi gà bị bệnh, cần tăng cường sức đề kháng và khả năng sản xuất máu cho gà bằng cách bổ sung các chất điện giải, vitamin và khoáng, đồng thời kết hợp việc giải độc.
Kiểm soát các bệnh kế phát bằng cách sử dụng các loại kháng sinh phổ rộng như Ampicoli, Amoxicilline, Florfenicol, Doxycycline, Neomycine, Lincomycin…