Nuôi heo rừng thu lãi hàng trăm triệu đồng

Hộ gia đình bà Trần Thị Hạnh (SN 1967, ở khu phố Hưng Nhơn, thị trấn An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định) nhiều năm qua đã phát triển thành công mô hình nuôi heo rừng, cho nguồn thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng.

Bà Hạnh cho biết, trên mảnh đất vườn rộng gần 5.000 m² của gia đình, trước đây, gia đình bà chủ yếu trồng keo, khoai mì, nhưng hiệu quả không cao. Năm 2021, sau khi tìm hiểu thông tin qua sách, báo, bà nhận thấy mô hình nuôi heo rừng không chỉ đơn giản, mà giá cả không bị biến động nhiều, hiệu quả kinh tế cao. Bà vay vốn 100 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ cận nghèo của Ngân hàng CSXH huyện An Lão, đầu tư xây dựng chuồng trại, mua 5 con heo rừng giống, từng bước xây dựng kế hoạch thoát nghèo.

Ngay từ lứa nuôi đầu tiên và dựa theo đặc tính của heo rừng, bà quyết định nuôi theo hình thức bán chăn thả, với nguồn thức ăn hoàn toàn từ rau, chuối, mì, khoai, cám gạo, không sử dụng thức ăn công nghiệp trong quá trình nuôi. Cùng với đó, bà còn dành nhiều thời gian tìm hiểu thêm thông tin, kỹ thuật nuôi heo; tham gia các lớp tập huấn do thị trấn, huyện tổ chức, để áp dụng vào chăn nuôi, nên đàn heo sinh trưởng rất tốt.

nuôi heo rừng

Mô hình nuôi heo rừng mang về thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng cho gia đình bà Trần Thị Hạnh.  Ảnh: T.C

Cũng theo bà Hạnh, heo rừng là loài rất ít bệnh, nên bên cạnh khâu chọn giống thì việc xây dựng chuồng trại khá quan trọng. Đồng thời, cần tiêm một số loại vắc xin phòng bệnh cho heo; thường xuyên vệ sinh, khử trùng chuồng trại theo định kỳ…

Chỉ sau gần 2 năm nuôi, đàn heo rừng của gia đình bà Hạnh đã phát triển từ 5 con lên đến 100 con lớn, nhỏ. Trung bình mỗi con heo rừng nái đẻ 2 lứa/năm, mỗi lứa cho ra 6 – 8 heo con. Từ đó, mỗi năm bà xuất bán ra thị trường khoảng 50 con heo rừng giống với giá từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/con; bán 35 con heo rừng thịt (mỗi con có trọng lượng từ 50 – 60 kg) với giá 150 nghìn đồng/kg, sau khi trừ chi phí bà thu lãi trên 250 triệu đồng.

Để phát triển kinh tế hiệu quả và bền vững, mới đây bà còn vay thêm 100 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện để mở rộng chuồng nuôi heo rừng, nuôi gối đầu 1.000 con gà lai, 3 con bò lai sinh sản, trồng 3 ha rừng keo lai… nâng cao nguồn thu nhập của gia đình.

Không chỉ là tấm gương điển hình trong phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo hiệu quả, bà Hạnh còn tham gia nhiệt tình các hoạt động của tổ chức Hội LHPN, vận động người dân tích cực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, chia sẻ kỹ thuật chăn nuôi, cách làm kinh tế hiệu quả, giúp nhau cùng vươn lên, ổn định cuộc sống.

TRIỀU CHÂU

Nguồn: Báo Bình Định

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *