8 điểm nhấn ngành gia cầm toàn cầu 2024

(Người Chăn Nuôi) – Bức tranh toàn cảnh ngành gia cầm thế giới năm 2024 đa sắc, từ sự tăng trưởng sản xuất, biến động thị trường, đến những tiến bộ công nghệ và các thách thức liên quan đến đại dịch cúm.

  1. PHÁP TUYÊN BỐ KHÔNG CÒN DỊCH CÚM GIA CẦM

điểm nhấn gia cầm 2024

Sau hơn một tháng không có đợt bùng phát mới, ngày 18/12/2024, Pháp tuyên bố đã loại bỏ được cúm gia cầm độc lực cao. Tình trạng này khuyến khích một số quốc gia nhập khẩu dỡ bỏ các hạn chế thương mại được áp đặt trong suốt các đợt bùng phát. Kể từ đầu tháng 8/2024, Pháp đã ghi nhận 12 đợt bùng phát cúm gia cầm ở các trang trại. Tuần đầu tháng 12, nhà chức trách đã dỡ bỏ các biện pháp giám sát tại những địa điểm phát hiện các ca nhiễm mới nhất. Tuy nhiên, Pháp vẫn đang duy trì báo động cao đối với loại virus vốn đang lây lan nhanh chóng ở châu Âu. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Pháp cho rằng, thành công này nhờ vào chiến lược tiêm phòng được triển khai từ tháng 10/2023 và sẽ tiếp tục thực hiện cho đến năm 2025.

  1. GIÁ TRỨNG TOÀN CẦU TĂNG VỌT

điểm nhấn gia cầm 2024

Kể từ khi dịch cúm gia cầm bùng phát ở Bắc Mỹ và châu Âu, giá trứng toàn cầu đã tăng 60% so với năm 2019, gây ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung ở nhiều khu vực. Tại Mỹ, 33 triệu con gà đẻ đã bị tiêu hủy trong khoảng thời gian từ tháng 11/2023 – 7/2024, bổ sung vào 40 triệu con đã bị tiêu hủy trong năm 2022. Các đợt bùng phát cúm gia cầm gây sụt giảm nguồn cung gà đẻ trứng ở Mỹ, dẫn đến giá trứng bán buôn đạt mức cao kỷ lục. Giá trứng lên tới 5,57 USD mỗi chục ở khu vực Trung Tây và 8,85 USD ở California, ảnh hưởng đến người tiêu dùng đang chật vật vì lạm phát. Vào tháng 7/2024, McDonald’s, gã khổng lồ chuỗi thức ăn nhanh toàn cầu, đã tạm thời cắt giảm giờ phục vụ bữa sáng tại một số cửa hàng ở Australia để ứng phó với tình trạng thiếu nguồn cung trứng.

  1. ĐỘT PHÁ CÔNG NGHỆ XÁC ĐỊNH GIỚI TÍNH GÀ

điểm nhấn gia cầm 2024

Tháng 8/2024, Công ty Agri Advanced Technologies (AAT) đã tung ra thị trường máy phát hiện giới tính gà có tên gọi Cheggy. Máy sử dụng công nghệ chụp ảnh siêu phổ để xác định màu sắc lông của phôi đang phát triển, với khả năng xử lý 25.000 quả trứng/giờ với độ chính xác cao. Sự ra mắt của Cheggy tại hai trại giống gà ở Mỹ đánh dấu một bước tiến lớn trong công nghệ xác định giới tính gà non không xâm lấn. Đây không chỉ là một sáng kiến kỹ thuật mà còn là một phương pháp mang tính cách mạng, phù hợp với nhu cầu ngày càng tăng về phúc lợi động vật và các phương thức chăn nuôi bền vững trong ngành gia cầm. Công nghệ này đã được áp dụng tại các trại ấp trứng gà lông màu ở Iowa và Texas và dự kiến sẽ được áp dụng đối với gà lông trắng trong vòng 5 năm tới.

  1. TIÊU THỤ THỊT GIA CẦM ĐẠT KỶ LỤC

điểm nhấn gia cầm 2024

Sản lượng thịt gia cầm dự kiến vượt 141,3 triệu tấn trong năm 2024, với mức tăng trưởng 11% trong thập kỷ tiếp theo, đạt gần 160 triệu tấn. Sau vài năm tăng trưởng chậm, tiêu thụ thịt gia cầm toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ 2,5% – 3% trong năm 2024, đánh dấu sự trở lại với mức tiêu thụ lịch sử. Điểm nhấn là Brazil với sản lượng ấn tượng 15,1 triệu tấn, tăng 1,8 so với năm 2023. Thị trường gia cầm toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng từ 360,5 tỷ USD vào năm 2023 lên 385,37 tỷ USD vào năm 2024, đạt tỷ lệ tăng trưởng kép (CAGR) 6,9%. Những diễn biến này nhấn mạnh tính năng động của ngành gia cầm trong năm 2024, đặc trưng bởi sự tăng trưởng mạnh mẽ, tiến bộ công nghệ bất chấp những thách thức dai dẳng liên quan đến quản lý dịch bệnh và biến động thị trường.

  1. LAI TẠO GÀ KHÁNG CÚM GIA CẦM TẠI SCOTLAND

điểm nhấn gia cầm 2024

Viện Roslin, Đại học Edinburgh đã nghiên cứu những con gà sống sót sau đợt bùng phát cúm gia cầm nguy hiểm và phát hiện manh mối di truyền DNA có thể bảo vệ gà trước dịch bệnh. Qua phân tích DNA mẫu máu của những con gà sống sót sau đợt bùng phát virus và so sánh với DNA của những con chưa nhiễm, được cho là dễ mắc bệnh, Viện Roslin đã tìm ra các khác biệt liên quan đến gen kháng bệnh. Những con gà được nghiên cứu đã sống sót qua một đợt bùng phát cúm gia cầm đặc biệt nguy hiểm với tỷ lệ chết 99%. Nghiên cứu này cung cấp kiến thức đầu tiên về cách phản ứng của cơ thể vật chủ có thể giúp gia cầm chống lại nhiễm trùng và mở đường cho các nhà khoa học phát triển chiến lược bảo vệ gia cầm trong các năm tiếp theo.

  1. BÃO HELENE TÀN PHÁ NGÀNH GIA CẦM MỸ

điểm nhấn gia cầm 2024

Cơn bão Helene đổ bộ vào các bang Florida, North Carolina, South Carolina đã phá hủy nhiều trang trại gia cầm và nhà máy chế biến. Georgia và North Carolina là hai bang sản xuất gà lớn nhất nước Mỹ. Tại đây, nhiều gia cầm đã chết trong bão do hư hại công trình vì gió lớn, ngập lụt và số lượng gia cầm chết tiếp tục tăng trong tuần sau đó do mất điện ảnh hưởng đến cung cấp thức ăn và nước trong chuồng, cũng như việc vận chuyển thức ăn bị gián đoạn do đường sá hư hỏng. Theo thống kê chính thức, bão Helene đã khiến ngành nông nghiệp của bang Georgia tổn thất 2,5 tỷ USD với 107 cơ sở chăn nuôi gia cầm bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.

  1. TRUNG Á THOÁT PHỤ THUỘC VÀO NHẬP KHẨU GIA CẦM GIỐNG TỪ CHÂU ÂU

điểm nhấn gia cầm 2024

Công ty Ấn Độ Avee Broilers công bố kế hoạch xây dựng cơ sở nghiên cứu di truyền gia cầm trị giá 43 triệu USD tại Uzbekistan, hứa hẹn sẽ thay đổi đáng kể dòng chảy thương mại trong khu vực Trung Á, giúp Uzbekistan từ một quốc gia nhập khẩu thịt gà thành nước xuất khẩu gia cầm. Ngoài ra, dự án này sẽ giúp khu vực Trung Á, gồm Uzbekistan, Kazakhstan, Tajikistan, Turkmenistan và Kyrgyzstan, giảm phụ thuộc vào gia cầm nhập khẩu từ châu Âu. Theo đó, Avee Broilers sẽ xây dựng cơ sở sản xuất 4 triệu con giống bố mẹ mỗi năm tại Uzbekistan, đáp ứng hơn 80% nhu cầu giống địa phương. Giai đoạn 2024 – 2025, Avee Broilers thiết lập mô hình nuôi giống thuần chủng tại Uzbekistan và ra mắt trại ấp trứng kết hợp sản xuất gà con vào năm 2025.

  1. TRUNG QUỐC DỠ BỎ THUẾ CHỐNG BÁN PHÁ GIÁ VỚI GIA CẦM BRAZIL

điểm nhấn gia cầm 2024

Trung Quốc đã bãi bỏ quy trình chống bán phá giá đối với gia cầm Brazil, giúp giảm thuế nhập khẩu xuống 34,2%. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng cấp phép cho 12 nhà máy chế biến thịt gà mới của Brazil. Đây là kết quả sau cuộc đàm phán giữa chính phủ và các doanh nghiệp hai bên, nhân dịp kỷ niệm 50 năm quan hệ thương mại. Brazil là nhà cung thịt gà tươi lớn nhất cho thị trường Trung Quốc. Với việc dỡ bỏ thuế chống bán phá giá, Hiệp hội Protein Động vật Brazil (ABPA) nhấn mạnh rằng, các nhà xuất khẩu Brazil sẽ duy trì cạnh tranh bình đẳng với các nhà xuất khẩu khác. Trước đây, Brazil có 47 nhà máy chế biến gia cầm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Trung Quốc, hiện nay có 55 nhà máy gia cầm và 4 kho lạnh. 

Minh Thanh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *