“Đời du mục” nuôi vịt chạy đồng ở miền Tây

Người nuôi vịt chạy đồng được ví von như “đời du mục”, nhưng nơi họ đến không phải là những thảo nguyên xanh ngát mà là những cánh đồng lúa vừa thu hoạch…

Vì sao phải “chạy đồng”?

Tờ mờ sáng, đàn vịt trong chuồng “đồng ca”: cạp, cạp, cạp… đánh thức cả xóm nhỏ bên dòng kênh Tứ Thường, xã Thường Lạc, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.

vịt chạy đồng

Hành trang của người nuôi vịt chạy đồng thường là chiếc xuồng nhỏ để chăn thả vịt trên sông, trên đồng lũ.

Anh Trần Văn Tèo và Phan Văn Lượm choàng vội tấm ni-lông qua vai để chống cái lạnh những ngày cuối đông ở miền biên giới Tây Nam. Dẫu chân tay run lẩy bẩy, nhưng nhìn những quả trứng trắng tròn khắp nơi trong chuồng vịt, hai người đàn ông thấy ấm trong lòng.

Sau khi trứng vịt được chất vào từng chiếc khay nhựa hình chữ nhật, anh Tèo châm điếu thuốc rít một hơi dài. “Bữa nay vịt đẻ ít hơn hôm qua. 5.000 con vịt mà chỉ hơn ba thiên (3.000) trứng. Mỗi ngày tỷ lệ đẻ trứng của đàn vịt sụt giảm cũng là đến lúc phải chuyển đồng vì mồi trong tự nhiên của chúng đã cạn kiệt”, anh Tèo giải thích.

Chuyện “chạy đồng” mới đã được ông chủ vịt 42 tuổi này tính toán trước. Cho nên, khi anh vừa nhặt trứng vịt xong thì xe tải của thương lái thu mua trứng đã chờ sẵn, đếm hàng.

Một lúc sau, chiếc xe tải chở đàn vịt “chạy đồng” cũng tới. Trong lúc anh Tèo bán trứng vịt, lấy tiền thì anh Lượm và tài xế xe tải chở vịt đã giăng lưới tạo đường đi kết nối từ chuồng vịt đến cầu thang dẫn lên thùng xe cho đàn vịt di chuyển.

Thùng xe tải hai tấn rưỡi được chia thành nhiều ngăn, mỗi ngăn chứa từ vài trăm đến cả nghìn con vịt trưởng thành. Anh Tèo lên xe, dẫn đường cho tài xế đưa đàn vịt đi, trước khi nắng trở nên gay gắt.

Anh Lượm làm nhiệm vụ thu dọn, cuốn đám lưới tại chuồng vịt cũ, rồi chất lên xe máy chạy đến cánh đồng lúa vừa thu hoạch ở cống Bà Tròn, cách nơi đây gần 10 km.

Đón giao thừa giữa đồng

Anh Tèo nói rằng, nghề nuôi vịt đẻ chạy đồng được nhiều người ví von như “đời du mục”. Mỗi cánh đồng chỉ ở độ 10 ngày, nửa tháng là phải di chuyển đến cánh đồng mới, tùy theo lượng thức ăn ngoài tự nhiên cho đàn vịt.

vịt chạy đồng

Đàn vịt hơn 5.000 con của anh Tèo đẻ từ hơn 3.000 trứng/đêm.

Anh kể, do chữ nghĩa ít, hồi còn thanh niên chỉ sống bằng nghề chăn vịt mướn trên đồng nên sau này cũng theo đuôi đàn vịt. “Nửa tháng nữa là tới Tết rồi mà anh em tôi còn ở tận đồng xa biên giới. Nhiều khi phải đón Giao thừa giữa đồng không hiu quạnh ở xứ lạ quê người”, anh Tèo thổ lộ.

42 tuổi nhưng anh Tèo đã có hơn 20 năm làm nghề chăn vịt. Quê nhà ở xã Tân Phú Trung, TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp nhưng anh thường xuyên đưa đàn vịt đi khắp các cánh đồng lúa trong tỉnh.

“Mình cứ đi miết trên đồng, bỏ vợ con ở quê nhà, có khi cả tháng mới về được vài ba bữa. Tôi với Lượm thay phiên nhau, người này về thăm nhà, rồi đến lượt người khác vì hai anh em ở cùng xóm.

Trước đây, vợ tôi cũng ôm con theo chồng để sớm tối có nhau, còn lo cơm nước nữa. Nhưng thấy cảnh sống nay đây, mai đó, thiếu thốn quá nên tôi bảo vợ về nhà, cực khổ để phần tôi gánh chịu”, anh Tèo bộc bạch.

Trước đây, khi nghề nuôi vịt chạy đồng chưa quá phổ biến thì hầu hết những cánh đồng lúa đã thu hoạch xong, chủ vịt có thể chăn thả đàn vịt vào tìm kiếm thức ăn.

Thế nhưng, khoảng những năm 2010, nghề này phát triển mạnh nên chủ vịt ngày càng phải đưa đàn vịt đi xa hơn. Từ đó, có thể xảy ra tranh chấp với những chủ vịt người địa phương.

“Luật “rừng nào, cọp nấy” vốn đã tồn tại trong nghề nuôi vịt chạy đồng này từ lâu. Nhưng có một chuyện đáng buồn là nhiều người nuôi vịt ở địa phương lại thích ức hiếp người từ nơi khác tới. Đã là anh em làm cùng nghề, cực khổ như nhau, phải chia sẻ, giúp đỡ nhau mới đúng”, anh Tèo kể.

Ông Tư Tược, người có thâm niên nuôi vịt chạy đồng hơn 30 năm qua ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, những năm 2012 – 2015 liên tục xảy ra những cuộc tranh chấp đồng chăn thả vịt. Đỉnh điểm là vụ tranh đồng dẫn đến chết người xảy ra giữa tháng 7/2015 làm rúng động giới nuôi vịt đẻ.

“Dùng cái tình đối đãi nhau”

Hơn 30 năm trong nghề nuôi vịt chạy đồng khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, ông Tư Tược rút ra bài học lớn cho mình. Đi đến vùng đất mới, điều đầu tiên là phải trình báo chính quyền địa phương về thời gian, địa điểm lưu trú. Kế đến, ông lân la làm quen bà con trong xóm để tìm chỗ dựa.

vịt chạy đồng

Chỉ cần thấy những khay trứng đầy thế này là người nuôi vịt quên hết nỗi nhọc nhằn.

“Điều quan trọng là mình dùng cái tình đối đãi với nhau. Mình nhờ cậy người ta có khi xa nhà, lỡ bước mà cư xử lại thịnh tình thì đâu ai làm khó dễ. Tôi đưa đàn vịt tới đâu là tôi cho cả xóm ăn trứng vịt… mệt nghỉ.

Đêm đêm tôi còn mua đậu xanh, đem trứng vịt vô trong xóm nhờ bà con nấu chè rồi cùng nhau ăn, trò chuyện, gắn kết nghĩa tình”, ông Tư Tược nói.

Là người nóng tính, nhưng hơn 20 năm trong nghề chăn nuôi vịt chạy đồng cùng với những va chạm trong thực tế đã giúp cho anh Tèo thay đổi tính khí, trở nên từ tốn hơn trong lời ăn tiếng nói.

“Quanh năm gần như mình sống với người dưng, người lạ vì cảnh “du mục” đồng xa nên nhận ra rằng, dù người ở đâu cũng là anh em, bốn bể đều là nhà. Mình tin là dùng trái tim để đối đãi với nhau chân thành sẽ nhận lại được chân thành, sẻ chia, giúp đỡ nhau khi tối lửa tắt đèn. Có như vậy thì người làm cái nghề này cũng đỡ phần nào tủi phận xa quê”, anh Tèo.

Kể về vụ tranh chấp dẫn đến chết người hồi tháng 7/2015, ông Tư Tược cho hay: “Chuyện là, anh Phạm Văn Hậu đưa đàn vịt đến khu đất ruộng vừa thu hoạch ở xã Bình Phú, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Một lúc sau, Nguyễn Văn Kiệt cũng đưa đàn vịt đến chăn thả.

Hậu yêu cầu Kiệt lùa vịt đi nơi khác vì ruộng này đã được mình mua. Trong khi Kiệt cũng quả quyết đã mua đồng này thông qua “cò”. Không ai chịu nhường ai, cả hai lao vào ẩu đả dẫn đến một người tử vong”.

Quốc Dũng

Nguồn: Báo Giao Thông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *