(Người Chăn Nuôi) – Năm 2024, ngành nông nghiệp với quyết tâm cao, nỗ lực lớn đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp, vượt qua những khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất thường” của thực tiễn sản xuất, kinh doanh để đạt các mục tiêu phát triển.
Kết quả nổi bật
Năm 2024, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt mức tăng trưởng ước đạt 3,3%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản (NLTS) đạt mức cao kỷ lục 62,5 tỷ USD, tăng 18,7% so với năm ngoái; xuất siêu tiếp tục đạt mức kỷ lục mới 17,9 tỷ USD, tăng 46,8%. Trong đó, xuất khẩu nông sản chính 32,8 tỷ USD, tăng 22,4%; chăn nuôi 533,6 triệu USD, tăng 6,5%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, cơ cấu kinh tế ngành, cơ cấu sản xuất nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch, điều chỉnh phù hợp, tích hợp đa giá trị, hiệu quả hơn gắn với thị trường, tăng tỷ trọng các tiểu ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh và giá trị cao.
Trong đó, sản lượng lúa cả năm không chỉ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước mà còn dùng để chế biến, làm thức ăn chăn nuôi. Đáng chú ý, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 8,1 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2023; trong đó thịt lợn hơi 5 triệu tấn, tăng 3,7%; thịt gia cầm hơi 2,4 triệu tấn, tăng 3,8%; Sản lượng sữa tươi 1,2 triệu tấn, tăng 2,1%; trứng 19,7 tỷ quả, tăng 2,8%. Sản lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp quy đổi 21,5 triệu tấn, tăng 3,4%.
Mặc dù thời tiết bất lợi (nắng nóng, hạn mặn… do El Nino và thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3, ước tính khoảng 83.746 tỷ đồng), tuy nhiên, Bộ NN&PTNT đã quyết liệt, chủ động chỉ đạo đồng bộ các giải pháp từ sớm, từ xa. Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT cũng đã kịp thời phối hợp với các bộ, ngành và địa phương có liên quan tham mưu, đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai đồng bộ các nhóm chính sách, giải pháp hỗ trợ, khắc phục hậu quả cơn bão số 3 để nhanh chóng ổn định đời sống người dân, khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Sản lượng thịt lợn hơi năm 2024 đạt 5 triệu tấn, tăng 3,7% so với năm ngoái. Ảnh: Thùy Khánh
Cũng theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, năm vừa qua, ngành nông nghiệp đã tạo ra sự chuyển biến tích cực, thống nhất từ trung ương đến địa phương về chuyển đổi tư duy sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng, chất lượng hàng nông sản. Từng bước thay đổi từ cách tiếp cận nông nghiệp nâu sang nông nghiệp xanh, tăng cường áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp bền vững như phát triển chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học.
Hiện cả nước có 17 tỉnh, thành phố có mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ với quy mô nuôi trên 75.000 con; sản lượng thịt hơi gần 7.000 tấn. Điển hình như mô hình chăn nuôi lợn theo chuỗi liên kết tại Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Thái nguyên; mô hình trang trại sinh thái khép kín ứng dụng công nghệ cao Phước An ở huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.
Cùng với đó, việc phê duyệt, triển khai các Đề án thúc đẩy xuất khẩu NLTS sang các thị trường lớn (Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, EU) từ năm 2023, kết hợp triển khai các giải pháp mở cửa thị trường mới còn nhiều tiềm năng và đàm phán, ký kết các đơn hàng mới trong năm 2024 đã có hiệu quả. Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS và thặng dư thương mại toàn ngành lập kỷ lục mới, lần lượt đạt 62,5 tỷ USD tăng 18,7% và 18,6 tỷ USD, tăng 53,1%.
Năm 2025: Tăng tốc, bứt phá về đích với 6 nhiệm vụ
2025 là năm cuối, tăng tốc, bứt phá về đích thực hiện Kế hoạch phát triển ngành 5 năm 2021 – 2025 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Do vậy, toàn ngành NN&PTNT sẽ tiếp tục tập trung thực hiện việc chuyển đổi mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, xanh, tuần hoàn gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại, phát triển kinh tế nông thôn và nông dân văn minh. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh và biến động thị trường, thiên tai… để gia tăng xuất khẩu, tận dụng tốt cơ hội từ các Hiệp định EVFTA, CPTPP cho hàng nông sản Việt Nam, với một số chỉ tiêu chủ yếu như tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành 3,3 – 3,4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS 64 – 65 tỷ USD.
Nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế tại thị trường trong nước và quốc tế. Ảnh: Thùy Khánh
Để đạt được những mục tiêu đề ra, ngành nông nghiệp sẽ tổ chức triển khai các nhiệm vụ và các giải pháp chính, trong đó, tập trung vào 6 nhiệm vụ chính.
Một là, kiến tạo không gian phát triển và các động lực tăng trưởng mới của ngành. Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng ở mức cao nhất.
Hai là, phát triển mạnh thị trường tiêu thụ NLTS cả trong nước và xuất khẩu. Xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo chuỗi cung ứng thị trường trong nước.
Ba là, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu.
Bốn là, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ sạch vào sản xuất; phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chủ động hội nhập quốc tế để mở cửa thị trường.
Năm là, phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, đảm bảo chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn.
Sáu là, phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và quản lý hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo vệ và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thủy lợi và phòng chống thiên tai.
Thùy Khánh