Trước ảnh hưởng của dịch bệnh, giá thức ăn tăng, đầu ra sản phẩm bấp bênh, không ổn định, ô nhiễm môi trường… các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã chủ động hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất trong chăn nuôi theo hướng trang trại, hộ chăn nuôi hiện đại, áp dụng khoa học – kỹ thuật, di chuyển ra các cụm, khu trang trại tập trung…
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã quan tâm nâng cao chất lượng mạng lưới thú y cơ sở; cùng các địa phương tích cực vận động người dân đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải, chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu cũng như đối phó với dịch bệnh… Bên cạnh đó, mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô chăn nuôi với máy móc hiện đại, áp dụng khoa học – kỹ thuật. Cùng với đó, các địa phương cũng tăng cường quản lý chất lượng con giống, kiểm soát vận chuyển, giết mổ; vận động người chăn nuôi tận dụng triệt để phụ phẩm nông nghiệp để giảm chi phí sản xuất… Trước nhu cầu của thị trường tiêu dùng hướng tới sử dụng các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, các địa phương cũng đã khuyến khích các hộ thực hiện quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ để tạo ra các sản phẩm chất lượng. Nhờ vậy, đã góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân trong phát triển chăn nuôi.
Hộ chăn nuôi gà ứng dụng đệm lót sinh học tại xã Yên Tâm (Yên Định).
Tại huyện Yên Định, tuy là địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về chăn nuôi, nhưng những năm trước đây đa số phát triển chăn nuôi hộ nhỏ lẻ, chăn nuôi theo phương thức truyền thống nên hiệu quả kinh tế không cao, gây ô nhiễm môi trường. Xác định chăn nuôi có thể trở thành một trong những ngành sản xuất chính mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, huyện Yên Định đã xác định rõ tiềm năng, lợi thế của từng vùng để định hướng đối tượng nuôi cụ thể, phù hợp để người dân yên tâm đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng các trang trại với máy móc hiện đại. Đồng thời, hỗ trợ người dân áp dụng khoa học – kỹ thuật tiên tiến về giống, quy trình chăn nuôi VietGAP, an toàn sinh học; phòng, chống dịch bệnh; áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, xây dựng hầm biogas, sử dụng chế phẩm sinh học… Đến nay, 100% trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện đã áp dụng các biện pháp an toàn sinh học. Đây có thể xem là bước chuyển biến lớn về thay đổi phương thức sản xuất của người chăn nuôi trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện cũng đã hình thành các khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn tại các xã Định Hòa, Định Bình, Yên Phú, Quý Lộc…
Anh Phan Văn Giang, người chăn nuôi xã Yên Tâm, cho biết: “Trước tình hình dịch bệnh trên đàn gia cầm được địa phương khuyến cáo, tôi đã nghiên cứu, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học. Tuy phải đầu tư chuồng trại, vitamin, chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật riêng nhưng con nuôi có sức đề kháng bệnh tốt hơn, giảm tỷ lệ mắc các bệnh đường tiêu hóa, nâng cao tỷ lệ nuôi sống đạt 95%; chi phí thức ăn, kháng sinh giảm, mẫu mã và chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế được nâng cao… Bên cạnh đó, mùi hôi thối do nước thải từ chăn nuôi cũng được giảm đáng kể; giúp khử mùi triệt để”.
Tại nhiều địa phương, việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi không chỉ được thực hiện ở những trang trại quy mô vừa và lớn mà đối với hộ nhỏ lẻ cũng có sự thay đổi rõ rệt. Các hộ chăn nuôi đã bắt đầu chú ý đến các phương pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chất lượng con giống và thức ăn trước khi đưa vào chăn nuôi… Anh Lương Văn Thanh, xã Cát Vân (Như Xuân), cho biết: “Sau khi được cán bộ nông nghiệp xã hướng dẫn về chăn nuôi an toàn dịch bệnh, khuyến cáo không nên thả rông trâu, bò, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ… tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để nhốt trâu, bò; thường xuyên phun khử khuẩn, phát quang bụi rậm quanh khu nuôi… Nhất là trong những ngày giao mùa hay vào mùa đông, tôi đã hình thành thói quen dự trữ thức ăn cho trâu, bò; thêm vào khẩu phần ăn vitamin để tăng sức đề kháng cho vật nuôi…”.
Sau khi trên địa bàn tỉnh xuất hiện các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm như cúm gia cầm H5N1, dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò,… người chăn nuôi đã có ý thức hơn trong việc chuyển đổi phương thức chăn nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, chăn nuôi an toàn sinh học… mang lại hiệu quả kinh tế tăng từ 15 đến 20% so với chăn nuôi truyền thống. Tuy nhiên, để tạo động lực cho người chăn nuôi, các địa phương cần tích cực tuyên truyền đến các hộ về hiệu quả sau khi chuyển đổi phương thức chăn nuôi; hướng dẫn các hộ chăn nuôi áp dụng các tiến bộ khoa học – kỹ thuật, bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú y, tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, bảo vệ môi trường chăn nuôi… Bên cạnh đó, định hướng cho người dân về con nuôi phù hợp, tăng tỷ trọng chăn nuôi công nghiệp, ưu tiên phát triển các loại gia súc, gia cầm có nhu cầu tiêu thụ cao trên thị trường; chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, nâng cao giá trị dinh dưỡng nguồn phụ phẩm nông nghiệp. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi quy mô lớn, khu trang trại chăn nuôi tập trung, gắn với giết mổ, chế biến tập trung, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bài và ảnh: Lê Ngọc
Nguồn: Báo Thanh Hóa