Ngành chăn nuôi ở huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) phát triển khá mạnh trong thời gian qua, trong đó chăn nuôi lợn chiếm tỉ trọng lớn, đã góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập, giảm nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân, bảo đảm nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường, đóng góp vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp tỉnh.
Xã Vĩnh Chấp có 6 thôn với hơn 1.400 nhân khẩu, thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, Vĩnh Chấp tập trung đẩy mạnh chăn nuôi, trong đó xác định chăn nuôi lợn là một trong những giải pháp giúp người dân phát triển kinh tế. Người dân trong xã nuôi lợn theo hai hình thức công nghiệp và truyền thống.
Một trang trại chăn nuôi lợn của người dân xã Vĩnh Chấp cho thu nhập ổn định. Ảnh: TÚ LINH
Trang trại chăn nuôi lợn của ông Lê Văn Lương ở thôn Lai Bình hoạt động khoảng 5 năm nay theo hình thức trang trại thông minh. Lợn được nuôi theo quy trình khép kín, mùa hè làm mát bằng hệ thống tự động, mùa đông làm ấm bằng quy trình khoa học, bảo đảm lợn được chăm sóc cẩn thận, không bị ốm đau, dịch bệnh.
Quy mô nuôi của trang trại này 500 con lợn thịt mỗi lứa, khi nhiều nhất có đến 1.000 con/lứa. Giá bán lợn thịt hiện tại 64 nghìn đồng/kg, trừ chi phí người chăn nuôi lãi hơn 10 nghìn đồng/kg. Trung bình khoảng 3 tháng trang trại của ông Lương xuất một lứa lợn, lãi 1 triệu đồng/con. Với khoản lãi này đã giúp gia đình ông Lương vươn lên làm giàu .
Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Chấp Lê Đức Quang Huy cho biết, xã có 54 trang trại nuôi lợn quy mô từ hơn 30 con đến 1.000 con, trong đó có 4 trang trại nuôi lợn theo hướng thông minh. Thời gian qua chăn nuôi lợn đã giúp nhiều gia đình nghèo vươn lên làm giàu.
Số hộ nuôi lợn quy mô đàn dưới 30 con rất đông, đã giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định, nhờ vậy chất lượng cuộc sống được cải thiện. Xã thành lập chi hội nghề nghiệp chăn nuôi lợn với nhiều hộ tham gia để hỗ trợ, giúp đỡ, liên kết với nhau phát triển nghề chăn nuôi lợn.
Theo ông Lê Đức Quang Huy, mô hình nuôi lợn lớn nhất xã Vĩnh Chấp là của ông Lê Văn Tình ở thôn Lam Bình. Đây là mô hình tổng hợp chăn nuôi lợn nái và lợn thịt, trong trang trại thường xuyên nuôi 120 con lợn nái đẻ và hơn 1.000 con lợn thịt.
Riêng lợn thịt mỗi năm xuất hơn 5.000 con. Đây là mô hình chăn nuôi khép kín, hiện đại, giải quyết việc làm cho hơn 10 lao động là người địa phương với thu nhập hằng tháng khá cao.
Ông Võ Doãn Thụ ở Khu phố 8, thị trấn Hồ Xá là người nuôi lợn quy mô nhất huyện Vĩnh Linh. Trang trại của ông Thụ theo công nghệ khép kín, hiện đại, lợn được ở trong phòng có lắp máy điều hòa không khí vào mùa hè và sưởi ấm vào mùa đông.
Ông Thụ cho biết đã đầu tư xây dựng 2 trang trại nuôi lợn công nghệ cao, gồm lợn nái và lợn thịt. Trang trại lợn nái có diện tích 1,5 ha, trang trại lợn thịt rộng 3 ha, được áp dụng nghiêm quy chế đặc biệt trong chăn nuôi hiện đại, không ai được phép vào, kể cả ông Thụ, nếu chưa thực hiện đủ quy trình cách ly chống dịch bệnh. Việc làm này nhằm tránh được nguy cơ phát sinh dịch bệnh trên đàn lợn.
Ông Thụ cho biết, đặc thù của chăn nuôi lợn ngoài giống tốt, chuồng trại hiện đại, còn phải luôn tuân thủ tiêm phòng để hạn chế dịch bệnh. Với hơn 200 con lợn nái đẻ, mỗi năm ông cung cấp khoảng 8.000 con lợn giống phục vụ trang trại chăn nuôi của gia đình và các trang trại chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.
Còn trang trại lợn thịt mỗi năm nuôi và xuất bán hơn 1.000 con. Mỗi con giống ban đầu có trọng lượng khoảng 7 kg, sau thời gian nuôi từ 90 đến 100 ngày, lợn đạt trọng lượng hơn 100 kg/con thì xuất bán. Trung bình lợi nhuận thu về từ 2 trang trại lợn của ông Thụ hơn 1 tỉ đồng/năm. Phát triển 2 trang trại lợn khép kín của mình, ông Thụ còn tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động với thu nhập bình quân 6 – 7 triệu đồng/người/tháng.
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Linh Nguyễn Văn Thi cho biết, chăn nuôi lợn được huyện xác định là giải pháp giảm nghèo, đem lại thu nhập khá và giúp nhiều gia đình tìm hướng làm giàu chính đáng, phát triển rất tốt ở các xã Vĩnh Chấp, Vĩnh Thủy, Vĩnh Tú… Giá trị tăng trưởng ngành chăn nuôi huyện Vĩnh Linh liên tục tăng, đóng góp lớn vào ngành nông nghiệp của huyện và tỉnh. Trong đó, chăn nuôi lợn vẫn là lĩnh vực chủ lực, chiếm hơn 70% tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng của các loại vật nuôi được sản xuất trong huyện.
Năm nay chăn nuôi lợn có bước phát triển trong bối cảnh chăn nuôi nông hộ chuyển mạnh sang chăn nuôi bán công nghiệp, liên kết với doanh nghiệp, chăn nuôi trang trại theo chuỗi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh và việc ứng dụng công nghệ tiên tiến ngày càng được đẩy mạnh. Chính những nỗ lực này đã đưa Vĩnh Linh trở thành địa phương có ngành chăn nuôi lợn đứng vị trí cao của tỉnh.
Tuy phát triển mạnh nhưng chăn nuôi lợn ở Vĩnh Linh cũng đang đối mặt với thách thức về dịch bệnh, một số bệnh có diễn biến phức tạp. Vì vậy, để chăn nuôi lợn phát triển bền vững, đáp ứng nguồn cung thực phẩm phục vụ thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, chính quyền và người dân cần cùng nhau giải quyết được những khó khăn về nguồn giống, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm giúp giảm sự phụ thuộc nhập khẩu từ bên ngoài ngoài, tạo sự chủ động và hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi.
Hồng Phúc
Nguồn: Báo Quảng Trị