Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường cho 350/350 hộ dân ở Lâm Đồng có bò sữa bị thiệt hại với số tiền hơn 41 tỷ đồng vào ngày 21/12.
350/350 hộ đồng ý phương án bồi thường
Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, thực hiện kế hoạch tiêm phòng để phòng chống bệnh động vật tỉnh Lâm Đồng năm 2024, các địa phương đã tổ chức tiêm phòng cho đàn gia súc, trong đó vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco (Công ty Navetco) được tiêm trên đàn bò từ ngày 19/6 – 2/8.
Tổng số bò đã tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC trên địa bàn toàn tỉnh là 35.002 con, trong đó tiêm cho bò thịt 25.876 con và bò sữa 9.126 con.
Từ 7 đến 10 ngày sau tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC, trên đàn bò sữa xuất hiện các triệu chứng bỏ ăn, sốt, tiêu chảy và một số con bị chết. Bệnh xuất hiện đầu tiên trên đàn bò tại huyện Đơn Dương từ ngày 26/7 và sau đó là các huyện Đức Trọng, Lâm Hà, Di Linh và TP Bảo Lộc.
Đến hết ngày 26/9, có hơn 7.500 con mắc bệnh của 350 hộ tại 21 xã, phường thuộc các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Di Linh và TP Bảo Lộc. Trong đó có 547 con bị chết và có 584 con bị sảy thai. Bệnh xảy ra đã gây ảnh hưởng đến tình hình phát triển chăn nuôi.
Đã có 350/350 hộ có bò sữa bị thiệt hại đồng ý phương án bồi thường của Công ty Cổ phần Thuốc thú y Trung ương Navetco. Ảnh: PC.
Nguyên nhân gây bệnh tiêu chảy ở đàn bò sữa của tỉnh Lâm Đồng do nhiễm Pestivirus tauri (BVDV type 2) sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC của Công ty Navetco.
Ông Phạm Phi Long, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong thời gian qua, ngành thú y tích cực tổ chức điều trị bệnh trên đàn bò sữa nên tình hình bệnh tiêu chảy đã được kiểm soát.
Bên cạnh đó thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cũng như UBND tỉnh Lâm Đồng thì các bên liên quan đã tích cực xây dựng phương án bồi thường hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi bò bị thiệt hại do tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC.
“Sau khi hoàn thành phương án bồi thường, từ ngày 14/10 – 20/12, Công ty Navetco cùng với UBND các xã tổ chức 21 cuộc họp tại 21 xã, phường có bò bị bệnh, bò chết để tiến hành thương thảo cụ thể với từng hộ dân.
Tổng số hộ chăn nuôi đồng ý thỏa thuận với phương án là 350/350 hộ; tổng kinh phí bồi thường, hỗ trợ hơn 41 tỷ đồng. Công ty Navetco đã hoàn thành chi trả ngày 21/12”, ông Phạm Phi Long thông tin.
Ông Phạm Phi Long cho biết thêm, hiện nay các hộ chăn nuôi bị thiệt hại đang tích cực chăm sóc nuôi dưỡng đàn bò sau mắc bệnh để khôi phục sản xuất sữa. Đối với các hộ chăn nuôi bị thiệt hại nặng, số lượng bò chết nhiều đã có kế hoạch đặt hàng con giống bò sữa với các đơn vị cung ứng giống, Công ty Dalat milk, Vinamilk hoặc các hộ chăn nuôi không bị ảnh hưởng để có thể kịp thời tăng đàn khi nhận đủ tiền bồi thường từ Công ty Navetco.
Tính đến tháng 11, tổng đàn bò sữa toàn tỉnh Lâm Đồng hơn 24.000 con, sản lượng sữa tươi hơn 105.000 tấn. Hiện Lâm Đồng có 5 doanh nghiệp thực hiện thu mua sữa tươi nguyên liệu, với 20 trạm thu mua sữa, sản lượng sữa thu mua khoảng 270-280 tấn/ngày.
Các Công ty thu mua sữa đã tích cực tham gia hỗ trợ cùng với ngành nông nghiệp trong giai đoạn phòng chống bệnh tiêu chảy bò sữa (hỗ trợ nhân lực, thuốc, vật tư điều trị bệnh) giúp nhanh chóng kiểm soát tình tình bệnh.
Việc bò sữa chết do mắc bệnh sau khi tiêm vacxin viêm da nổi cục NAVET-LPVAC đã phần nào ảnh hưởng nguồn sữa cung cấp cho các Công ty. Qua khảo sát của các Công ty thu mua (Vinamilk, Dalatmilk, VPmilk) tại thời điểm tháng 8 – 9/2024, sản lượng sữa giảm khoảng từ 10 – 15%, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại sản lượng sữa cơ bản đã khôi phục lại bình thường.
Xây dựng đề án phát triển bò sữa
Để khôi phục sản lượng sữa, các cơ quan chuyên môn và Công ty thu mua sữa đã tích cực hướng dẫn người dân Lâm Đồng cần tăng cường công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, khai thác hợp lý. Đặc biệt, sử dụng các loại thuốc thú y, sản phẩm sinh học an toàn trong chăn nuôi bò sản xuất sữa để nâng cao sản lượng và chất lượng đối với các bò đang khai thác sữa để sớm khôi phục sản xuất.
Hiện nay, Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng đã xây dựng đề án phát triển chăn nuôi chăn nuôi bò sữa tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2025 – 2030 gửi các sở, ngành, địa phương góp ý và sẽ trình UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt trong tháng 12/2024.
Mục tiêu của đề án là phát triển nhanh đàn bò sữa nhằm từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi. Phát triển chăn nuôi bò sữa theo hướng chọn lọc nâng cao chất lượng giống và sản lượng sữa tươi hàng hóa, nâng cao sức cạnh tranh ngành chăn nuôi bò sữa của tỉnh với các sản phẩm sữa nhập nội; tăng thu nhập cho người chăn nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái.
Trong đó, đến năm 2030 tập trung phát triển chăn nuôi bò sữa tại các vùng trọng điểm (huyện Đơn Dương, Đức Trọng) và mở rộng vùng chăn nuôi bò sữa sang các địa phương có tiềm năng lợi thế (huyện Đạ Huoai, Di Linh). Góp phần nâng cao giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp đạt 16 – 18%.
Bên cạnh đó, duy trì tốc độ tăng đàn bò sữa bình quân đạt 9%/năm; nâng quy mô tổng đàn bò sữa đạt khoảng 40.000 con; sản lượng sữa tươi đạt khoảng 164.000 tấn/năm, chất lượng sữa tươi nguyên liệu đạt tiêu chuẩn an toàn theo quy định. Duy trì các liên kết chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm sữa tươi nguyên liệu, đảm bảo trên 95% sản lượng sữa tươi sản xuất được ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam