Hà Giang: Giữ vững thương hiệu mật ong Bạc hà trên Cao nguyên đá

Cao nguyên đá Đồng Văn không chỉ nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc mà còn được biết đến với nhiều sản phẩm nông sản tiêu biểu, trong đó có mật ong Bạc hà – một thương hiệu độc nhất vô nhị, gắn liền với Chỉ dẫn địa lý (CDĐL). Để giữ vững thương hiệu này, tỉnh Hà Giang đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế và nâng tầm giá trị sản phẩm.

Từ lâu, cây Bạc hà mọc hoang của Cao nguyên đá Đồng Văn đã gắn bó với đời sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Mặc dù mọc ở độ cao từ 1.000 – 1.600m so với mực nước biển, nơi có địa hình phức tạp, thừa đá, thiếu đất, khí hậu khắc nghiệt nhưng cây Bạc hà vẫn kiên cường sinh trưởng và phát triển tốt. Hàng năm, cứ độ tháng 10 – 12 Dương lịch, Cao nguyên đá lại ngập tràn sắc tím của những cánh đồng hoa Bạc hà. Và trên những cánh đồng hoa này, loài ong nội nhỏ bé lại cần mẫn thu mật từ những bông hoa tím, kết tinh thành loại mật ong có hương vị thanh tao, màu vàng óng ánh và giá trị dinh dưỡng vượt trội. Không chỉ là thực phẩm chất lượng, mật ong Bạc hà còn là bài thuốc quý giúp tăng cường sức khỏe và chữa lành nhiều bệnh lý.

Mật ong Bạc hà
Mật ong Bạc hà được trưng bày, giới thiệu tại Hội thảo khoa học do Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức.

Năm 2013, sản phẩm mật ong Bạc hà Hà Giang được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận Chỉ dẫn địa lý (CDĐL) “Mèo Vạc”, trở thành sản phẩm có CDĐL đầu tiên của tỉnh tại thời điểm đó. Đây là cơ sở và nền tảng quan trọng, mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của một sản phẩm đặc sản địa phương. Thực tế, từ khi được cấp chứng nhận CDĐL, sản phẩm mật ong Bạc hà Hà Giang không ngừng được nâng cao về số lượng, chất lượng, giá trị, từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và quốc tế. Hiện nay, 4 huyện vùng Cao nguyên đá có khoảng 44.000 đàn ong; sản lượng mật ong bình quân hàng năm đạt hơn 240 tấn; giá trị sản xuất theo giá hiện hành thu được gần 80 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngành sản xuất mật ong Bạc hà tại các huyện vùng Cao nguyên đá vẫn đang đối diện với không ít khó khăn, hạn chế. Trong đó, việc sản xuất mật ong phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên, dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng sản phẩm chưa đồng bộ và tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện trên thị trường cũng làm giảm uy tín thương hiệu. Ngoài ra, nhận thức của một số người dân về kỹ thuật nuôi ong và bảo vệ nguồn hoa Bạc hà còn hạn chế, dẫn đến năng suất thấp và khó đảm bảo chất lượng đồng đều.

Để giữ vững và nâng tầm giá trị mật ong Bạc hà, tỉnh tập trung tháo gỡ, khắc phục hạn chế, khó khăn và triển khai nhiều giải pháp toàn diện. Trước tiên, xác định việc xây dựng vùng nguyên liệu ổn định là yếu tố tiên quyết, tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn và chính quyền 4 huyện vùng cao tổ chức rà soát quy hoạch vùng phát triển cây Bạc hà. Hàng năm tổ chức tuyên truyền, vận động các hộ ký cam kết không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc diệt cỏ để bảo vệ đàn ong và đảm bảo chất lượng mật hoa Bạc hà. Cùng đó, chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý đàn ong; chú trọng phát triển ong nội, nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân nhập ong ngoại vào địa bàn huyện để bảo tồn giống địa phương.

Song song với đó, tỉnh thường xuyên chỉ đạo 4 huyện vùng cao tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng mật tại các cơ sở chăn nuôi, buôn bán sản phẩm mật ong Bạc hà tránh để hàng kém chất lượng trà trộn làm ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu mật ong Bạc hà của tỉnh. Đồng thời chỉ đạo ngành chuyên môn phối hợp với các huyện hướng dẫn quy trình chăn nuôi và chế biến sản phẩm mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP, HACPP, cấp mới và cấp lại Giấy chứng nhận VietGAP, HACPP cho các cơ sở chăn nuôi ong đủ điều kiện.

Thêm nữa, tỉnh còn đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Tích cực triển khai, phối hợp tổ chức các hội chợ triển lãm cấp vùng; tham gia hội nghị xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu tại Hà Giang và các tỉnh, thành phố… Thông qua hoạt động xúc tiến thương mại đã tạo điều kiện cho các đơn vị quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung và sản phẩm mật ong Bạc hà nói riêng đến đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng trong cả nước.

Có thể nói, mật ong Bạc hà không chỉ là món quà thiên nhiên ban tặng mà còn là biểu tượng cho ý chí và sự sáng tạo của người dân nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc. Những nỗ lực không ngừng của tỉnh trong việc nâng tầm giá trị sản phẩm không chỉ góp phần cải thiện đời sống người dân mà còn lan tỏa hình ảnh đẹp về một Hà Giang đầy bản sắc, luôn sẵn sàng hòa mình vào dòng chảy hội nhập quốc tế. Tin tưởng, với sự quyết tâm, chung tay từ chính quyền, doanh nghiệp và người dân, mật ong Bạc hà Hà Giang sẽ tiếp tục vươn xa, trở thành niềm tự hào của nông sản Việt Nam.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn: Báo Hà Giang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *