Hà Nam: Bình Lục tập trung xử lý ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi

Tình trạng nước thải chăn nuôi xả ra hệ thông kênh mương, chảy ra sông Châu, sông Sắt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng… đã kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn huyện Bình Lục. Để khắc phục tình trạng xả thải bừa bãi từ chăn nuôi, gây ô nhiễm môi trường, huyện  Bình Lục đã yêu cầu các xã, thị trấn rà soát tất cả trang trại, gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; phân loại theo quy mô và yêu cầu các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư xây dựng bể biogas, hệ thống thu gom, lắng lọc xử lý chất thải, nước thải trước khi xả thải ra môi trường.

Theo phản ánh của nhiều người dân, lượng nước thải chưa qua xử lý của các hộ chăn nuôi và một phần nước thải từ chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (thuộc thôn Phú Đa, xã Bối Cầu) đã gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người dân trong khu vực. Tại khu vực kênh S5 chạy dọc xã Bối Cầu, thời điểm này mùi hôi thối của chất thải chăn nuôi bốc lên nồng nặc.

Bà Chu Thị Hải (xã Bối Cầu) bức xúc nói: Dọc kênh S5 dài khoảng hơn 1km lúc nào cũng thấy nước đen ngòm. Vào mùa khô, mưa ít nước thải đọng dưới lòng kênh không khác gì nước trong chuồng nuôi lợn. Nước thải không chỉ bốc mùi hôi thối, tạo môi trường cho ruồi muỗi sinh nở mà còn ngấm vào đất, chảy ra sông, sau đó các nhà máy nước sạch lại bơm lên xử lý làm nước sinh hoạt, rất nguy hại cho sức khỏe người dân. Chúng tôi kiến nghị các ngành chức năng và địa phương cần có giải pháp kiên quyết, xử lý triệt để tình trạng xả thải trong chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường để bảo vệ sức khỏe người dân.

ô nhiễm chăn nuôi

Kênh S5 ở xã Bối Cầu (Bình Lục) bị ô nhiễm trầm trọng do chất thải chăn nuôi.

Trước tình trạng ô nhiễm môi trường từ chăn nuôi gây ra, UBND xã Bối Cầu đã thành lập đoàn kiểm tra tất cả các hộ chăn nuôi, tổ chức ký cam kết không xả thải trực tiếp ra môi trường; xã cũng có biện pháp kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm. Riêng với chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, trung bình mỗi ngày có từ 1.700 – 2.000 con lợn ra vào chợ, tương đương với hàng tấn chất thải được xả ra, địa phương yêu cầu doanh nghiệp thực hiện nghiêm quy định về xả thải ra môi trường. Hiện doanh nghiệp đang cho xây dựng hệ thống thu gom phân lợn, bể lắng lọc xử lý nước thải trước khi xả thải ra môi trường.

Ông Chu Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Bối Cầu cho biết: Qua kiểm tra, rà soát trên địa bàn xã có hơn 30 hộ chăn nuôi không thực hiện đầy đủ các biện pháp về bảo vệ môi trường, trong đó hộ nuôi nhiều nhất 300 con lợn/lứa, hộ nuôi ít cũng hơn 100 con lợn/lứa. UBND xã đã trực tiếp tuyên truyền, yêu cầu các hộ chăn nuôi sử dụng nhiều biện pháp xử lý chất thải, chấm dứt xả nước thải trực tiếp ra các kênh, mương. UBND xã đã xử lý vi phạm 9 trường hợp với mức phạt từ 700 nghìn đến 2 triệu đồng. Số hộ còn lại lập biên bản và ký cam kết khắc phục vi phạm, không tái phạm. Ngoài xã Bối Cầu, tình trạng xả thải từ chăn nuôi ra môi trường không đúng quy định còn tập trung ở các xã Bồ Đề, An Ninh, Ngọc Lũ, Hưng Công, Đồng Du.

Ông Lã Xuân Hùng, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Lục cho biết: Qua rà soát cho thấy, việc tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường trong chăn nuôi tại một số xã như: Tràng An, Đồng Du, Bối Cầu, Bồ Đề… còn nhiều hạn chế, thiếu các giải pháp áp dụng hiệu quả. Trước thực trạng này, UBND huyện Bình Lục chỉ đạo các địa phương yêu cầu các hộ, doanh nghiệp đầu tư xây dựng bể biogas, hệ thống thu gom, lắng lọc xử lý chất thải, nước thải trước khi xả thải ra môi trường; các xã, thị trấn tổ chức khơi thông cống rãnh, tổ chức cho nhân dân ký cam kết không xả nước thải, chôn lấp xác động vật chết bảo đảm vệ sinh môi trường nông thôn. Các phòng, ban chức năng, phối hợp với các xã thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất đối với các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, từ đó có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Trần Thoan

Nguồn: Báo Hà Nam

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *