Cần Thơ: Hiện đại hóa, nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi

(Người Chăn Nuôi) – UBND thành phố Cần Thơ vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030 trên địa bàn thành phố.

Đề án nhằm đạt được các mục tiêu đề ra của Quyết định số 587/QĐ-TTg ngày 03/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 2486/QĐ-BNN-CN ngày 19/7/2024 của Bộ NN&PTNT.

Đề án phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi đến năm 2030

Trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao tại TP Cần Thơ. Ảnh: ST

Trong đó, hiện đại hóa trang thiết bị và công nghệ chuồng trại đáp ứng yêu cầu phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thân thiện với môi trường và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Nâng cao năng lực quản lý, xử lý chất thải chăn nuôi bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải chăn nuôi cho các mục đích khác nhau.

Cụ thể, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa tính theo giá trị hệ thống chuồng trại, trang thiết bị chuồng trại phấn đấu đáp ứng 80%. Chăn nuôi trang trại quy mô vừa và quy mô lớn sử dụng chuồng trại với trang bị thiết bị hiện đại đạt 70%; trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm (gà, vịt) có chuồng kín đạt 70%. Áp dụng các biện pháp thu gom, xử lý, tận dụng chất thải hữu cơ cho các mục đích khác nhau và xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học các loại của hộ chăn nuôi.

Kế hoạch sẽ được triển khai với các nội dung như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện các nội dung của Đề án và kế hoạch; tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết việc triển khai Đề án.

Đối với nghiên cứu thực trạng mô hình chăn nuôi tuần hoàn, chăn nuôi an toàn sinh học, phối hợp cùng Cục Chăn nuôi đánh giá được thực trạng mô hình, hoàn thiện và tài liệu hóa quy trình chăn nuôi kinh tế tuần hoàn và quy trình chăn nuôi 4F (nông trại – thức ăn – cách cho ăn – phân bón) an toàn sinh học. Triển khai các mô hình chăn nuôi theo quy trình chăn nuôi kinh tế tuần hoàn, quy trình chăn nuôi 4F an toàn sinh học; phát triển công nghiệp phụ trợ chế tạo, sản xuất trang thiết bị chuồng trại hiện đại, khảo sát lồng ghép cơ chế, chính sách ưu tiên hiện có của Trung ương và địa phương nhằm phát triển công nghiệp phụ trợ chế tạo, sản xuất trang thiết bị chuồng trại hiện đại với các nội dung. Tiêu chuẩn hóa được các mẫu chuồng nuôi lợn, gia cầm, bò phù hợp với mô hình chăn nuôi của địa phương; xây dựng được quy trình và chuồng trại chăn nuôi theo hướng tự động hóa; ứng dụng công nghệ trong xử lý chất thải chăn nuôi, đánh giá thực trạng và khuyến khích phát triển các hoạt động đổi mới công nghệ về quy trình chăn nuôi, chuồng trại chăn nuôi lợn hướng tự động hóa. 

Khuyến khích áp dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới để xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển mô hình chăn nuôi tuần hoàn, nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái chăn nuôi, phối hợp với Cục Chăn nuôi đánh giá thực trạng và đề xuất các hoạt động công nghệ chuồng trại thông minh và hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi theo hướng kinh tế tuần hoàn. Ứng dụng công nghệ chuyển hóa chất thải chăn nuôi thành mô hình sản xuất phân bón hữu cơ hoặc mô hình nuôi côn trùng, sinh vật làm thức ăn chăn nuôi, thủy sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế sinh thái chăn nuôi.

UBND thành phố Cần Thơ giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố có liên quan và Ủy ban nhân dân quận, huyện tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; lồng ghép nhiệm vụ và giải pháp thực hiện của Kế hoạch với các chương trình, đề án, dự án khác có liên quan và tuyên truyền đến toàn thể người dân được biết và phối hợp thực hiện nhằm đảm bảo đạt các mục tiêu của Kế hoạch. 

Đồng thời, thường xuyên cập nhật các văn bản quy định, chỉ đạo hướng dẫn của Chính phủ, Bộ ngành Trung ương có liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ ngành chăn nuôi để triển khai, phổ biến kịp thời đến các tổ chức, cá nhân biết và tuân thủ theo quy định.

Bên cạnh đó, phối hợp với các sở, ban ngành thành phố có liên quan và UBND quận, huyện rà soát, xây dựng, triển khai áp dụng các chính sách, hỗ trợ có liên quan, trong đó ưu tiên cho việc áp dụng chính sách, hỗ trợ khuyến khích, đồng bộ thu gom, xử lý, tận dụng chất thải hữu cơ cho các mục đích khác nhau và xử lý chất thải chăn nuôi, xây dựng công trình khí sinh học các loại của hộ chăn nuôi.

Trong giai đoạn 2021 – 2025, định hướng năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, ngành nông nghiệp Cần Thơ sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, chuyển từ chăn nuôi truyền thống, hộ gia đình quy mô nhỏ lẻ sang chăn nuôi trang trại theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp và ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm.

Ngoài phát triển bền vững lĩnh vực chăn nuôi, ngành nông nghiệp Cần Thơ đang phối hợp với các quận, huyện đề xuất quy hoạch khu chăn nuôi theo hướng tập trung, hướng đến nuôi lợn theo hình thức bán công nghiệp và công nghiệp trên 70%, và trên 45% đối với gia cầm. Ngoài ra, Cần Thơ sẽ đầu tư 2 khu chăn nuôi, giết mổ tập trung với quy mô gần 600 ha tại huyện Cờ Đỏ và Thới Lai. Đồng thời, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để chăn nuôi, giết mổ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm phù hợp với phát triển lĩnh vực chăn nuôi theo quy hoạch của thành phố.

Minh Khuê

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *